Bà chủ Tổng công ty May 10: "Nhân viên cũng là người thầy"

01/06/2017

Người tạo 3553

Chuyên mục:

Đầu nghĩ, miệng nói, tay làm là tính cách nổi bật của chị Huyền", đó là sự "đánh giá” thân mật mà nhân viên dành cho Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 Nguyễn Thị Thanh Huyền.

Nhờ tính cách đó, 10 năm trên cương vị tổng giám đốc, bà đã dẫn dắt May 10 tăng trưởng đều đặn mỗi năm từ 22 - 25%. May 10 cũng là doanh nghiệp (DN) dệt may đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, hai lần được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. May 10 còn là một trong số ít DN trong ngành dệt may có tới bốn thế hệ cùng làm việc trong ngôi nhà chung và đang chuẩn bị đón thế hệ thứ năm.  

Giữ được sự đồng lòng, tâm phục khẩu phục trong một đại gia đình gần 12.000 cán bộ, nhân viên, nhất là có tới bốn thế hệ cùng làm việc khi tuổi đời còn rất trẻ, bí quyết của bà là gì?

Bố mẹ mất sớm, ba chị em chúng tôi phải bươn chải nuôi nhau. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh ấy đã giúp tôi xác định chỗ dựa vững chắc nhất cho cuộc đời chính là sự nỗ lực học hỏi, chăm chỉ làm việc. Vì vậy, khi bước chân vào May 10, vốn tiền thân là phân xưởng sản xuất quân trang của Cục Quân nhu, Bộ Quốc phòng, tôi đã miệt mài làm việc. Mấy chục năm gắn bó với May 10, từ một công nhân, tới tổ trưởng rồi "lên dần" đến tổng giám đốc, tôi vẫn như ngày đầu, không chùn bước trước khó khăn, thậm chí luôn xung phong, không ngại đảm nhiệm những việc khó.

Cũng từ người lao động đi lên nên tôi hiểu những người lao động như tôi đang cần gì, tâm tư, nguyện vọng, mưu cầu cuộc sống ra sao. Vì vậy, điều quan tâm đầu tiên của tôi là làm gì cũng phải có sự đồng lòng, chung sức của tất cả nhân viên, lấy quyền lợi của nhân viên làm mục tiêu phát triển Công ty.

Trong cuộc sống, tôi luôn chan hòa với anh chị em, có quyền lợi gì thì chia đều. Khó khăn thì mình đi trước. Nhân viên ở bất cứ vị trí nào đều được tôn trọng. Để tạo nếp văn hóa cho DN cũng như đảm bảo sự công bằng, tính kỷ luật, tôi áp dụng những nguyên tắc kỷ luật trong quân đội, vốn là truyền thống của May 10.

Từ những việc làm được, tôi ngẫm ra bài học cho người làm lãnh đạo: muốn nhân viên "tâm phục khẩu phục" trước hết mình phải "kỷ luật" với chính mình, trong quan hệ với nhân viên tâm phải sáng, phải mở lòng trước. Có một điều tôi luôn tự hào ở May 10, đó là không có chuyện lên chức phải mất tiền, không ai phải quỵ lụy ai và chỉ có cấp trên mới được tặng quà cho cấp dưới.

Lãnh đạo một DN có khoảng 80% là nữ khiến tỷ lệ biến động lao động cao, bà có thấy quá áp lực?

Ngành may mặc vốn đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ và như vậy phù hợp với nữ giới, nên ở May 10 có đến 80% lao động nữ là một thuận lợi. Tuy nhiên với phụ nữ, ngoài công việc chung còn phải đảm đương thiên chức người mẹ, người vợ nên mối quan tâm của họ cho gia đình, con cái cũng nhiều hơn, dễ bị phân tâm.

Từng là công nhân và cũng là người mẹ, người vợ, tôi thấu hiểu nỗi lo toan của chị em. Vì vậy, muốn chị em yên tâm làm việc, ngoài các chế độ, chính sách thỏa đáng, May 10 đã đầu tư xây dựng khu tập thể, xây trạm y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường cao đẳng nghề dành cho con em cán bộ, công nhân viên và cho cộng đồng dân cư quanh Công ty.

Được biết bà là người mê sách. Vậy sách đã ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của bà như thế nào?

Sách không những giúp tôi tăng cường kiến thức mà còn tăng cường ý chí trong cuộc sống và công việc. Tôi đọc nhiều loại sách về kỹ năng sống, về doanh nhân thành đạt. Tôi còn chọn những sách nâng đỡ tinh thần con người, như cuốn Khi mặt trời lên của nhà sư Thích Huyền Diệu.

Tôi rất tâm đắc cuốn sách nói về luật nhân quả ấy nên đã mua tới 10 ngàn cuốn để tặng nhân viên. Tôi nghĩ, khi con người hiểu được luật nhân quả, gieo gì gặt nấy thì tâm họ sẽ sáng hơn, hành xử tốt hơn và không làm điều xấu. Tôi còn học từ cuộc sống. Trong mỗi chuyến đi công tác hay du lịch, tôi luôn ghi chép những điều hay mà mình được trải nghiệm, từ đó rút ra điều mình cần thay đổi trong công việc và cuộc sống.

Bà vừa được Tạp chí Forbes Việt Nam chọn vào Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017, vậy ảnh hưởng nào bà tâm đắc nhất?

Bất cứ danh hiệu hay giải thưởng nào cũng là món quà tinh thần và là sự động viên đối với người được tôn vinh. Nhưng tôi thấy "Top ảnh hưởng nhất" to tát quá, bởi, những điều tôi làm chủ yếu lan tỏa trong cộng đồng DN của mình. Song, nếu bạn hỏi điều tâm đắc thì đó là từ việc làm và lối sống, tôi đã lan tỏa được tinh thần sống tốt, làm việc tốt cho anh chị em trong Công ty.

Từ sự phấn đấu của bản thân, bà có lời khuyên nào cho các bạn trẻ khi đa số họ đều muốn làm chủ, không muốn làm công?

Muốn có sự nghiệp bền vững thì điều không thể khác được là tự thân phấn đấu. Nếu mình không phấn đấu thì không thể nào làm được công việc mình mong muốn, giống như xây một ngôi nhà không vững móng thì rất khó trụ vững, nên không thể đốt cháy giai đoạn. Ông bà xưa có câu "Dục tốc bất đạt", mọi việc đều phải có thời gian, phải đam mê và quan trọng nhất là phải luôn đau đáu về nó và đi từng bước, từng bước để học hỏi mới thành công. Thời đại ngày nay là thời đại của sự chia sẻ, chỉ có sự trải nghiệm sâu mới hiểu kỹ, mới chia sẻ được.

Một chuyện... đau đáu thời trẻ mà bà nhớ nhất?

Năm 1997, khi tôi tham quan một nhà máy may ở Thái Lan, nhìn dây chuyền, quy trình sản xuất của họ quy mô, trật tự trong môi trường làm việc rất chuyên nghiệp, tôi tự hỏi tại sao người ta làm tốt như vậy mà mình chưa làm được. Rồi nhiều năm theo đuổi, cuối cùng tôi đã trả lời được câu hỏi mình tự đặt ra. Từ chuyện đó, tôi luôn nhắc nhở nhân viên, muốn là được, đi là đến, vấn đề là mình muốn làm hay không mà thôi.

Cảm ơn bà về sự cởi mở!

Tổng công ty May 10

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *