Cách quản lí những nhân viên xuất sắc

25/07/2017

Người tạo 0

Chuyên mục:

Làm thế nào để quản lí một nhân viên đang làm việc xuất sắc? Làm thế nào để giữ cho những nhân viên này luôn cảm thấy hứng thú với công việc của mình? Và bạn nên theo dõi các nguy cơ rủi ro nào?...

Phải chăng không nên tốn sức để quản lí những nhân viên xuất sắc – các “ngôi sao” nổi bật trong công ty của bạn? Họ là những người mang lại kết quả và vượt chỉ tiêu cho công ty, nhưng như vậy không có nghĩa là bạn chỉ có thể tránh sang một bên và nhường họ. Vậy làm thế nào để quản lí một ai đó đang làm việc xuất sắc? Làm thế nào để giữ cho những nhân viên này luôn cảm thấy hứng thú với công việc của mình? Và bạn nên theo dõi các nguy cơ rủi ro nào?

Nguồn: Internet

Các chuyên gia nói gì

Có một cá nhân tài giỏi trong đội ngũ nhân viên là ước mơ của mọi ông chủ. Theo Linda Hill – giáo sư Trường Kinh doanh Harvard – đó có thể là một thách thức thực sự. Bạn cần phải đảm bảo rằng nhân viên đó đã có đủ việc để làm nhằm duy trì mối quan hệ qua lại, nhưng không nhiều quá mà khiến họ thấy bị bóc lột. Họ cần nhận được những phản hồi tích cực, nhưng không được phản tác dụng đối với sự phát triển trong tương lai.

Mary Shapiro – phụ trách giảng dạy về cách hành xử tổ chức tại Cao đẳng Simmons – cho rằng các động lực nhóm là một lưu ý khác khi bạn đã có một nhân viên xuất sắc trong nhóm của mình. Cho dù nhân viên đó vừa tham gia vào nhóm của bạn hay đã làm việc cho bạn trong một khoảng thời gian, dưới đây vẫn là một số cách để quản lí họ hiệu quả.

Nghĩ về sự phát triển

Một trong những khó khăn lớn nhất khi quản lí một nhân viên tài năng và đầy tự tin là đảm bảo rằng họ thấy công việc đủ thách thức. Phương thuốc cho vấn đề này chính là “sự phát triển tài năng truyền thống”, Shapiro nói. Trước tiên, hãy hỏi nhân viên: “Cậu muốn tiếp tục ở đâu, và tôi cần cho cậu kinh nghiệm gì để đảm bảo cậu sẽ đạt được điều này?”. Sau đó, hãy tìm cơ hội để giúp họ có được những kĩ năng mới và làm chúng trở nên sắc bén hơn trước kia. Hill đề nghị nên giúp nhân viên “tiếp xúc với các bộ phận khác trong tổ chức” mà sẽ giúp mở rộng quan điểm của họ; và tất nhiên, đừng thờ ơ với người khác. Nếu không, bạn sẽ không xây dựng được năng lực cho toàn nhóm. Tất cả mọi người trong nhóm của bạn đều xứng đáng có cơ hội được phát triển.

Cho phép quyền tự chủ

Có một cách khác để đảm bảo rằng nhân viên xuất sắc luôn gắn bó và vui vẻ khi đi làm là hãy cho họ quyền tự chủ nhiều hơn: Thể hiện sự tin tưởng bằng cách ủy thác cho họ thẩm quyền và trách nhiệm đối với một số dự án và nhiệm vụ nhất định, không ở tầm vi mô. Hãy cho họ quyền tự do làm theo ý mình trong quá trình làm việc. Nếu sự đề bạt chính thức không khả thi, hoặc nhân viên của bạn chưa thực sự sẵn sàng cho điều này, hãy tư duy sáng tạo về cách mài giũa các kĩ năng lãnh đạo của nhân viên. Trao cho họ trách nhiệm đào tạo, đề nghị họ làm việc với những người khác trong nhóm, tư vấn cho những người đó và từ đấy phát triển cả đội.

Đừng “đi quá đà” với phản hồi tích cực

Nhìn chung, những nhân viên xuất sắc thường có khuynh hướng đòi hỏi nhiều sự khen ngợi và đảm bảo hơn so với những nhân viên bình thường. Chuyên gia Hill khuyên rằng chỉ nên phản hồi lại họ với số lượng thích hợp bằng cách thừa nhận sự đóng góp của họ, chẳng hạn nếu họ đã hoàn thành dự án một cách tốt đẹp hay thực hiện bài thuyết trình ấn tượng. Nhưng bạn không nên đi quá đà, hãy giúp họ học cách tự giám sát chính mình và thừa nhận thêm cả sự đóng góp của các thành viên khác trong nhóm – những người đã giúp họ thành công. Ngoài ra, một số nhân viên nổi bật không hề mong hay muốn được khen ngợi liên tục, bạn sẽ không biết rõ điều gì đã thực sự thúc đẩy họ.

Quản lí khối lượng công việc của nhân viên xuất sắc và những người còn lại

Một phần quan trọng trong công việc của bạn dưới tư cách ông chủ là đảm bảo rằng công việc sẽ được chia ra tương đối công bằng. Đây có thể là một thách thức khi bạn đang quản lí ai đó xuất sắc hơn những người còn lại. Bạn muốn giao tất cả nhiệm vụ cho nhân viên đó bởi bạn biết họ sẽ hoàn thành công việc, nhưng trong khi nó tiện cho bạn thì việc làm quá sức sẽ dễ khiến họ bị quá tải. Để điều này không xảy ra, bạn nên phân tích kĩ xem điều gì là quá sức đối với họ để xác định các nhiệm vụ, dự án có thể loại trừ, tạo cơ hội cho các dự án khác phù hợp hơn. Có thể nhân viên đó sẽ miễn cưỡng với điều này, nhưng bạn phải kiên định. Hãy nói rõ rằng bạn muốn tạo điều kiện để họ có thể sử dụng năng lực trí tuệ, năng lượng và thời gian của mình một cách tốt nhất. Và đừng quên quan sát toàn nhóm. Những cá nhân nổi bật thường gây được sự chú ý, có khả năng gây hứng thú và truyền cảm hứng cho người cùng làm việc với họ, nhưng thường thì những người khác lại không thể theo kịp được. Đó là lí do bạn cần phải đảm bảo khối lượng công việc là hợp lí đối với tất cả mọi người.

Chú ý đến các động lực nhóm

Những nhân viên nổi bật có thể gây ra căng thẳng cho cả nhóm. Họ có lẽ muốn thể hiện với mọi người, hoặc những người ngang hàng có tâm lí ghen tị với khả năng của họ, dẫn đến sự phân biệt đối xử. Bạn không thể kiểm soát cảm xúc ở người khác, nhưng lại có tiếng nói đối với cách hành động của họ. Thứ nhất, và cũng là quan trọng nhất, đừng cho thấy sự yêu thích hơn kém. Tiếp đó, hãy nói chuyện với các thành viên trong nhóm về động lực nhóm và hành vi cá nhân của họ. Mục tiêu của bạn là phải đảm bảo rằng cả nhóm đang đối xử với cá nhân xuất sắc hợp tình hợp lí. Có thể bạn sẽ cần một cuộc trò chuyện riêng tư với tất cả mọi người.

Khích lệ nhân viên xuất sắc xây dựng quan hệ

Bạn cũng cần phải nói chuyện với nhân viên xuất sắc. Nhiều nhà điều hành cấp cao gặp khó khăn trong việc xây dựng một mối quan hệ đáng tin cậy. Hill cho rằng: “Những nhân viên xuất sắc làm việc rất nhanh, vì thế họ không đặt câu hỏi hay cố gắng xây dựng các cầu nối quan hệ, chủ yếu bởi họ không phải làm thế”. Đó chính là công việc bạn, khuyến khích nhân viên kết nối và giúp họ phát triển năng lực của mình, hợp tác để giúp họ hòa nhập với cả nhóm, chỉ cho họ cách làm việc thành công với đồng nghiệp. Để đóng góp cho tổ chức hiện nay, chúng ta cần có khả năng làm việc với những người khác, trong những hoạt động khác nhau.

Đừng ích kỉ

Không ai muốn mất một nhân viên giỏi, họ có thể là người sẵn sàng làm nhiều hơn những gì bạn đề nghị với vai trò cụ thể. Điều bạn cần làm là cân nhắc những ưu tiên của công ty và xem xét liệu nhân viên đó sẽ phù hợp ở trong hay ngoài nhóm; trao đổi với ông chủ về việc tìm cho nhân viên đó một vị trí trong công ty, đồng thời đảm bảo rằng họ sẽ thay thế được. Thường xuất hiện tình trạng tiến thoái lưỡng nan giữa quản lí và hoạt động thương mại, song bạn không thể ủ giấu tài năng được.

Những nguyên tắc cần nhớ

Nên:

- Khen ngợi và trấn an, đồng thời khích lệ nhân viên xuất sắc thừa nhận sự đóng góp của người khác.

- Thể hiện lòng tin bằng cách phân công trách nhiệm đối với một số dự án nào đó và để nhân viên xuất sắc của bạn quyết định sẽ làm việc như thế nào.

- Đảm bảo khối lượng công việc của cả nhóm hợp lí. Những cá nhân xuất sắc là những người tiên phong mà không phải ai cũng theo kịp.

Không nên:

- Khiến nhân viên xuất sắc phải làm quá nhiều – họ có thể bị quá tải. Hãy phân tích những công việc họ làm và xác định dự án nào có thể loại bỏ.

- Thờ ơ với các thành viên còn lại trong nhóm. Hãy tìm cách để mỗi người đều có thể báo cáo trực tiếp với bạn.

- Ủ giấu tài năng. Nếu nhân viên của bạn đã sẵn sàng để phát triển, bạn cần ủng hộ họ thăng chức.

Thanh Huyền

Lược dịch theo Harvard Business Reiview

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *