Chuyên gia: Chính sách cần tiên liệu được cho doanh nghiệp

22/09/2017

Người tạo 0

Chuyên mục:

Chuyên gia Võ Trí Thành nhấn mạnh rằng tính dự báo được của chính sách là rất quan trọng để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Ông Thành nêu ra ý trên tại Hội thảo “Đảm bảo tính nhất quán trong điều chỉnh chính sách cho tăng trưởng” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 19/9 tại Hà Nội.

Ông Thành cho rằng, tăng trưởng tín dụng đã liên tục tăng trong vài năm nay và được đặt mục tiêu khoảng 21 - 22% và nhận xét: “Mục tiêu đó đúng hay sai tôi chưa bàn, nhưng nó cho thấy chả lẽ sang năm lại đặt ra là 25% à?”.

Ông bình luận, biện pháp hành chính đó là không nên và cần nhường chỗ cho thị trường hấp thụ để hiệu quả hơn.

Chuyên gia này nhận xét thêm, trong khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn thì Bộ Tài chính lại xem xét tăng thuế VAT, điều có thể gây tác động dây chuyền lên sản xuất kinh doanh.

“Tính dự báo được của chính sách là rất quan trọng, vì thế cần phải tính cả đến lúc phải rút lui chính sách”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, Việt Nam đang phải theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao trong bối cảnh có hàng loạt bất lợi như ngân sách nhà nước khó khăn, cải cách bộ máy tiếp tục, tái cấu trúc kinh tế và kinh tế vĩ mô chưa ổn định vững chắc.

Ông đề nghị cần tiếp tục tháo gỡ mọi rào cản kinh doanh để thu hút nguồn lực tài chính trong dân “còn rất lớn” để cho sản xuất, kinh doanh.

Chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng, tính dự báo được của chính sách sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh. Ảnh: TH.

Doanh nghiệp vẫn bị làm khó

Tại hội thảo, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn kể một câu chuyện doanh nghiệp ở Thái Nguyên đang “kêu cứu”.

Theo ông Tuấn, doanh nghiệp này đột nhiên bị Hải Phòng thông báo thu phí hạ tầng 20.000 đồng/tấn hàng rời. Doanh nghiệp này, dù dùng dịch vụ đường sông để chuyển hàng, vẫn phải đóng thêm gần 400 triệu đồng tiền phí hạ tầng mỗi chuyến hàng 20.000 tấn.

Bị áp thuế quá cao và đột ngột, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh doanh, doanh nghiệp đã chia sẻ với ông Tuấn là rất chán nản và muốn giảm quy mô.

Ông Tuấn nói: “Hải Phòng thu được một ít phí nhưng đằng sau đấy là năng lực cạnh tranh, tâm lý của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Làm sao đo được tác động đó?”.

Ông Tuấn nói: "Tôi được biết, doanh thu của doanh nghiệp mỗi năm là khoảng 800 tỉ đồng, nộp ngân sách 30 tỉ đồng. Hiện nay, Hải Phòng thu được 400 triệu đồng của doanh nghiệp, nhưng lại khiến doanh nghiệp khó khăn, thậm chí đi vào bước đường cùng chuyển đổi ngành nghề kinh doanh thì rõ ràng tổn thất cho quốc gia. Hải Phòng có lợi ích nhưng đằng sau đó là lợi ích quốc gia, toàn cục".

Nói thêm về chính sách thuế, ông Tuấn cho rằng, vừa qua việc đề xuất sửa đổi 5 luật thuế của Bộ Tài chính đã gây xôn xao dư luận, khiến nhiều doanh nghiệp cảm giác như phí thuế đang ngày càng nhiều.

Ông Tuấn ví dụ, chúng ta cứ kêu gọi doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nguyên liệu qua chế biến nhưng chính sách tính thuế tài nguyên của Việt Nam hiện nay đánh vào sản phẩm tinh lại cao hơn rất nhiều so với sản phẩm thô.

Vì thế, nhiều doanh nghiệp chỉ đơn thuần nổ mìn phá đá để xuất khẩu đá thô, thay vì xẻ đá để xuất khẩu, không tạo công ăn việc làm cho đất nước, không tạo giá trị gia tăng.

Theo ông Tuấn, lẽ ra để khuyến khích chế biến, Nhà nước chỉ nên đánh thuế đối với phần khoáng sản khai thác lên thôi; còn tất cả các công sàng tuyển, chế biến thì không nên đánh thuế, tức là phải được coi là chi phí được trừ khi tính thuế.

“Nhưng thu thuế như vậy thì được ít tiền quá. Vì thế, chỉ quan trọng vài đồng thuế mà đưa ra chính sách khiến toàn bộ ngành công nghiệp chế biến khoáng sản của Việt Nam không bao giờ phát triển được", ông Tuấn nói.

Tư Hoàng

Theo Saigon Times

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *