Cổ phần hóa DNNN 2017-2020: Chính phủ quyết liệt đến đâu?

16/01/2017

Người tạo 0

Chuyên mục:

Quyết định 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 có thể xem như một món quà của Chính phủ cho nền kinh tế. Nhưng nó cũng khiến cho không ít người phải đặt ra câu hỏi, đó có phải là một cải cách thật sự quyết liệt trong vấn đề cổ phần hóa DNNN?

Có lẽ hiếm khi nào nền kinh tế Việt Nam lại chờ đợi một năm mới đến với sự kỳ vọng lớn như năm 2017. Dễ hiểu khi sau một năm 2016 không thực sự thành công với hàng loạt những biến động bất lợi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng, thì kinh tế Việt Nam chờ đợi một năm mới đến với hy vọng tăng trưởng sẽ ổn định trở lại khi những khó khăn đã qua đi. Ngoài ra 2017 cũng được kỳ vọng sẽ là thời điểm mang tính bản lề cho kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, những tin tức quan trọng nhất trong những ngày đầu năm mới thì dường như lại không hoàn toàn được như vậy. Quyết định 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 có thể xem như một món quà cho nền kinh tế của Chính phủ khi danh mục các DNNN nằm trong diện cổ phần hóa được lên một cách cụ thể và rõ ràng. Nhưng nó cũng khiến cho không ít người phải đặt ra câu hỏi, đó có phải là một cải cách thật sự quyết liệt?

Trước hết, không cần phải bàn cãi về tính tích cực được thể hiện trong Quyết định 58/2016 về vấn đề sắp xếp nhằm xác định những DNNN nằm trong diện cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020. So với quyết định trước đó về vấn đề này là Quyết định 37/2014/QĐ-TTg thì Quyết định 58/2016 đã có những điều chỉnh mang tính bước ngoặt một cách rõ rệt, đó là phân loại các DNNN và đưa vào 4 danh mục: 1. Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, 2. Nhà nước giữ trên 65% vốn điều lệ, 3. Nhà nước giữ từ 50-65% vốn điều lệ, 4. Nhà nước giữ dưới 50% vốn điều lệ. Theo đó, sẽ có 103 DNNN thuộc danh mục 1, 4 DN thuộc danh mục 2, 27 DN thuộc danh mục 3 và 106 DN thuộc danh mục 4 (theo CafeF).

Nói cách khác, đây là sự quyết định dứt khoát những DNNN nào sẽ thuộc diện nào một cách bắt buộc từ nay đến năm 2020, thay vì mù mờ và không rõ ràng như trước đây. Nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, thì có thể gần như chắc chắn sẽ có gần 1 nửa trong số 240 DNNN Nhà nước sẽ không còn nằm giữ cổ phần chi phối, chưa kể 31 DN khác mà tư nhân có thể nắm giữ tới 49% số cổ phần. Trách nhiệm của các bộ chủ quản những DNNN này cũng được đề cập rất rõ ràng, và phải báo cáo kết quả sắp xếp DNNN trước ngày 15.4 hàng năm để trình Thủ tướng Chính phủ.

Đây rõ ràng là một bước tiến dài trong chương trình cổ phần hóa các DNNN vốn được thực hiện rất chậm chạp trong vài năm gần đây. Nhưng so với những gì Nhà nước và Chính phủ tuyên bố trước đó về kế hoạch cổ phần hóa DNNN thì dường như đây vẫn là một kết quả chưa thực sự tương xứng. Trước hết, số DNNN không thuộc diện Nhà nước cần thiết nắm giữ cổ phần chi phối như tuyên bố trước đây nhưng lại nằm trong 3 danh mục sắp xếp đầu tiên của Quyết định 58/2016 (Nhà nước nắm giữ trên 50% cổ phần) vẫn còn không ít.

Có thể kể đến các công ty nông, lâm nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích… là các lĩnh vực Nhà nước có thể không cần nắm giữ cổ phần chi phối. Tương tự, một loạt các doanh nghiệp khác mà khó có thể xem là cần thiết để Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối như Tổng công ty thuốc lá, Vinafood 1, Vinafood 2… vẫn nằm trong 3 danh mục đầu tiên. Chưa kể có không ít doanh nghiệp trong số này lại đang thuộc diện thua lỗ hay hoạt động kém hiệu quả và về lý thuyết phải được cổ phần hóa càng sớm càng tốt.

Một vấn đề đáng chú ý khác, Quyết định 58/2016 cũng giống như Quyết định 37/2014 là thiếu đi chế tài kỷ luật đối với người đứng đầu DNNN, đứng đầu cơ quan chủ quản nếu không tuân thủ tiến độ sắp xếp (theo The Saigon Times). Ai cũng thấy, chính việc thiếu một chế tài xử lý kỷ luật là nguyên nhân hàng đầu khiến Quyết định 37/2014 có hiệu quả rất ít trong việc cổ phần hóa DNNN vài năm qua, khi việc này gần như không mang lại lợi ích gì cho những người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thì giờ đây Quyết định 58/2016 lại dẫm vào chính thiếu sót đó.

Những vấn đề kể trên dẫn tới việc hiệu quả trên thực tế mà Quyết định 58/2016 có thể tạo ra đang đứng trước không ít hoài nghi. Trước hết, số DNNN mà Nhà nước nắm giữ dưới 50% cổ phần ít hơn dự kiến, chỉ được 106 DN. Chưa kể việc 106 DN này có thực sự được tư nhân nắm giữ trên 50% cổ phần hay không (vốn là mục tiêu hàng đầu của kế hoạch này) vẫn đang là một dấu hỏi, khi mà Quyết định 58/2016 lại thiếu đi quy định cấm các cơ quan nhà nước được phép mua cổ phần được thoái khỏi các DN trên. Đây rõ ràng là một khía cạnh đáng lưu ý khi nó đang mở ra phương án các cơ quan và DNNN khác tham gia sở hữu cổ phần tại các DN này – một việc đi ngược với chủ trương thoái vốn nhà nước đang được thực hiện.

Không cần phải bàn cãi về tầm quan trọng của Quyết định 58/2016 đối với nền kinh tế Việt Nam từ nay đến năm 2020, khi nó quyết định việc xử lý một vấn đề quan trọng hàng đầu là cổ phần hóa các DNNN. Không phủ nhận những bước tiến dài trong việc giải quyết vấn đề này, nhưng rõ ràng kế hoạch này vẫn khiến giới quan tâm còn nhiều băn khoăn mà chưa giải tỏa được. 

Nhàm Đàm

Theo Một Thế Giới

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *