Công nghiệp dệt may đã phục hồi

02/06/2017

Người tạo 930

Chuyên mục:

Năm 2013, công nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã tăng trưởng vượt bậc so với những năm trước. Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) dệt may đang đàm phán với đối tác để ký kết đơn hàng xuất khẩu.

Năm 2013, công nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã tăng trưởng vượt bậc so với những năm trước. Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) dệt may đang đàm phán với đối tác để ký kết đơn hàng xuất khẩu.

 Doanh thu đạt cao

 Năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu sợi và hàng dệt may vượt 20 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2012, vượt kế hoạch 1 tỷ USD; dệt may Việt Nam tiếp tục là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, đạt giá trị xuất khẩu cao nhất. Theo ông Võ Đình Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, để đạt được con số ấn tượng này, bên cạnh giá nguyên liệu ổn định, năng lực sản xuất được nâng cao, mở rộng..., các DN ngành dệt may còn vượt qua được khó khăn nhờ những bước đi đúng đắn, năng lực cạnh tranh tốt, phát triển thị trường hợp lý và đã chiếm lĩnh được thị phần tại những thị trường xuất khẩu quan trọng.

Với các DN dệt may trên địa bàn tỉnh, năm 2013 là một năm khá thành công trong hoạt động xuất khẩu. Năm qua, Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang đã thực hiện hiệu quả nhất các chỉ tiêu kế hoạch tính từ khi cổ phần hóa (năm 2006) đến nay. Lần đầu tiên, doanh thu của Công ty đạt 1.260 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2012; sản lượng sợi xuất khẩu chiếm khoảng 70% (trong tổng số 17.000 tấn sợi sản xuất được) và 5,7 triệu sản phẩm may mặc. Công ty Cổ phần May Khánh Hòa cũng có doanh thu đạt cao nhất trong các năm qua với 167 tỷ đồng, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ hơn 3 triệu sản phẩm may mặc.

Lãnh đạo các DN dệt may trên địa bàn tỉnh cho biết, năm qua, công nghiệp dệt may có nhiều cơ hội thuận lợi để tăng tốc. Theo ông Võ Đình Hùng: “Năm 2013, thị trường xuất khẩu của Công ty có bước phát triển. Ngoài thị trường Hoa Kỳ truyền thống, Công ty còn mở rộng thêm thị trường Nhật Bản, châu Âu. Nhiều khách hàng đã tìm đến hợp tác, bởi Công ty là đơn vị sản xuất khép kín từ các khâu sợi, dệt, nhuộm, may, xuất xứ sản phẩm rõ ràng. Nhờ vậy, các nhà máy sợi của Công ty đã hoạt động hết công suất nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu của khách hàng. Đối với mặt hàng may mặc, trước đây, một số nhà nhập khẩu hợp tác với các DN của Trung Quốc; còn hiện nay đã đặt quan hệ với Công ty để đón đầu những ưu đãi về thuế khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP - Trung Quốc không tham gia Hiệp định này). Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn, lãi suất cho vay của ngân hàng giảm; tỷ giá ngoại tệ ổn định cũng đã giúp DN hoạt động hiệu quả hơn”. Còn ông Trần Vĩnh Thủy - Giám đốc Công ty Cổ phần May Khánh Hòa cho biết, năm 2013, nhờ giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ có hiệu quả nên các yếu tố đầu vào của ngành may không biến động nhiều. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu ổn định và đang phát triển trở lại... nên hoạt động của DN khá thuận lợi. Bên cạnh đó, còn phải kể đến những nỗ lực của các DN trong việc đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí để tạo sự cạnh tranh trên thị trường...   

 Dồi dào đơn hàng sản xuất

 


Kết quả sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu đạt được trong năm 2013 đang là động lực để các DN điều chỉnh cơ cấu mặt hàng cho phù hợp với từng thị trường, qua đó tăng tốc trong năm 2014. Hiện nay, một số DN dệt may trên địa bàn tỉnh đã xây dựng lộ trình cũng như phương án sản xuất theo hướng giảm dần tỷ lệ gia công, sản xuất hàng FOB để chuẩn bị cho việc tham gia Hiệp định TPP thông qua việc đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, tăng cường liên kết giữa các DN trong chuỗi liên kết sợi, dệt, nhuộm, may... Mới đầu tháng 1, nhiều DN dệt may trên địa bàn tỉnh đã ký kết được các hợp đồng xuất khẩu, đảm bảo đơn hàng sản xuất đến hết tháng 4-2014. Điển hình như: Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang ký kết giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 7,5 triệu USD. Công ty Cổ phần May Khánh Hòa đã có đơn hàng sản xuất đến hết tháng 3-2014 với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1 triệu USD. Hiện nay, lãnh đạo Công ty đang tiếp tục đàm phán với các đối tác để chuẩn bị đơn hàng xuất khẩu đến giữa năm với giá trị khoảng 1 triệu USD.

 Theo lãnh đạo các DN dệt may, để nắm bắt được cơ hội phát triển trong năm 2014, uy tín của DN là vấn đề sống còn, cũng nhờ uy tín của mình mà các DN dệt may ở Khánh Hòa đã vượt qua được khó khăn trong những năm trước. Bên cạnh những thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ, châu Âu, các DN dệt may trên địa bàn tỉnh đang chuyển hướng sang những thị trường tiềm năng khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc... Tuy nhiên, các thị trường này luôn yêu cầu phẩm cấp hàng cao hơn. Do đó, đòi hỏi các DN phải chú trọng đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ hiện đại.

 Hiện nay, một vấn đề đặt ra đối với các DN dệt may là chi phí sản xuất năm 2014 tiếp tục tăng, trong khi giá bán sản phẩm tại thị trường xuất khẩu không tăng. Chính vì vậy, trong đàm phán ký kết hợp đồng sản xuất, các DN luôn phải thận trọng để đảm bảo sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Bên cạnh việc đàm phán, nâng mức giá hợp lý nhất, các DN còn thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm chi phí sản xuất, ổn định lao động...

Dệt may Nha Trang

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *