Điều gì sẽ tới với công cụ phân tích, AI và tự động hóa? (P3)

16/06/2017

Người tạo 0

Chuyên mục:

Những cải tiến trong kĩ thuật số, phân tích, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa đang tạo ra những cơ hội cho sự hiệu quả và hiệu suất trong kinh doanh cũng như nền kinh tế, ngay cả khi chúng tái định hình công việc trong tương lai.

Mọi ngành nghề đều sẽ chịu ảnh hưởng. Chỉ có một tỉ lệ nhỏ - khoảng 5%, bao gồm 100% các hoạt động được tự động hóa toàn phần bằng cách sử dụng các công nghệ. Tuy nhiên, McKinsey nhận thấy khoảng 30% hoạt động ở 60% các ngành nghề có thể được tự động hóa.

Tiềm năng tự động hóa dựa trên công nghệ

Nguồn: McKinsey & Company

Điều này có nghĩa là nhiều công nhân sẽ làm việc cùng máy móc đang phát triển nhanh chóng, đòi hỏi sự tiến triển về mặt kĩ năng của lao động. Về bản chất công việc, sự phát triển nhanh chóng này sẽ tác động đến mọi người, từ thợ hàn tới người làm vườn, môi giới thế chấp và các CEO; ước tính khoảng 25% thời gian của CEO hiện nay là dành cho các hoạt động mà máy móc có thể làm được, chẳng hạn như phân tích báo cáo và dữ liệu để đưa ra quyết định.

Một số yếu tố chính sau đây sẽ ảnh hưởng đến tốc độ và quy mô của tự động hóa:

- Tính khả thi về mặt kĩ thuật của tự động hóa, bước đi quan trọng đầu tiên sẽ phụ thuộc vào sự đổi mới mang tính đột phá lâu dài, tuy nhiên chỉ một là chưa đủ.

- Chi phí phát triển và triển khai các giải pháp.

- Động lực từ thị trường lao động, bao gồm cung và cầu, chi phí lao động con người như một sự thay thế cho tự động hóa.

- Các lợi ích kinh doanh và kinh tế, không chỉ đơn thuần là những lợi ích thay thế cho lao động mà còn cả lợi ích từ những khả năng mới vượt qua cả khả năng của con người.

- Về pháp lí, sự đồng ý của người dùng và toàn xã hội có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ thích ứng ngay cả khi việc triển khai mang tới ý nghĩa về mặt kinh doanh và kinh tế.

Có thể xem xét ví dụ sau: Các loại xe điện đã cho thấy tính khả thi về mặt kĩ thuật từ vài thập kỉ trước, nhưng chỉ tới khi một số yếu tố khác trở nên có tính thực tế hơn thì chúng mới xuất hiện trên đường phố.

Công nghệ cũng sẽ hỗ trợ tạo việc làm mới, cơ hội mới để tạo ra thu nhập, giúp thị trường lao động hoạt động tốt hơn

Quy mô thay đổi về lực lượng lao động trong nhiều thập kỉ mà các công nghệ tự động hóa có thể phát huy cũng tương tự với quy mô thay đổi về công nghệ trong thời gian dài ở các nước công nghiệp phát triển, khi họ chuyển hầu hết công nhân từ trang trại sang nhà máy và công việc dịch vụ. Những thay đổi đó không dẫn tới thất nghiệp hàng loạt trong thời gian dài, bởi chúng đi kèm với việc tạo ra nhiều loại hình công việc mới chưa từng có tại thời điểm đấy. Chúng ta không chắc rằng giờ đây lịch sử có lặp lại hay không, nhưng phân tích của McKinsey cho thấy lực lượng lao động sẽ vẫn cần sự tham gia của con người.

Vì vậy, ngay cả khi công nghệ thay thế một số công việc, người ta đang tạo ra những loại hình công việc mới trong các ngành công nghiệp mà hầu hết chúng ta có lẽ cũng không thể tưởng tượng được, như là những phương thức mới để tạo ra thu nhập và kết hợp giữa tài năng với việc làm.

Một phần ba các công việc mới được tạo ra ở Mỹ trong 25 năm qua là những loại hình trước đây chưa từng tồn tại, trong các lĩnh vực bao gồm phát triển công nghệ thông tin, sản xuất phần cứng, sáng tạo ứng dụng và quản lí hệ thống công nghệ thông tin. Vai trò ngày càng lớn của dữ liệu lớn trong nền kinh tế và kinh doanh sẽ tạo ra nhu cầu đáng kể cho các nhà thống kê và nhà phân tích số liệu; ước tính sẽ thiếu 250.000 nhà khoa học dữ liệu ở Mỹ trong vòng một thập kỉ.

Công nghệ giúp lao động theo những cách khác nhau. Những nền tảng tài năng số như Linkedln đã bắt đầu nâng cấp sự phù hợp giữa người lao động với việc làm, tạo ra sự minh bạch và hiệu quả trong thị trường lao động, do đó làm tăng GDP. Cũng có những bằng chứng cho thấy các nền tảng như vậy có thể làm gia tăng sự tham gia lao động và giờ làm việc.

Mặc dù công việc độc lập không có gì mới (và tự làm vẫn là hình thức làm việc nổi bật trong các nền kinh tế mới nổi), nó vẫn có sự hỗ trợ của kĩ thuật số. Nghiên cứu của McKinsey cho thấy 20 – 30% dân số ở độ tuổi lao động tại Mỹ và Liên minh châu Âu tham gia làm việc độc lập. Chỉ hơn một nửa số lao động này bổ sung thu nhập của họ với những công việc truyền thống, hoặc là sinh viên, người đã về hưu, hoặc điều dưỡng viên. Trong khi 70% người lựa chọn loại hình công việc này, 30% người cho là nó không cần thiết vì họ không thể tìm được công việc truyền thống nào, hay một công việc đáp ứng được nhu cầu về thu nhập và những nhu cầu linh động khác. Tỉ lệ công việc độc lập được tiến hành trên nền tảng kĩ thuật số đang tăng nhanh do quy mô, hiệu quả và khả năng sử dụng dễ dàng dành cho người lao động cùng khách hàng mà các nền tảng này cho phép.

Những người theo đuổi công việc độc lập (được hoặc không được kích hoạt bằng kĩ thuật số) thường thấy hài lòng theo ý thích, mặc dù số còn lại thấy không hài lòng với sự thay đổi về thu nhập và thiếu các lợi ích liên quan đến công việc truyền thống.

 

Phần 4: Nhà lãnh đạo nên làm gì?

Các lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách có yêu cầu phải tìm ra cách khai thác tiềm năng ở các công nghệ này, ngay cả khi họ phải đối mặt với những thách thức lớn.

Lãnh đạo doanh nghiệp

Đối với các doanh nghiệp, cơ hội rất rõ ràng. Những nhà lãnh đạo nên nắm bắt các cơ hội chuyển đổi và sẵn sàng hành động từ dữ liệu, công cụ phân tích và số hóa, cũng như các cơ hội phát triển nhanh chóng về AI, robot và tự động hóa. Để khai thác những lợi ích này, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ không chỉ cần đầu tư vào công nghệ, mà còn phải tự chuyển đổi tổ chức của mình. Các cách tiếp cận cụ thể sẽ khác nhau đối với từng doanh nghiệp, tuy nhiên một số tư duy mới sau đây sẽ rất quan trọng:

- Kiểm tra, thử nghiệm, học hỏi và nhân rộng: Ngoài kiến thức sách vở, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ cần tích lũy kiến thức thực tiễn từ việc dành ra nguồn lực cho những thử nghiệm áp dụng công nghệ vào vấn đề thực tế, sau đó nhân rộng chúng để cho thấy sự hứa hẹn.

- Mô phỏng lại mô hình và quy trình kinh doanh: Để tận dụng tối đa sức mạnh của công cụ phân tích, AI và các công nghệ số khác, cần phải xem xét kĩ các quy trình với sự ưu tiên dành cho quá trình chuyển đổi. Tương tự, các nhà lãnh đạo cần mô phỏng lại cách các mô hình kinh doanh hiện tại được chuyển đổi và cách các mô hình kinh doanh mới được tạo ra dựa trên những khả năng này.

- Tài sản số và khả năng về “bảng cân đối kế toán mới”: Chúng đang ngày càng trở thành một sự khác biệt mang tính cạnh tranh và là nền tảng cho sự đổi mới cũng như gián đoạn, cả bản cứng lẫn bản mềm. Mỗi doanh nghiệp, dù là thuộc ngành công nghiệp hay lĩnh vực nào, cũng sẽ có nhu cầu đánh giá tài sản số và khả năng của mình so với các đối thủ cạnh tranh.

- Tiếp tục điều chỉnh và đầu tư sao cho phù hợp: Khi nói đến khả năng số và sự tiến bộ trong các sáng kiến về số hóa, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường hay hài lòng với tiến bộ của họ so với trong quá khứ. Sự điều chỉnh có liên quan nhất sẽ liên quan tới khả năng thành công của cơ hội và so sánh với đối thủ cạnh tranh, cũng như những sự gián đoạn tiềm năng từ cả trong lẫn ngoài khu vực của họ.

- Trọng tâm mới trong vấn đề nguồn nhân lực, bao gồm kết hợp công nhân và máy móc: Các công ty có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu kĩ năng cần thiết trong môi trường làm việc có công nghệ cao hơn, công nghệ có thể đóng vai trò tích cực hơn trong giáo dục và đào tạo. Con người và máy móc sẽ cần tăng cường hợp tác làm việc chặt chẽ. Điều đó đòi hỏi công ty phải đào tạo lại và thường xuyên tái phân bổ nhân sự.

Các nhà hoạch định chính sách và nhà lãnh đạo doanh nghiệp liên quan đến kinh tế và xã hội

Các nhà hoạch định chính sách cũng có động lực thúc đẩy mạnh mẽ để nắm lấy cơ hội tăng năng suất cho các nền kinh tế mà công nghệ có hỗ trợ. Điều này nhằm giúp đảm bảo sự thịnh vượng trong tương lai và tạo ra thặng dư – có thể được dùng để hỗ trợ người lao động và xã hội thích ứng với những thay đổi nhanh chóng này. Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách phải phát triển và đổi mới những chính sách giúp người lao động và tổ chức thích ứng với sự tác động lên việc làm:

- Các chính sách thích ứng nhằm khuyến khích đầu tư: Thông qua các lợi ích thuế và các ưu đãi khác, những nhà hoạch định chính sách có thể khuyến khích các công ty đầu tư vào vốn con người. Những nhà hoạch định chính sách có thể đẩy nhanh việc tạo ra công ăn việc làm nói chung thông qua kích thích đầu tư và đẩy nhanh việc tạo ra các việc làm kĩ thuật số nói riêng.

- Khuyến khích các loại hình doanh nghiệp mới và sự hình thành doanh nghiệp mới nhanh hơn: Cơ hội số hóa cho phép các cá nhân kiếm thu nhập. Thêm vào đó, đẩy nhanh tốc độ hình thành doanh nghiệp mới sẽ rất quan trọng. Điều này có thể đòi hỏi việc đơn giản hóa các quy định, tạo ra ưu đãi thuế và các ưu đãi khác.

- Quan hệ đối tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân để kích thích đầu tư cơ sở hạ tầng: Thiếu cơ sở hạ tầng kĩ thuật số khiến một số nền kinh tế đang nổi lên không phát huy được lợi ích kĩ thuật số, kể cả các khu vực kém phát triển ở các nước phát triển. Hợp tác giữa khu vực nhà nước với tư nhân có thể giúp giải quyết những thất bại trên thị trường.

- Suy tính lại về giáo dục, đào tạo và học tập: Các nhà hoạch định chính sách làm việc với những nhà cung cấp giáo dục để cải thiện kĩ năng cơ bản về khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học (STEM) thông qua hệ thống trường học, cũng như chú trọng tới tính sáng tạo, sự phê bình và tư duy hệ thống.

- Suy tính lại về hỗ trợ thu nhập và mạng lưới an sinh: Nếu tự động hóa (toàn phần hoặc một phần) dẫn tới sự sụt giảm đáng kể việc làm và/hoặc gây ra áp lực lên tiền lương nhiều hơn, một số ý tưởng như phổ cập thu nhập cơ bản, chuyển nhượng có điều kiện và thích ứng với mạng lưới an sinh xã hội có thể được xem xét và thử nghiệm.

- Khuyến khích đầu tư vào nguồn vốn con người: Một loạt ưu đãi dành cho các doanh nghiệp để tạo ra vốn, khuyến khích nghiên cứu và phát triển. Một thứ gì đó tương tự cũng là rất cần thiết để khuyến khích việc đầu tư vào nguồn vốn con người.

Huyền Đỗ

Lược dịch theo McKinsey

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *