Doanh nghiệp Việt Nam đứng ngoài CMCN 4.0

13/09/2018

Người tạo 0

Chuyên mục:

“Qua khảo sát của Bộ Công Thương vào cuối năm 2017, có 82% đứng ở điểm bên ngoài, ngoài luồng cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Chỉ có 21% số DN trong số 82% số DN nêu trên có bước đi cụ thể ban đầu”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bày tỏ sự lo lắng.

Tham gia phiên thảo luận bàn tròn về thị trường số, thuộc khuôn khổ chương trình Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có những chia sẻ chân thực về năng lực tiếp cận kinh tế số và mức độ sẵn sàng cho Cách mạng Công nghiệp 4.0 của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, trong đó có nội dung về kinh tế số sẽ tạo ra tác động sâu sắc không chỉ với phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam, mà còn tác động tới hiệu quả của các chính sách phát triển, cũng như cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Việt Nam.

Với quy mô dân số gần 100 triệu người, cùng những tồn tại nhất định trong trình độ lao động và trình độ công nghệ chung của nền kinh tế, bài toán lao động của đất nước hiện là một vấn đề quan trọng đối với Chính phủ.

“Cùng với việc đồng hành, nắm bắt xu thế của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, câu chuyện về đảm bảo thị trường lao động của lự lượng lao động truyền thống tại Việt Nam là bài toán đặt ra cho Chính phủ trong việc bảo đảm sự ổn định chung. Không thể để kinh tế Việt Nam, người lao động Việt Nam bị bỏ lại phía sau trong xu thế phát triển của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và kinh tế số”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong quá trình, nghiên cứu đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam trong hai ngành dệt may và da giầy. Từ nay tới năm 2020, với những thay đổi từ quá trình tự động hóa sẽ làm mất 86% công ăn việc làm của ngành dệt may và 74% công ăn việc làm của ngành da giầy. Trong khi đó, dệt may và da giầy là 2 ngành thâm dụng lao động lớn tại Việt Nam, đồng thời đóng góp không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ sự lo lắng: “Bài toán của Việt Nam là phải cân bằng và dung hòa giữa các chiến lược phát triển. Trong đó, bao gồm những giải pháp hạ tầng, khuôn khổ pháp lý, đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, tạo ra nhận thức và hiểu biết chung của doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp vì ở Việt Nam có tới 97% số doanh nghiệp là DNNVV. Họ sẽ gặp khó khăn, song cũng có điều kiện tiếp cận với những nền tảng công nghệ mới của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và kinh tế số.

Thách thức lớn đang được đặt ra với Chính phủ và các DN Việt Nam. Qua khảo sát của Bộ Công Thương vào cuối năm 2017, có 82% đứng ở điểm bên ngoài, ngoài luồng cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Chỉ có 21%  số DN trong số 82% số DN nêu trên có bước đi cụ thể ban đầu. Thách thức lớn đặt ra cho Chính phủ là nhận thức, hiểu biết chung của cộng đồng DN và cả với người dân”.

Về mặt tích cực của Các mạng Công nghiệp 4.0, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định tiềm năng của thương mại điện tử (TMĐT) rất lớn.

Theo đó, ứng dụng các công nghệ số tiên tiến mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ; giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và Internet, đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến.

Trong đó, thương mại điện tử tại Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ trong những năm gần đây. Dự kiến vào năm 2020, 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm; doanh số thương mại điện tử sẽ đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Minh Lan

Tổng hợp

 

 
 
 

 

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *