Dự cảm Xuân 2018: "Thế giới sẽ tốt hơn khi chúng ta kinh doanh tốt hơn"

12/02/2018

Người tạo 0

Chuyên mục:

Đó chính là lời khẳng định của Ông Nguyễn Quang Vinh trên cương vị mới -Tổng Thư ký VCCI khi chia sẻ với Thương Gia.

Vốn được biết đến là một người đầy tâm huyết, luôn nung nấu những ý tưởng cho việc hỗ trợ cộng đồng DN lớn mạnh nói chung và thúc đẩy thực hiện phát triển bền vững tại VN nói riêng, Ông Vinh luôn tâm niệm "hành trình xanh của thế giới sẽ không thể đi đến đích nếu thiếu những gót chân xanh của DN."

Với một năm 2018 đầy hứa hẹn của một nền kinh tế tăng trưởng cao, Thương Gia đã có dịp trò chuyện cùng ông Nguyễn Quang Vinh - Tân Tổng thư ký VCCI đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của VBCSD về những dự định và kế hoạch mới để hoà quyện tốt hơn sự nghiệp phát triển bền vững vào sự vươn lên của cộng đồng DN Việt Nam.

Thưa ông, năm 2017 là năm VBCSD đã hoạt động tích cực để hỗ trợ cộng đồng DN. Ông hãy điểm lại những thành tựu nổi bật trong năm 2017 vừa qua của Hội đồng?

Năm 2017, VBCSD đã có những nỗ lực to lớn cũng như những thành công nhất định để đưa câu chuyện "Phát triển bền vững" (PTBV) lan tỏa mạnh mẽ hơn trong xã hội nói chung và cộng đồng DN nói riêng.

Trước tiên, phải kể tới hai hoạt động thường niên nổi bật nhất là Diễn đàn DN Phát triển bền vững (VCSF) và Chương trình đánh giá, xếp hạng DN bền vững (CSI) tiếp tục được tổ chức rất thành công. VCSF 2017 đã không còn dừng lại ở phạm vi của một diễn đàn quy tụ hàng trăm DN tham dự mà vươn lên trở thành nơi ươm mầm và hiện thực hoá nhiều sáng kiến kinh doanh được phát triển theo hướng PTBV cũng như theo mô hình hợp tác công - tư.

Hay với Chương trình đánh giá, xếp hạng DN bền vững (CSI) khi bước sang năm thứ 2 đã tiếp nhận lượng hồ sơ của gần 500 DN, lớn hơn nhiều so với con số của năm 2016. Điều đó cho thấy, PTBV đã có sự chuyển động mạnh mẽ hơn nhưng quan trọng hơn là tư duy kinh doanh của DN đã theo hướng kinh doanh nhân văn, vì lợi ích lâu dài. Đó cũng chính là điều mà các DN trên thế giới đang theo đuổi.

Ngoài ra, 4 hoạt động cốt lõi của VBCSD gồm truyền thông nâng cao nhận thức, nghiên cứu, đào tạo và hợp tác quốc tế cũng được thúc đẩy mạnh mẽ qua những hoạt động cụ thể. Trong năm 2017, VBCSD đã phối hợp với các đối tác liên quan tổ chức thành công Hội chợ triển lãm quốc tế về công nghệ môi trường và sản phẩm sinh thái (EPIF) 2017; 22 khóa đào tạo, tập huấn trong khuôn khổ các hoạt động của Đề án "Cải thiện năng suất DN Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2020 - 2030" với hàng trăm DN tham dự; Chương trình Hỗ trợ DN vừa và nhỏ hướng tới kinh doanh bền vững; Chương trình "Thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững thông qua xây dựng Kịch bản năng lượng bền vững cho ngành và Hướng dẫn đầu tư xanh cho các tổ chức tài chính"… Đây chính là thành tựu mà VBCSD đã hoàn thành tốt trong năm qua.

Cũng trong năm 2017, VBCSD đã thành lập Tổ tư vấn về Phát triển bền vững và Kỷ nguyên số hóa. Ông hãy cho biết những bước hoạt động đầu tiên cũng như dự định trong tương lai của tổ tư vấn này?

Tổ tư vấn này là kết quả của cuộc gặp mặt và làm việc giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Ban điều hành VBCSD trong khuôn khổ VCSF 2017. Nhiệm vụ của Tổ tư vấn là đề xuất lên Chính phủ các chính sách, kế hoạch hành động liên quan đến Cách mạng kỹ thuật số và hỗ trợ cộng đồng DN đáp ứng được nhu cầu đặt ra từ cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4. Tổ tư vấn đã thực hiện một cuộc khảo sát nhanh về nhận thức của DN và tác động của CMCN 4.0 để xây dựng 01 báo cáo chính xác nhất cũng như các đề xuất phù hợp cho Chính phủ cũng như cộng đồng DN.

Dự kiến trong năm 2018, Tổ tư vấn sẽ tiếp tục thực hiện một số nghiên cứu chuyên sâu liên quan đến tương lai của việc làm trong bối cảnh CMCN lần thứ 4 kết hợp với các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng DN.

Vậy trong năm 2018, định hướng cụ thể của VBCSD là gì để hỗ trợ tối đa chủ trương đưa PTBV vào tiến trình phát triển của cộng đồng DN?

Bên cạnh 4 hoạt động cốt lõi như đã đề cập, những hoạt động thường niên có ý nghĩa quan trọng như VCSF và chương trình CSI sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ và thu hút sự tham gia của nhiều DN hơn nữa, không chỉ là các DN lớn mà còn các DN vừa và nhỏ, đặc biệt là quy mô siêu nhỏ. Bộ chỉ số CSI cũng sẽ tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung thêm những nội hàm mới để có thể tiếp cận gần hơn cộng đồng DN nước nhà. Năm 2018, chúng tôi sẽ làm việc với tổ chuyên gia để nghiên cứu và đặt ra một mức chuẩn về "DN bền vững" để CSI 2018 tiệm cận gần hơn với DN.

VBCSD cũng sẽ không chỉ lựa chọn 100 DN bền vững như mọi năm. Các DN đạt mức chuẩn trên đều được ghi nhận là "DN bền vững". Đây chính là cách chúng tôi khuyến khích cộng đồng DN thực hiện PTBV để họ hiểu rằng, không lọt Top 100 không có nghĩa là DN đứng ngoài "cuộc chơi PTBV". Ngoài ra, những sáng kiến mới trên cơ sở hợp tác công tư cùng nhiều hoạt động khác cũng sẽ được thực thi.

Kinh tế thế giới đang hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Ông hãy cho biết, VBCSD đã có định hướng và chiến lược cụ thể như thế nào để hỗ trợ tối đa cộng đồng DN Việt Nam tiệm cận gần hơn với mô hình vẫn còn khá mới này?

Đúng như bạn nói, những mô hình như nền kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia cũng như các mục tiêu PTBV mà 193 quốc thành viên Liên Hợp Quốc trong đó có Việt Nam đã thông qua. Nhận thức được tầm quan trọng của mô hình kinh tế tuần hoàn trong việc thúc đẩy thực hiện PTBV tại Việt Nam, VBCSD - VCCI đã tiên phong xây dựng Chương trình hỗ trợ DN triển khai nền Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Cuối tháng 1/2018, Chương trình đã chính thức được khởi động bằng Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai sáng kiến "Không xả thải vào thiên nhiên" giữa VBCSD-VCCI, Unilever Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam và Dow Chemical Việt Nam. Sáng kiến này hướng đến 04 mục tiêu: giải quyết các vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa; xây dựng lộ trình để hình thành và thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững; phát triển chuỗi giá trị theo định hướng kinh tế tuần hoàn cũng như kiến nghị chính sách để tạo điều kiện cho việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở ngành nhựa, chương trình sẽ có nhiều hoạt động khác hướng đến các ngành như xi măng, thép, dệt may, thủy sản, vật liệu xây dựng, v.v.

Với quy mô là các DN nhỏ và vừa, thậm chí còn là DN siêu nhỏ và hộ gia đình thì việc hướng đến các mô hình kinh doanh này sẽ tác động như thế nào đến đối tượng này. Họ có cơ hội không khi vươn đến quy mô này?

Thực tế đã chứng minh, hướng đến mô hình này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho DN khi không chỉ giúp giải quyết các vấn đề về khan hiếm nguồn lực tài nguyên, vấn đề tiêu cực về môi trường mà còn mở ra cơ hội tăng trưởng GDP trị giá 4.5 nghìn tỷ USD đến năm 2030. Các tập đoàn lớn đã và đang theo đuổi mô hình này nên những DN vừa và nhỏ vốn hoạt động trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng cần phải vận động để thay đổi cho phù hợp với những yêu cầu được đặt ra bởi các khách hàng lớn của mình. Tôi muốn khẳng định rằng, những DN biết nắm bắt xu thế, chủ động đón đầu làn sóng phát triển xanh sẽ đón nhận được nhiều cơ hội kinh doanh hơn các DN khác cùng quy mô.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Liên Hương

Theo Thương giao online

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *