Kinh tế 2018: Vững tin bước tới

27/12/2017

Người tạo 0

Chuyên mục:

Việt Nam bước vào năm 2018 trên nền tảng khởi sắc, dù còn nhiều thách thức, khó khăn.

Niềm tin tăng, hiện thực hóa bằng tiền đổ vào

Những chuyển biến tích cực của nền kinh tế không chỉ được các tổ chức, chuyên gia trong nước đánh giá cao mà các định chế, chuyên gia nước ngoài ghi nhận. “Năm 2017 là một năm tuyệt vời với kinh tế Việt Nam, bởi nếu nhìn lại diễn biến các chỉ số ở tất cả các lĩnh vực thì đều có sự chuyển biến tích cực, trong đó có lĩnh vực BĐS”, ông Troy Griffiths - Phó giám đốc Điều hành của Savills Việt Nam nhận định như vậy trong phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng gần đây.

Và ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam ghi nhận những đóng góp của điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trong ổn định kinh tế vĩ mô (KTVM) và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua. Theo ông, NHNN đã thành công trong điều hành CSTT, tín dụng, ổn định lãi suất, tỷ giá hối đoái, xử lý nợ xấu và triển khai lộ trình tái cơ cấu ngân hàng. Điều này đã giúp giảm thiểu sự biến động của thị trường, tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam so với các nền kinh tế khác ở ASEAN, thu hút FDI và tạo niềm tin của công chúng đối với năng lực và chính sách quản lý của NHNN.

Nhờ những hành động chính sách quyết đoán như vậy, điều kiện vĩ mô tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, tăng trưởng đạt mục tiêu 6,7% và lạm phát thấp hơn dự báo. “Chúng tôi cũng tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ vẫn là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á vào năm 2018”, ông Nirukt Sapru nói.

2017 là một năm với tất cả các lĩnh vực đều có sự chuyển biến tích cực, mọi tổ chức đều ghi nhận thành công của năm và dự báo một triển vọng tốt hơn. Lạc quan nhất là ANZ, trong báo cáo công bố tháng 12, ngân hàng này nhận định tăng trưởng GDP năm nay đạt 6,7%, năm 2018 có thể đạt 6,8% và sẽ đạt mức 7% năm 2019. Niềm tin vào triển vọng của Việt Nam gia tăng, các NĐT nước ngoài đã hành động ngay để khai thác triển vọng tích cực đó bằng các hành động cụ thể.

Việt Nam bước vào năm 2018 trên nền tảng khởi sắc, dù còn nhiều thách thức, khó khăn.

Không chỉ nhìn nhận tích cực với niềm tin gia tăng mà nhiều NĐT đã thực sự “xuống tiền” cho những cơ hội mà họ có thể nắm bắt được. Chỉ mất chưa đến 30 phút, ông Petri Deryng - Giám đốc Đầu tư Quỹ PYN Elite của Phần Lan đã quyết bỏ ra gần 40 triệu USD để sở hữu 4,99% cổ phần của TPBank. Ông cho rằng “đây là thời điểm tốt để đầu tư ở Việt Nam”. 

Còn nhà đầu tư Thailand đã không do dự mua lại phần vốn Nhà nước tại Sabeco để nắm giữ tới 53% cổ phiếu ở hãng bia này, còn Nhà nước thì thu về được gần 110.000 tỷ đồng. Chắc chắn NĐT nước ngoài đâu dễ bỏ ra cả vài tỷ USD nếu không thấy và không tin ở triển vọng của Việt Nam. Những thương vụ được quyết định nhanh nhạy như vậy cho thấy niềm tin về triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam đã thực sự ngự trị trong các quỹ và NĐT nước ngoài.

Chặng đường phía trước chưa hết khó khăn

Tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo, triển vọng tích cực không phải là lời đảm bảo rằng, thực tiễn cũng sẽ diễn ra tích cực. Để hiện thực hóa được triển vọng đó cần tập trung giải quyết tốt các thách thức và khó khăn còn tồn tại. Một trong các thách thức ngắn hạn chính là không nên kỳ vọng năm 2018 sẽ có những đột phá rất mạnh mẽ so với năm 2017.

Theo các chuyên gia, trên nền tăng trưởng đã cao – thậm chí vượt kỳ vọng – của năm 2017 thì sẽ rất khó để có được những bứt phá mạnh mẽ cho năm tiếp theo. Hiện tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc khá nhiều vào một số khu vực như chế biến chế tạo, BĐS, dịch vụ... Khả năng các ngành này tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm tới là có nhưng mang tính bứt phá so với năm 2017 là không nhiều.

Trong khi đó, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu trong nước cùng với đà phục hồi của giá hàng hóa cơ bản và giá dầu trên thế giới có thể khiến lạm phát tăng trở lại là vấn đề mà các nhà điều hành cần lưu tâm. Hơn nữa, nhu cầu bắt buộc về giải quyết các vấn đề liên quan đến nợ công, thâm hụt ngân sách, cải cách DNNN và khu vực ngân hàng cũng có thể ảnh hưởng nhất định đến tăng trưởng.

Ngoài ra, dù kinh tế toàn cầu vẫn trong xu hướng phục hồi, thương mại cải thiện nhưng những bất ổn trên thị trường tài chính, xu hướng các NHTW lớn trên thế giới thắt chặt CSTT hay bất ổn địa chính trị gia tăng cũng được xem là những rủi ro lớn có thể tác động đến kinh tế Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, việc tăng cường khả năng chống chịu về KTVM để sẵn sàng đối phó với những cú sốc bên ngoài là vấn đề được đặt làm khuyến nghị hàng đầu đối với Việt Nam. “Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có những phục hồi tốt thì Việt Nam cần tranh thủ cơ hội này để xây dựng những vùng đệm tài khóa, vùng đệm của khu vực tài chính ngân hàng… để sẵn sàng ứng phó với những rủi ro có thể xảy ra”, ông Sudhir Shetty, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB gợi mở.

Hơn nữa tăng trưởng vẫn dựa vào các lợi thế vốn có như chi phí lao động hay những lợi thế so sánh khác. Trong khi đó để có được tăng trưởng bền vững thì việc nâng chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động mà đằng sau là đổi mới sáng tạo, công nghệ, kỹ năng quản trị lao động... là nhất thiết phải làm trong bối cảnh của CMCN 4.0. Và để cùng lúc vừa giải quyết được các thách thức, song cũng là những động lực cho tăng trưởng đó thì việc làm sao xử lý hài hoà giữa tăng trưởng trong ngắn hạn với tái cấu trúc nền kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính trung, dài hạn chính là nghệ thuật của các nhà điều hành.

Đỗ Lê

Theo Thời báo Ngân hàng

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *