Lời nhắc từ Fitch cho kinh tế Việt Nam

22/05/2018

Người tạo 0

Chuyên mục:

Cho dù không chiếm thị phần của “thị trường xếp hạng tín dụng” nhiều như Moody’s và Standard & Poor’s nhưng việc Fitch vừa nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong thời điểm khó khăn này vẫn được xem là tín hiệu tích cực với nền kinh tế nước nhà.

Theo công bố mới nhất, Fitch xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn bằng nội tệ và ngoại tệ của Việt Nam được nâng từ BB- lên BB với triển vọng ổn định. Trong khi đó, xếp hạng nhà phát hành nợ bằng nội tệ và ngoại tệ ngắn hạn giữ nguyên ở B. Ngoài ra, Fitch dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018 là 6,7%, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhờ vốn đầu tư nước ngoài (FDI), sản xuất và tiêu dùng cá nhân tiếp tục tăng.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn và tình hình chính trị vẫn rất khó lường thì việc giữ nguyên được mức tín nhiệm đã là một thành công. Nhưng Việt Nam đã làm hơn được điều đó. Có thể cả kinh tế vĩ mô lẫn vi mô của nước nhà còn không ít bất cập và chưa thể xoa tay hài lòng nhưng việc được 1 trong 3 tổ chức xếp hạng tín dụng lớn và uy tín nhất thế giới nâng hạn nên được xem là một khích lệ không nhỏ.

Thông thường Fitch đưa ra bảng xếp hạng sau khi “ngó trước nhìn sau” hai ông lớn Moody’s và Standard & Poor’s nên hiếm khi “khác xa” hai đại gia này. Một trong những điều mà dư luận trông chờ nhất là Fitch dự báo nợ công của Việt Nam sẽ giảm xuống mức dưới 50% GDP vào năm 2019. Thâm hụt ngân sách được dự báo sẽ giảm xuống còn khoảng 4,6% GDP trong năm 2018 từ mức khoảng 4,7% năm ngoái. Dự trữ ngoại hối được dự báo sẽ tăng lên khoảng 66 tỷ USD vào cuối năm nay, so với 49 tỷ USD năm 2017.

Những con số ấy còn phải kiểm chứng trong thực tế và thời gian sẽ trả lời, tuy nhiên sẽ là một cơ sở để chúng ta không quá bi quan và nhìn về phía trước đỡ vô vọng hơn. Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia kinh tế cho rằng xếp hạng của bất cứ tổ chức nào chủ yếu cũng chỉ để tham khảo và đừng vội mừng xem đó như thành tích nhưng qua đó cả nhà quản lý lẫn doanh nghiệp, doanh nhân và người tiêu dùng sẽ có thể hoạch định phần nào kế hoạch của tương lai. Không quá lạc quan và cũng đừng nên bi quan, đó cũng là động lực cho nhiều phía và khiến nền kinh tế bớt ảm đạm.

Bớt chút lo âu với những con số trên nhưng cũng đừng quên những cảnh báo do chính Fitch đưa ra sau đây. Fitch cho rằng khu vực ngân hàng của Việt Nam vẫn còn yếu về mặt cấu trúc và phụ thuộc lớn vào tín nhiệm quốc gia. Tăng trưởng tín dụng nhanh tạo ra rủi ro lớn đối với sự ổn định tài chính trong trung hạn. Ngoài ra, việc tái cơ cấu ngành ngân hàng và các doanh nghiệp quốc doanh cũng sẽ tiếp tục đặt gánh nặng lên tài chính công của Việt Nam.

Cùng với báo cáo của Fitch, tôi cũng vừa đọc được một báo cáo cho thấy, tăng thu ngân sách 2017 vượt dự toán gần 77 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, 95,27% số tăng thu là từ thu tiền sử dụng đất và dầu thô. Số thu tăng nhiều từ tiền sử dụng đất (61,58 ngàn tỷ đồng so với dự toán), thu cổ tức và lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp Nhà nước (15,19 ngàn tỷ đồng so với dự toán), tăng thu từ dầu thô (11,28 ngàn tỷ đồng so với dự toán)…

Những con số trên khó làm ai yên lòng bởi không xuất phát từ tăng trưởng, phát triển của các doanh nghiệp và phụ thuộc khá nhiều vào nguồn thu từ đất và tài nguyên. Các thứ này không thể đào ra bán mãi và sẽ chẳng còn gì để lại cho hậu thế. Trong khi đó tăng thu đến từ sự phát triển các ngành nghề khác của nền kinh tế, lớn mạnh và làm ăn tốt của doanh nghiệp mới căn cơ, bền vững.

Hai báo cáo trên tưởng như tách rời nhau nhưng liên quan khá mật thiết, một ngành tín dụng tốt và luôn được giữ mức tín nhiệm cao lâu dài chỉ đến từ nền kinh tế vững từ gốc, phát triển đa dạng, ổn định lâu dài chứ không phải chạy theo những con số hay thành tích. Dòng tiền luôn được xem như “máu” của “cơ thể” kinh tế, máu tốt và bơm đều đặn cơ thể sẽ khỏe mạnh và ngược lại. Vì vậy xếp hạng của Fitch vào thời điểm này nên được xem như một lời nhắc nhở hơn chỉ để vỗ tay vui mừng.

Phan Nguyễn 

Tổng hợp

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *