Mạnh tay cải cách để đạt mục tiêu tăng trưởng 2018

30/01/2018

Người tạo 0

Chuyên mục:

Nền kinh tế 2018 khởi động với sự hứng khởi từ những thành quả ngoạn mục đã đạt được năm 2017. Tuy nhiên việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đặt ra không hề dễ dàng nếu quá trình cải cách không được đẩy mạnh. Đây là khuyến nghị của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại Báo cáo Kinh tế vĩ mô năm 2017 vừa được công bố.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) đã chỉ ra những vấn đề lớn trong cải thiện môi trường kinh doanh năm 2018.

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) và đánh giá của nhiều tổ chức tín nhiệm quốc tế, một số chỉ số môi trường kinh doanh quan trọng của Việt Nam còn ở vị trí thấp, nhiều năm chưa có sự cải thiện hoặc mức độ cải cách rất chậm. Điển hình là hai chỉ số liên quan tới cơ quan tư pháp là Giải quyết tranh chấp hợp đồng và Giải quyết phá sản doanh nghiệp.

Đây là hai chỉ số quan trọng bậc nhất ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp đối với hệ thống tư pháp, song gần như dậm chân tại chỗ. So sánh với các quốc gia trong khu vực, chất lượng quy định tố tụng trong Giải quyết tranh chấp hợp đồng ở Việt Nam còn thấp, chỉ đạt 6,5/18 điểm.

Đáng chú ý là chỉ số Giải quyết phá sản doanh nghiệp nhiều năm không có cải thiện đáng kể, thời gian kéo dài tới 5 năm, chất lượng quy định pháp lý còn hạn chế (7,5/16 điểm) và vẫn ở vị trí thấp trong bảng xếp hạng với thứ hạng 123/190 năm 2017.

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh là giải pháp quan trọng nhất để đạt được tăng trưởng cao và bền vững

Mặc dù Luật Phá sản 2014 có nhiều điểm mới so với Luật Phá sản 2004, tiếp cận các thông lệ quốc tế như đã có quy định về quản tài viên, áp dụng tuyên bố phá sản theo thủ tục rút gọn…, nhưng chủ yếu tập trung vào xử lý phá sản, chưa chú trọng tới phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Với sự chậm trễ kéo dài này, thứ hạng chỉ số Độc lập tư pháp và hiệu quả pháp lý giải quyết tranh chấp ở Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với các nước ASEAN 4.

Cũng theo bà Thảo, nhiều năm qua, WB không ghi nhận cải cách nào của Việt Nam về đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản. Trong 10 năm, chỉ số này liên tục giảm bậc. Trong khi đó, chi phí logistics của Việt Nam vẫn cao, dẫn tới hạn chế mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh và do vậy làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Đặc biệt, mặc dù thăng hạng ở một số tiêu chí, song chỉ số quan trọng nhất là khởi sự kinh doanh lại giảm tới 2 bậc so với năm trước.

“Để thực hiện khởi sự kinh doanh, doanh nghiệp phải trải qua 9 bước thủ tục, mất 22 ngày. Qua rà soát cho thấy, chỉ số này có nhiều dư địa để cải thiện nếu cơ quan đăng ký kinh doanh phối hợp với cơ quan thuế, ngân hàng, cơ quan bảo hiểm kết hợp các bước thủ tục và thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Dự kiến nếu thực hiện tốt việc kết hợp các bước thủ tục và áp dụng dịch vụ công trực tuyến thì Khởi sự kinh doanh sẽ giảm còn 9,5 ngày và 8 thủ tục, theo đó thứ hạng có thể tăng được 40 - 50 bậc”, bà Thảo cho biết.

Trước thực tế này, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần mạnh dạn thúc đẩy cải cách trong năm 2018, đặc biệt nhanh chóng hoàn thiện, ban hành các đạo luật mới liên quan đến thị trường và các ngành, bao gồm Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật

Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, đồng thời tiếp tục ưu tiên cải cách môi trường kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với các Nghị quyết 19. Ông Cung cũng đề xuất cần có các giải pháp cụ thể nhằm củng cố và cải thiện thứ hạng của các chỉ số đã cải thiện tăng bậc; chấm dứt tụt hạng và cải thiện thứ bậc xếp hạng của các chỉ số còn lại.

Bên cạnh đó, để khuyến khích tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển, cần tiếp tục cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.

“Tự bằng lòng với những kết quả cải cách vừa qua sẽ làm giảm, thậm chí đảo ngược sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp tục chỉ đạo để tiếp tục cụ thể hóa cải cách nền tảng kinh tế vi mô, thông qua những hành xử và chính sách thân thiện với thị trường hơn”, ông Cung nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, việc tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí không chính thức cho khu vực doanh nghiệp là giải pháp quan trọng bậc nhất để đạt được mức tăng trưởng cao và bền vững hơn trong năm 2018.

“Nhiều doanh nghiệp cho biết, chi phí không chính thức mà họ phải bỏ ra không những không giảm mà còn có dấu hiệu tăng lên. Cùng với đó, tiến trình cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công còn nhiều hạn chế. Nếu không khắc phục những điểm nghẽn này thì khó có động lực tốt cho doanh nghiệp phát triển”, ông Doanh khuyến nghị.   

 Phương Linh

     Tổng hợp

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *