Nhìn nhận về nền kinh tế chia sẻ

21/11/2016

Người tạo 0

Chuyên mục:

Tiêu dùng cộng tác: Công nghệ giúp mọi người dễ dàng trao đổi thương mại với nhau. Nhưng trong khi cuộc cách mạng công nghệ ngày càng phát triển thì “nền kinh tế chia sẻ” lại vấp phải những rào cản.

Tại sao lại phải chi ra một khoản kếch xù để mua một thứ mà bạn hoàn toàn có thể thuê nó với giá rẻ hơn rất nhiều từ một người khác trên mạng? Đó là nguyên tắc căn bản của hàng loạt các dịch vụ trực tuyến cho phép mọi người chia sẻ ô tô, chỗ ở, xe đạp, đồ dùng gia đình và các mặt hàng khác; bằng cách kết nối giữa các chủ sở hữu của tài sản ít được sử dụng với những người khác sẵn sàng trả tiền để sử dụng chúng. Hàng chục công ty như Airbnb – giúp chủ nhà cho thuê phòng thừa của họ, hoặc RelayRides – hoạt động như một “cò trung gian”, tìm kiếm những người có nhu cầu cho thuê và thuê xe, giúp họ trao đổi với nhau và hưởng một phần hoa hồng nhỏ.

Những phương thức thuê mướn ngang hàng vậy mang lại nguồn thu nhập bổ xung cho chủ sở hữu và giúp cho khách đi thuê tiết kiệm và thuận tiện hơn. Thuê một thứ gì đó theo dịp chắc chắn rẻ hơn mua đứt hoàn toàn hoặc thuê nó từ một nhà cung cấp truyền thống như khách sạn hoặc công ty cho thuê xe. Internet giúp cho việc thuê và cho thuê rẻ và dễ dàng hơn hơn bao giờ hết, từ đó cả cung và cầu đều tăng vọt. Một chiếc smartphone có ứng dụng bản đồ và định vị vệ tinh có thể tìm thấy một căn phòng hay chiếc xe gần đó để thuê. Mạng xã hội và hệ thống khuyến nghị bảo đảm sự tin tưởng; hệ thống thanh toán qua internet có thể xử lý các giao dịch. Tất cả những tiện ích cho phép hàng triệu người xa lạ trao đổi với nhau. Người ta gọi phương thức này bằng rất nhiều cái tên như: “tiêu dùng cộng tác”, “lối sống tài sản tạm thời”, “nền kinh tế hợp tác”, “nền kinh tế ngang hàng”, “nền kinh tế tiếp cận” hay “nền kinh tế chia sẻ”

Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà nhiều công ty cho thuê kiểu như vậy đã mọc lên như nấm trong giai đoạn từ 2008 đến 2010, do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Một số người nhìn nhận sự chia sẻ này, với câu thần chú: “con át chủ bài là quyền sở hữu”, chính là một liều thuốc giải độc cho chủ nghĩa vật chất và tiêu dùng thái quá thời hậu khủng hoảng. Nó còn có thể mang lại lợi ích cho môi trường bằng cách sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên. Nhưng dù cho động lực là bất cứ điều gì chăng nữa, thì xu hướng này rõ ràng đã lên ngôi. “Giờ đây, người ta chỉ tìm mua các dịch vụ một cách riêng lẻ khi họ cần, thay vì sở hữu toàn bộ tài sản”, Jeff Miller - ông chủ của Wheelz (một dịch vụ xe cho thuê xe ở California) khẳng định.

Tuy nhiên, khi dịch vụ chia sẻ ngày càng phát triển và phổ biến hơn cũng là lúc chúng phải đối mặt với những rào cản. Có một số nghi ngại về vấn đề bảo hiểm và trách nhiệm pháp lý. Một số dịch vụ đang vượt ra khỏi những quy định ngành công nghiệp. Có những chủ nhà đang lợi dụng những kẽ hở từ các điều khoản của hợp đồng thuê nhà của họ để có thể cho thuê phòng phụ. Nhân viên thu thuế đặt ra câu hỏi liệu có thật là tất cả thu nhập từ việc cho thuê phòng phụ đó đã được khai báo đủ? Trong khi đó, các công ty này đang lớn ngày càng lớn dần lên và phải đối mặt với sự gián đoạn từ các chương trình chia sẻ, bắt đầu thay đổi theo mô hình riêng. Khi nền kinh tế chia sẻ được nhân rộng, những trở ngại cũng lớn dần theo.

Tính tới thời điểm này, các dịch vụ chia sẻ nổi bật nhất là cho thuê chỗ ở và xe hơi. Nổi tiếng nhất là Airbnb, có trụ sở tại San Francisco, đã giúp tới 4 triệu người tìm được nơi ở lại kể từ khi được thành lập vào năm 2008, chỉ tính riêng trong năm 2012 họ đã có tới 2.5 triệu khách hàng. Thông qua website của Airbnb, người dùng có thể yêu cầu bất cứ điều gì, từ một giường phụ hay cả một căn biệt thự, tìm kiếm dựa vào mức giá cho thuê và một số quy tắc nhất định trong nhà (chẳng hạn như không hút thuốc hoặc không nuôi thú cưng). Bất cứ ai đang cần tìm kiếm một nơi để ở, chỉ cần nhập tên một thành phố và ngày đến – ngày đi cụ thể, sau đó lựa chọn từ những đề xuất tương ứng trong số 300.000 nhà tại 192 quốc gia trong danh sách; Airbnb sẽ thu lời từ việc trích 9-15% chi phí giao dịch. Những công ty cung cấp dịch vụ tương tự bao gồm Roomorama, Wimdu và BedyCasa.

Đối với lĩnh vực chia sẻ ô tô, có 2 loại hình chính là: các dịch vụ cho thuê xe - khi đó bạn trả một khoản tiền để mượn xe của người khác (như: Buzzcar, Getaround, RelayRides, Tamyca, Wheelz, WhipCar) và các dịch vụ taxi (như: Lyft, Sidecar, Uber, Weeels ) - trong đó chủ xe đến đón, chở hành khách và thu tiền. Một số dịch vụ cho thuê tập trung vào một đối tượng khách hàng nhất định chẳng hạn như sinh viên, hoặc dựa trên hình thức của phương tiện như cho thuê siêu xe. Dịch vụ chia sẻ xe dưới dạng taxi thì sử dụng thông qua các ứng dụng điện thoại thông minh để nhận biết vị trí, với sự hỗ trợ của một trung tâm điều phối, để kết nối chủ xe và hành khách với nhau.

Có rất nhiều công ty hoạt động tương tự như vậy nhưng thay đổi hình thức chia sẻ đi, như là DogVacay và Rover, cả hai đều là các dịch vụ cho thuê cũi cho cún cưng (như kiểu Airbnb dành riêng cho những chú chó), và Boatbound – dịch vụ cho thuê thuyền ngắn hạn. Ngoài ra còn có các dịch vụ cho thuê chỗ đỗ xe (tương tự như Airbnb cho xe ô tô), xe đạp, bộ ảnh, nhạc cụ, thiết bị làm vườn, thiết bị nhà bếp, vvv... Những trang web này thường bắt đầu áp dụng chỉ tại một thành phố hoặc khu vực cụ thể, như Airbnb đã làm ở San Francisco. Sau đó, những công ty đạt được nhiều thành công hơn đã mở rộng phạm vi hoạt động, bao gồm nhiều thành phố và toàn bộ quốc gia.

Tất cả các dịch vụ đều dựa trên chỉ số xếp hạng và đánh giá của khách hàng để xây dựng lòng tin với người sử dùng. Ở trong căn hộ của một người lạ ở thành phố xa lạ sẽ bớt đáng lo hơn khi bạn có thể đọc được nhận xét của những khách từng ở đó. Tương tự như vậy, trước khi đón một người lạ mặt vào nhà của bạn, bạn sẽ yên tâm hơn rất nhiều khi đã đọc nhận xét từ các chủ nhà khác mà họ đã từng thuê. Nhiều trang web cũng tiến hành kiểm tra lý lịch, dựa vào các thông tin bằng lái xe và lịch sử tín dụng người dùng và kiểm tra hồ sơ tội phạm. Ngoài ra, một số dịch vụ cho thuê (bao gồm Airbnb, RelayRides và Lyft) còn tích hợp với Facebook để các chủ sở hữu và người thuê kiểm tra xem liệu họ có những người bạn (hoặc bạn bè của bạn bè) chung hay không.

“Chúng tôi không thể tồn tại vào thời điểm mười năm trước, trước khi Facebook ra đời, bởi vì lúc đó mọi người chưa thực sự chia sẻ” - Nate Blecharczyk, một trong những người sáng lập Airbnb cho biết. Airbnb không bắt buộc người sử dụng kết nối tài khoản của họ với Facebook, nhưng khi người ta thấy họ có những người bạn chung với một người dùng khác, tâm lý của họ sẽ thoải mái hơn rất nhiều. Nhờ phương tiện truyền thông xã hội, ông David Lee, người sáng lập và quản lý của SV Angels, đầu năm nay đã đầu tư của Airbnb, khẳng định rằng: “con người thường có xu hướng dễ kết bạn hơn thông qua công nghệ”. Cung cấp một nền tảng an toàn cho các giao dịch tài chính là rất quan trọng, ông nói, nhưng tạo ra một cộng đồng đáng tin cậy cũng vô cùng quan trọng để thu hút người sử dụng.

Shelby Clark, người sáng lập của RelayRides, cho biết công ty của ông sẽ kiểm tra sơ yếu lý lịch của những người lái xe và dựa trên cả những đánh giá của người dung cả về tình trạng của chiếc xe và thái độ của người lái xe. Ông cho rằng một hệ thống như vậy có xu hướng tạo ra các tiêu chí để chính người chủ sở hữu và người thuê phải cẩn thận hơn, vì họ không muốn bị đánh giá không tốt – đồng nghĩa với việc những người khác trên trang web sẽ không muốn trao đổi với họ nữa, và họ có thể bị loại ra khỏi trang web vĩnh viễn. Travis Kalanick, ông chủ của Uber, cũng là một dịch vụ kết nối người lái xe và hành khách, cho biết trên hệ thống, nếu như người lái xe không được đánh giá tốt thì sẽ nhanh chóng bị ngừng hoạt động, còn những hành khách bị đánh giá là cư xử tệ thì sẽ rất khó để bắt xe.

Hầu hết các hệ thống không cung cấp xác nhận ngay lập tức khi một người sử dụng đăng nhập để thuê một cái gì đó từ người khác, điều này cho phép các nhà cung cấp cân nhắc để quyết định có chấp nhận hay không, dựa trên xếp hạng của khách hàng, các đánh giá hoặc một vài yếu tố khác. Bị từ chối có thể sẽ gây khó chịu, nhưng họ thường không có cơ hội để phàn nàn, bởi vì chỉ có những người thực sự tham gia vào một giao dịch có thể đánh giá lẫn nhau. Một đặc tính của dịch vụ này là những người dung có nhiều review sẽ dễ được tìm kiếm hơn, trong khi những người có bị đánh giá kém thì sẽ giảm đi sự hấp dẫn. Ông Blecharczyk nói Airbnb khuyên rằng trong trường hợp lần đầu tiên đăng bài cho thuê, chủ nhà có thể đặt ra giá thấp hơn để thu hút những khách thuê mà e ngại một căn nhà chưa có review. Ngay sau khi có một bình luận xuất hiện, nhu cầu thuê có thể tăng gấp mười lần, và họ có thể tăng giá lên sau đó.

Những trở ngại phát triển

Đa phần, cách tiếp cận thông qua tự lập chính sách như vậy rất có hiệu quả. Nhưng đôi khi, chúng vấp phải một số trục trặc và gặp lỗi, khi đó các website phải tự bảo vệ mình và những người dung của mình. Airbnb từng vấp phải một vụ bê bối vào khoảng giữa năm 2011 khi một chủ nhà phát hiện ra căn hộ của cô ấy đã bị xóa khỏi website và một vật vô cùng giá trị của cô ấy bị đánh cắp sau khi cho thuê nhà. Sau một số sai lầm trong quan hệ công chúng, Airbnb cuối cùng đã đồng ý bù đắp thiệt hại cho cô này, và bổ xung vào một khoản bảo hiểm 50,000 đô la cho các thiệt hại về tài sản và nội thất trong nhà của các host. Khoản bảo hiểm này đã được tăng lên đến 1 triệu đô la vào tháng 5 năm 2012 với sự ủng hộ của công ty bảo hiểm Lloyd. Airbnb cũng cải thiện trang web của mình để cho phép chủ nhà và khách hàng có thể tìm hiểu thêm về nhau trước.

Dịch vụ cho thuê xe cũng cung cấp bảo hiểm như một phần của thỏa thuận. Ông Clark cho biết RelayRides đã tốn 18 tháng để tìm một nhà bảo lãnh cho các chính sách trị giá 1 triệu đô la Mỹ hỗ trợ cho các tài xế trong quá trình cho thuê. (Phần lớn khoản hoa hồng 40% RelayRides thu được mỗi chuyến thuê xe được chi trả cho bảo hiểm). Nhưng câu vấn đề về việc bảo hiểm của chủ xe chịu trách nhiệm trong tai nạn vẫn chưa được kiểm tra. Ba tiểu bang (California, Oregon và Washington) đã thông qua luật liên quan đến xe chia sẻ xe hơi, đặt thẳng trách nhiệm trên vai của các dịch vụ chia sẻ xe và công ty bảo hiểm, tương tự như việc chính dịch vụ chia sẻ đó sở hữu chiếc xe trong thời gian cho thuê. Các luật này cũng cấm các công ty bảo hiểm từ chối các chính sách từ chủ sở hữu. Một công ty bảo hiểm, GEICO, đã viết lại chính sách của mình vào năm 2012 để rút bảo hiểm tai nạn đối với chiếc xe mà đã được những người khác trong tiểu bang đó thuê. Một tai nạn gây tử vong liên quan đến dịch vụ RelayRides đã xảy ra ở Boston vào năm 2012 có thể chỉ rõ các giới hạn của chính sách hiện tại ở Massachusetts.

Bảo hiểm là một ví dụ về việc các dịch vụ cho thuê đang vấp phải rào cản pháp lý. Trong nhiều trường hợp, chúng cũng gặp mâu thuẫn với các quy định phức tạp trong một số ngành công nghiệp. Để tránh được những rắc rối như vậy thì Lyft, bên cạnh việc kết nối để cho thuê xe và cung cấp dịch vụ taxi, họ không đặt giá cho một cuộc hành trình nhất định và không xử lý thanh toán. Thay vào đó, hành khách sẽ trả cho lái xe một khoản tiền “tùy tâm”, họ biết rằng nếu không trả cho tài xế một khoản thích hợp thì sẽ dẫn đến đánh giá tiêu cực, và sẽ rất khó khan để bắt được một chuyến xe khác trong tương lai.

Nhưng những nhà lãnh đạo tỏ ra không mấy ấn tượng. Tháng 11 năm 2012, Ủy ban Tiện ích Công cộng California đã ban hành lệnh phạt Lyft, SideCar, và Uber vì “đã hoạt động dưới tư cách vận chuyển hành khách nhưng không có bằng chứng về bảo hiểm tránh nhiệm công cộng và thiệt hại tài sản” và “thuê tài xế mà không có chứng cứ về bảo hiểm bồi thường lao động”. Cả ba công ty đều kháng án chống lại các khoản tiền phạt, và biện hộ rằng những luật lệ lỗi thời không nên được áp dụng cho những dịch vụ cho thuê (peer-rental). Vào tháng 1, thành phố San Francisco đã đồng ý cho phép Lyft và Uber tiếp tục hoạt động trong khi luật lệ mới đang trong quá trình kiến nghị, hạn chót là vào tháng Bảy. Uber cũng đã giành được phép hoạt động dịch vụ của mình tại Washington, DC. Nhưng tại nhiều thành phố khác, nó phải đối mặt với lệnh cấm, tiền phạt và những trận hầu tòa.

Không chỉ có những dịch vụ đi xe chung (car-sharing) là phải đối mặt với những vấn đề pháp lí. Mà còn có những dịch vụ chia sẻ căn hộ (apartment-sharing) đã vi phạm quy định phân vùng và những điều luật khác quản lí việc cho thuê tạm thời, trong đó chủ sở hữu tài sản và người thuê không có mặt. Nhiều thành phố ở Mỹ ban hành lệnh cấm cho thuê dưới 30 ngày tại các địa điểm chưa được cấp phép và kiểm tra. Một số người thuê nhà của Airbnb đã nhận được thông báo thu hồi đất từ địa chủ, vì đã cho thuê căn hộ của họ như là một hình thức vi phạm hợp đồng thuê. Tại Amsterdam, các quan chức thành phố đã chỉ ra rằng bất cứ ai cho mướn một căn phòng hay căn hộ đều được yêu cầu phải có giấy phép và tuân theo các quy định khác. Họ đã sử dụng trang web của Airbnb để theo dõi những việc cho thuê bất hợp pháp.

Các quan chức ở San Francisco cũng đã giương những lá cờ đỏ tương tự. Thủ quỹ của thành phố ra lệnh vào tháng 3 năm 2012 rằng Airbnb hay nhưng trang web tương tự khác không được miễn trừ khỏi 15% thuế khách sạn của thành phố. Airbnb đáp lại rằng các quy định có niên đại từ năm 1961 không nên được áp dụng cho mô hình kinh doanh thời Internet. Thị trưởng của thành phố, Ed Lee, đã đấu tranh cho khái niệm "kinh tế chia sẻ" (sharing economy) như một phương tiện để kích thích tăng trưởng kinh tế. Các quan chức thành phố đã hứa sẽ sớm thi hành một khuôn khổ pháp lý và thuế, nhưng trong thời gian này Airbnb và các dịch vụ tương tự vẫn sẽ ở trong khu vực hợp pháp.

Tại New York, trong khi đó, một địa chủ đang phải đối mặt với mức phạt tiền lên tới $30,000 sau khi một trong những người thuê nhà của ông cho thuê lại phòng của mình trong một căn hộ ở East Village qua Airbnb khi anh ta rời khỏi khỏi thị trấn trong vài ngày vào tháng 9 năm 2012. (Một điều luật được thông qua năm 2010 không cho phép cho thuê nhà hoặc phòng bên trong căn nhà đó cho ít hơn một tháng trừ khi người cư ngụ thông thường cũng thường trú vào thời điểm đó.) Do đã bị tước đi quyền hạn để phụ thuộc vào chủ nhà để họ tự đảm bảo việc tuân thủ luật pháp địa phương và trả thuế, Airbnb gần đây đã thay đổi lập trường của họ như là một lời đáp trả cho sự tăng trưởng của lỗ hổng pháp lí. Tháng 10 năm 2012, Airbnb đã bổ nhiệm David Hantman, người trước đây đứng đầu ban quan hệ chính phủ tại Yahoo, làm Trưởng ban chính sách công cộng. Ông nói Airbnb hiện đang làm việc với chính phủ trên khắp thế giới "để làm rõ và thậm chí thay đổi" luật pháp chap vá đang được áp dụng cho chủ nhà cho thuê của họ. "Các nhà hoạch định chính sách và hàng xóm càng tìm hiểu về dịch vụ của chúng tôi, thì họ sẽ càng nhận ra rằng hoạt động này hoàn toàn không nên bị cấm," ông nói thêm.

Tới lượt các ông lớn trong ngành

Trong khi đó, mô hình cho thuê đã được đón nhận nồng nhiệt, ít nhất là trong lĩnh vực chia sẻ xe hơi, bởi các hãng xe đương nhiệm và công ty cho thuê. GM Ventures, nhà đầu tư của hãng sản xuất ôtô lớn nhất của Mỹ, là một trong những nhà đầu tư đã đặt 13 triệu đô la vào RelayRides trong năm 2011. ZipCar, một công ty chuyên cho thuê xe theo giờ mà đã luôn sở hữu lực lượng phương tiện của riêng họ, đã bỏ một khoản đầu tư 14 triệu đô la vào Wheelz, một hãng cho thuê vào năm 2012. ZipCar sau đó được mua lại bởi Avis, một hãng xe cho thuê thông thường, vào tháng Giêng năm 2013 với giá  491 triệu đô la, điều này khiến cho Avis có một cổ phần ở Wheelz.

Cùng với việc bầu một lá phiếu tín nhiệm cho mô hình cho thuê, các khoản đầu từ những hãng đương nhiệm làm nổi bật thực tế rằng việc làm việc hặt chẽ với những đổi thủ mới nổi này là hợp lí. Ví dụ như, sau khi đầu tư GM Ventures, RelayRides đã được trao quyền truy cập vào hệ thống định vị OnStar được cài đặt trong 6 triệu xe hơi ở Mỹ của GM. Quá trình đăng ký RelayRides đã được sắp xếp hợp lý cho người sử dụng OnStar, và xe ô tô có trang bị hệ thông Onstar có thể được khóa và mở khóa bởi một ứng dụng, do đó việc gặp nhau để bàn giao chìa khóa là không cần thiết. GM hy vọng điều này sẽ khuyến khích thêm nhiều chủ sở hữu xe đăng ký dịch vụ OnStar của mình với hy vọng có thêm một khoản thu nhập bên lề - trung bình 715 đô la một tháng, theo RelayRides. Đối với Avis, trong khi đó, việc sở hữu ZipCar và cổ phần trong Wheelz cho họ cơ hội tiếp xúc với một mô hình mới đang đe dọa lật ngược việc kinh doanh của họ.

Những gì trông giống như một mô hình mới đột phá khả năng cao sẽ sớm bị hòa trộn với các mô hình hiện có và được đón nhận bởi những công ty truyền thống, như thường xảy ra trước đây. Tim O'Reilly của O'Reilly Media, một quan sát viên có kinh nghiệm của các xu hướng Internet, nói việc hợp nhất như vậy là không thể tránh khỏi. "Khi một thị trường mới bắt đầu, họ thường trông dân chủ hơn cách mà họ trở thành sau này", ông nói. Quan niệm cho thuê từ một người chứ không phải từ một công ty vô danh sẽ tồn tại, ngay cả khi chủ nghĩa lý tưởng ban đầu của nền kinh tế chia sẻ không làm được như vậy. Cái thực tế mà các nhà quản lý, những người thu thuế và các công ty lớn đang đánh hơi xung quanh một mô hình đã được đón nhận bởi hàng triệu người chính là thước đo giá trị và tiềm năng tăng trưởng của nó.

Thu Thủy

Lược dịch theo Economist 

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *