Tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế

15/05/2018

Người tạo 0

Chuyên mục:

Ngày 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Còn nhiều giấy phép con

Đánh giá của UB Kinh tế cho thấy, các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa bền vững. Mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi rõ nét, tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của đầu tư nước ngoài, xuất khẩu từ đầu tư nước ngoài vẫn chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt mục tiêu. Tốc độ tăng năng suất lao động thấp, mức chênh lệch năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực gia tăng. 

Theo Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh, môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn rào cản, tình trạng “giấy phép con, cháu” còn khá nhiều; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng, số doanh nghiệp làm ăn hiệu quả còn thấp.

Tính kết nối giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoàivà doanh nghiệp trong nước chưa hiệu quả, việc thu hút doanh nghiệp lớn cũng chưa đem lại nhiều hiệu ứng lan tỏa.

“Có ý kiến cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa nêu một cách toàn diện nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, nhất là trách nhiệm người đứng đầu và cơ quan chịu trách nhiệm”- theo ông Thanh.

Theo ông Phan Thanh Bình- Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, quan trọng là sự bền vững của nền kinh tế và chiều sâu như thế nào trong tình hình hiện nay. Nền kinh tế đang còn nhiều tồn tại khi dựa vào vốn và lao động nhưng sắp tới khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào thì yếu tố vốn và lao động không phải thế mạnh trước áp dụng công nghệ.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, cần xử lý tồn tại yếu kém là năng suất lao động, khi năng suất lao động mới bằng 7% Singapore; 57 Philippines, và 87% cả Lào.

Đây là vấn đề cần suy nghĩ, và phải hành động mạnh mẽ từ bây giờ. Kinh tế trong nước vẫn phụ thuộc doanh nghiệp FDI, chiếm tới 72%.

Thị trường nông sản còn yếu, dù xuất nhiều nhưng giá trị sản xuất trên đơn vị sản xuất còn ở mức thấp.

“1ha trồng cà phê, bơ, ca cao ở Đắc Lắc thu được 3 tỷ đồng. Còn Mộc Châu Sơn La trồng chanh leo thu 320 triệu, còn đồng bằng sông Cửu Long, qua đi thăm 2 tỉnh thuần nông thấy rằng giá trị sản xuất 70-80 triệu đồng. Do đó Chính phủ cần sớm có phương án tái cơ cấu mạnh mẽ hơn, cho thay đổi cơ cấu cây trồng để rút khoảng cách quá xa như hiện nay”- ông Giàu cho hay.

Tiềm ẩn áp lực lạm phát

Đáng chú ý, dẫu kinh tế quý I/2018 với sự bứt phá về GDP tăng 7,38% đem lại kỳ vọng lớn, nhưng theo UB Kinh tế cũng tạo áp lực không nhỏ về tăng trưởng GDP trong 3 quý còn lại của năm nếu tăng trưởng vẫn định hình như các năm trước, quý sau cao hơn quý trước.

Áp lực lạm phát năm 2018 còn tiềm ẩn. Chưa có sự gắn kết thường xuyên giữa hoạt động sản xuất nông nghiệp với nhu cầu thị trường, vẫn phải “giải cứu” nông sản; công tác dự báo, thống kê chưa đáp ứng yêu cầu chủ động, từ xa, mang tầm chiến lược. 

Theo ông Vũ Hồng Thanh, việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thu ngân sách nhà nước không còn nhiều dư địa tăng; huy động vốn vay cho cân đối ngân sách và huy động nguồn vốn từ xã hội còn bất cập, chưa hết tiềm năng.

Tiến độ các khoản thu không đồng đều, một số khoản thu dù tăng nhưng chưa bảo đảm tiến độ dự toán. 

Trả lời về tính chống chịu của nền kinh tế trước sự biến động của nền kinh tế thế giới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ quyết tâm thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược để nâng cao sức cạnh tranh, tái cơ cấu nền kinh tế nâng cao chuỗi giá trị, sự gắn kết các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển công nghiệp phụ trợ; đào tạo nguồn nhân lực và đổi mới công nghệ.

Giải ngân đầu tư công đặc biệt là ODA đã có sư chậm trễ hiện đang đôn đốc để tháo gỡ khó khăn nhằm giải ngân nhanh vốn đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận, hiện đầu tư cho nông nghiệp vẫn đang còn khó khăn cho nên đang tháo gỡ khó khăn để nâng cao chuỗi giá trị, đặc biệt sắp tới đây ngày 26/5, sẽ họp chuyên đề về tích tụ ruộng đất tháo gỡ khó khăn để các vùng phát triển không có sự chênh lệch.

Nâng suất lao động dù đã cố gắng nhưng vẫn khó khăn cho nên đang tìm cách tháo gỡ trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, GDP quý I/2018 tăng 7,38% nhưng cũng tạo áp lực không nhỏ về tăng trưởng GDP trong những tháng còn lại.

Bên cạnh đó, các trụ cột kinh tế phát triển chưa bền vững. Mô hình tăng trưởng chưa chuyển biến rõ rệt.

Các nhà đầu tư FDI đến đây làm ăn là tốt đóng góp cho sự tăng trưởng của đất nước, vấn đề là làm sao cho doanh nghiệp trong nước mạnh lên, có sự đóng góp tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị vào tăng trưởng. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, dù kinh tế tăng trưởng khá nhưng tính bền vững chưa cao, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn phụ thuộc vào FDI cho nên cần quan tâm vai trò của doanh nghiệp nhà nước thể hiện vai trò kinh tế quốc doanh, đóng góp cho nhà nước nhưng đã có sự hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ thế nào?

Theo ông Tỵ, cải cách thủ tục hành chính thời gian qua có nơi giảm 50% các loại giấy tờ nhưng vừa qua việc cắt giảm đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp chưa? tiếp cận ưu đãi cho doanh nghiệp thế nào cần lưu ý.

Siết chặt kỷ cương

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ tại sao cách đây 1 năm Thủ tướng đã ban hành lệnh cấm cửa rừng nhưng sao đến nay tình trạng phá rừng vẫn diễn ra trầm trọng ở một số địa phương.

Trong 4 tháng đầu năm xảy ra 1400 vụ cháy nổ là rất nghiêm trọng, lo nhất là cư dân ở khu chung cư, vậy Chính phủ cần có giải pháp đảm bảo an toàn cháy nổ, nhất là cháy nổ tại chung cư.

An toàn vệ sinh thực phẩm cần xử lý phải xử lý nghiêm như vụ cà phê pin, thuốc ung thư giả bằng bột than tre.

Đáng chú ý là tội phạm công nghệ cao xảy ra ngay chính trong cơ quan chức năng chống tội phạm công nghệ cao. Các vụ án đang làm nhưng lý do vì sao tội phạm nằm ngay trong cơ quan chống công nghệ cao? Vậy trách nhiệm, xử lý thế nào?

Cùng chung quan điểm, theo ông Phan Thanh Bình, luật pháp chúng ta có hết nhưng kỷ cương hiệu quả đi vào cuộc sống như thế nào cần phải đánh giá một cách toàn diện.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, cần chú ý đến công tác phòng chống cháy nổ từ Nam ra Bắc, hàng giả, thuốc giả, rủi ro lạm phát vì sắp tới sẽ tăng giá thuốc, dịch vụ y tế, giáo dục sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng giá, ảnh hưởng đến lạm phát. Cho nên thời gian tới Chính phủ cần lưu ý đến những vấn đề này. 

“Đề nghị Chính phủ làm rõ những khó khăn giải pháp tính đến những rủi do của chính sách bảo hộ thương mại tác động đến nước ta như thế nào, vấn đề giá dầu đã có sự thay đổi, biến đổi khí hậu và môi trường cần có giải pháp tích cực”- Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại kết luận phiên họp.    

H.Vũ

Theo báo Đại Đoàn Kết

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *