Thủy điện Vĩnh Hà: Sáng bừng Tây Bắc

01/10/2016

Người tạo 2793

Chuyên mục:

(Xây dựng) - Sau 3 năm nỗ lực và tích cực triển khai đầu tư xây dựng, trong tiết thu phủ vàng nắng rực đất trời Tây Bắc, Nhà máy Thủy điện ICT Vĩnh Hà sẽ chính thức khánh thành đi vào hoạt động. Đây là công trình có ý nghĩa lớn, mừng lễ kỷ niệm 25 năm ngày tái lập tỉnh Lào Cai (01/10/1991 - 01/10/2016), với 2 tổ máy và tổng công suất lắp máy là 21MW, do Cty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Quốc tế (ICT) làm chủ đầu tư.

 

Ưu việt công nghệ cột nước thấp

Công trình Nhà máy Thủy điện ICT Vĩnh Hà là bậc thang thứ 4 trên dòng sông Chảy trong quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh Lào Cai, được Bộ Công Thương phê duyệt tại Văn bản số 2661/BCT-NL ngày 28/3/2011, được Cục Điều tiết điện lực cấp giấy phép hoạt động điện lực số 125/GP-ĐTĐL, ngày 19/9/2016. Công trình thuộc địa phận xã Tân Dương và xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Ông Đoàn Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Cty ICT - Chủ đầu tư công trình thủy điện ICT Vĩnh Hà cho biết: Đây là công trình thủy điện cột nước thấp thứ 2 tại miền Bắc sau Nhà máy Thủy điện ICT Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang do Cty ICT đầu tư xây dựng, sử dụng công nghệ tuabin chảy thẳng kiểu bóng đèn. Công nghệ này hiện nay đang được sử dụng tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Với công nghệ này sẽ tận dụng được tối đa tiềm năng phát điện của hệ thống sông suối Việt Nam do tận dụng được cột nước phát điện rất thấp (Nhà máy Thủy điện ICT Vĩnh Hà cột nước phát điện thấp nhất là 5m và cột nước tính toán là 12m). Hơn nữa do đặc trưng là cột nước thấp, nên gần như vẫn giữ nguyên dòng chảy tự nhiên và diện tích bị ngập lụt, việc di dân, giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng môi trường là rất ít. Nhiệm vụ chủ yếu khai thác Nhà máy Thủy điện ICT Vĩnh Hà là phát điện cung cấp điện cho lưới điện quốc gia Việt Nam, từ đó có thể cấp điện dùng cho công tác phát triển công nghiệp của tỉnh Lào Cai.

Tổng mức đầu tư ban đầu cho công trình là 823 tỷ đồng. Hàng năm sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia 89,07 triệu KWh. Dự án Nhà máy thủy điện ICT Vĩnh Hà được thi công theo hình thức tổng thầu EPC bởi nhà thầu: Cty hữu hạn Viện nghiên cứu Thiết kế Điện lực Quảng Tây (GXED) - Tập đoàn xây dựng Năng Nguyên - Trung Quốc. Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động ổn định, Thủy điện ICT Vĩnh Hà mỗi năm sẽ đóng góp vào nguồn thu ngân sách của địa phương gần 20 tỷ đồng.

Kiến trúc độc đáo bản sắc dân tộc

Một điều thú vị với Nhà máy Thủy điện ICT Vĩnh Hà đó là chủ đầu tư - Cty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Quốc tế (ICT) đã rất khéo léo khi đưa giải pháp sử dụng hình tượng kiến trúc vào công trình công nghiệp - một lĩnh vực vốn được coi là khô cứng, thiếu sự uyển chuyển, linh hoạt và sáng tạo tại Việt Nam.

Là một doanh nhân có tâm hồn nghệ sỹ, biết trân trọng và đam mê nghệ thuật, Tổng giám đốc ICT - ông Tạ Thanh Xuân rất tâm đắc với ý tưởng tạo dựng nên dấu ấn một công trình công nghiệp có hình khối không gian kiến trúc đặc trưng của bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Ngôn ngữ của công trình là hình tượng cây khèn thân thuộc gắn bó với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc và hình ảnh cọn nước gắn bó thiết thực với đời sống sinh hoạt tự bao đời nay.

Khi được hỏi: “Tại sao ICT lại đột phá đầu tư cho thẩm mỹ ngoại thất công trình công phu như vậy?”, ông Tạ Thanh Xuân cởi mở chia sẻ: Quan điểm phát triển của Cty ICT là bền vững. Vì vậy chúng tôi luôn đặt mục tiêu Win - Win trong mối quan hệ chính quyền - nhân dân vùng dự án - DN và môi trường tự nhiên.

Ông Xuân cũng cho biết, DN đã dành rất nhiều tâm huyết và chi phí để có thể hoàn thành các ý tưởng kiến trúc: Cây khèn và cọn nước có kích thước khổng lồ trang trí mặt thượng lưu và hạ lưu nhà máy. Với sự hỗ trợ của hệ thống đèn Led trang trí công phu tôn thêm khung cảnh huyền ảo, đây sẽ là biểu tượng độc đáo, hấp dẫn bất cứ ai chuộng cái đẹp.

Các chuyên gia kiến trúc cho rằng ý tưởng kiến trúc của Nhà máy Thủy điện Vĩnh Hà đã rất thành công trong sáng tạo hình khối dựa trên những nguyên tắc cơ bản: Hình khối không gian công trình phù hợp với dây chuyền công năng, sự hoạt động của thiết bị máy móc cũng như tâm sinh lý của con người làm việc trong đó. Đồng thời sự sáng tạo đã làm nên điểm nhấn hài hòa với môi trường và cảnh quan thiên nhiên.

Hy vọng công trình thủy điện ICT Vĩnh Hà ngoài công năng thủy lợi, thủy điện sẽ dần trở thành một địa điểm văn hóa du lịch của vùng Bảo Yên - Lào Cai.

HUỆ ANH
(baoxaydung.com.vn)

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *