Tìm động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp tư nhân

20/05/2019

Người tạo 0

Chuyên mục:

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần được tiếp thêm nhiều sức mạnh hơn nữa để có thể gánh vác sứ mệnh là động lực quan trọng phát triển kinh tế.

Cách đây hơn 30 năm, nói như TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), kinh tế tư nhân của Việt Nam vẫn chỉ là “số 0 tròn trĩnh". Chỉ sau đổi mới, kinh tế tư nhân mới được nhắc đến và thừa nhận sự tồn tại của mình với chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần.

Ông Cung nhớ lại thời kỳ đầu khi kinh tế tư nhân  được thừa nhận, số lượng doanh nghiệp vẫn ở mức khá khiêm tốn, người dân vẫn còn dè dặt trong thành lập doanh nghiệp do còn nhiều rào cản trong nền kinh tế.

Chỉ đến khi Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty được ban hành vào năm 1990, bước ngoặt trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam mới thực sự được tạo dựng. Tới năm 1996, cả nước đã có khoảng 21.000 doanh nghiệp tư nhân, 9.000 công ty trách nhiệm hữu hạn, 210 công ty cổ phần được thành lập, một con số rất ấn tượng ở thời điểm bấy giờ.

Đặc biệt, đến năm 1999, khi Luật Doanh nghiệp được Quốc hội thông qua và đi vào thực tiễn đã thay đổi gần như bộ mặt của kinh tế tư nhân Việt Nam. Từ năm 2000 trở đi, mỗi năm có từ hơn 20.000 doanh nghiệp ra đời. Con số này đã tăng lên 100.000 doanh nghiệp vào năm 2015 và 131.100 doanh nghiệp vào năm 2018.

Trải qua ba thập niên phát triển, kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã ngày càng lớn mạnh, khẳng định vai trò và vị thế quan trọng trong sự phát triển kinh tế. Sự phát triển của khu vực tư nhân qua mỗi thời kỳ đều gắn liền với những doanh nghiệp, thương hiệu nổi tiếng một thời.

Nếu như trước đây, khi nhắc đến doanh nghiệp tư nhân, người ta nhắc đến kem đánh răng Dạ Lan, giày dép Biti's, nước rửa chén Mỹ Hảo, bánh Kinh Đô thì hiện nay là Vietjet Air, Vingroup, FPT, TH True Milk, Trung Nguyên. Sự lớn mạnh của những doanh nghiệp này đã góp phần đưa kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển, khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.

Trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2019 do Tạp chí Forbes công bố mới đây, Việt Nam có năm đại diện góp mặt. Dẫn đầu là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup với tài sản 6,6 tỷ USD, xếp thứ 239. Đây là năm thứ bảy liên tiếp người đứng đầu Vingroup có tên trong danh sách này.

Cùng đồng hành với ông Vượng là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Công ty CP Hàng không Vietjet. Đây là lần thứ ba bà Thảo được Forbes xướng tên trong top tỷ phú thế giới với tài sản 2,3 tỷ USD và đứng ở vị trí 1.008 trên bảng xếp hạng.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) lần thứ hai có mặt trong Bảng xếp hạng của Forbes, xếp vị trí 1.349 với tài sản 1,7 tỷ USD. Hai tỷ phú USD mới của Việt Nam là ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam và ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan.

Đáng chú ý, sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân bên cạnh việc đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế chung của đất nước đã cùng với các thành phần kinh tế khác là khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

Có thể nhìn thấy rõ nhất là sự có mặt của Vietjet Air đã làm thị trường hàng không Việt Nam cạnh tranh hơn. Vietjet cất cánh đã mang đến những thay đổi với ngành hàng không Việt Nam. Nhờ đó, hàng triệu người lần đầu tiên tiếp xúc với phương tiện di chuyển văn minh, được đi trên những máy bay mới, hiện đại.

Sự góp mặt của Tập đoàn Vingroup vào thị trường bất động sản cũng giúp thị trường bất động sản Việt Nam tăng tính năng động, xuất hiện nhiều hơn những dự án bất động sản ở phân khúc trung cấp và hạng sang thực sự chất lượng đến tay người mua nhà.

Nhờ sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, bức tranh kinh tế của Việt Nam đã trở nên nhiều màu sắc, sôi động hơn bao giờ hết, điều mà trước đây khó có được.

Làm gì để tiếp tục lớn mạnh?

Mặc dù có vai trò và đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là quy mô và năng lực cạnh tranh của đại bộ phận doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn yếu. Sau 30 năm đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang chiếm hơn 40% GDP, song thực chất doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng góp khoảng 10% trong số đó, còn lại là hộ kinh doanh cá thể.

Bên cạnh đó, thành phần này lại có hai đặc điểm quan trọng là số doanh nghiệp “nhỏ và siêu nhỏ” chiếm đến 95 - 96% tổng số doanh nghiệp; số lượng doanh nghiệp “vừa” quá ít, chỉ chiếm khoảng 1,7%. Chính điều này đã tạo thành chỗ khuyết thiếu cơ cấu nghiêm trọng.

Tỷ trọng quá nhỏ bé của nhóm doanh nghiệp vừa chứng tỏ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam rất khó lớn, chậm lớn và cũng khó có lực lượng tốt để phát triển thành doanh nghiệp lớn. 

Hiện tại Việt Nam đang quá ít các tập đoàn tư nhân lớn, càng ít tập đoàn lớn định hướng đầu tư sản xuất. Do đó, theo nhiều chuyên gia, khu vực này vẫn chưa thể đóng vai trò là lực lượng trụ cột, dẫn dắt cạnh tranh, phát triển và định hình chân dung nền kinh tế.

Theo TS. Trần Đình Thiên, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đang bị trói buộc, hạn chế bởi nhiều thể chế, chính sách và các quy định đặc thù. Chiến lược phát triển kinh tế nhiều thành phần của Việt Nam còn nhiều phân biệt đối xử, không tôn trọng nguyên tắc thị trường, xác định vai trò, chức năng của các lực lượng kinh tế sai lệch kéo dài, làm méo mó môi trường kinh doanh thông qua các chính sách thiên lệch.

Thực chất, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một chiến lược phát triển doanh nghiệp Việt đúng nghĩa. Đây là hậu quả của cách tư duy về phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường nhưng không hiểu đúng và không tôn trọng các nguyên lý nền tảng, cốt lõi của kinh tế thị trường.

Đơn cử như chủ trương phát triển kinh tế thị trường nhưng không chú trọng, quan tâm phát triển các thị trường, đặc biệt là thị trường các nguồn lực; không coi trọng phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân đúng kiểu thị trường. Cùng với đó là áp dụng cơ chế phân bổ nguồn lực do nhà nước quyết định, phủ nhận nguyên lý cạnh tranh thông qua việc áp dụng các chính sách “phi thị trường”, cơ chế “xin – cho".

Theo ông Thiên, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhiều hơn cho kinh tế tư nhân phát triển. Đối xử bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác trong việc tiếp cận các nguồn lực .

Đóng góp những kiến nghị để kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển, lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân lớn đều cho rằng, Chính phủ cần có chính sách tạo điều kiện hơn nữa cho kinh tế tư nhân. 

Theo ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam đang ngày càng phát triển. Các doanh nghiệp này có thể đóng góp hơn nữa cho GDP và tạo ra nhiều việc làm hơn nếu sẵn sàng đổi mới sáng tạo và được hỗ trợ về cơ chế, chính sách để đầu tư vào những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, mức độ lan tỏa lớn và áp dụng phương thực sản xuất hiện đại.

Để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, theo ông Huệ, thứ nhất, cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao và các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến.

Thứ hai, cần đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo đại học, đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nhân sự cho phát triển kinh tế tư nhân.

Thứ ba, Chính phủ cũng cần tiếp tục tạo điều kiện cho chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo tiếp tục phát huy, góp phần thu hút chất xám của đội ngũ Việt Kiều.

Thứ tư, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách để thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển, bởi lĩnh vực này đóng vai trò bổ trợ rất lớn cho ngành công nghiệp ôtô phát triển và sẽ tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. 

Thứ năm, cần tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Là hãng hàng không tư nhân đầu tiên, mở đường cho tư nhân đầu tư vào lĩnh vực hàng không, bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietjet Air cũng cho rằng, để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, Chính phủ, cần ưu tiên tập trung xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng, sân bay, nhà ga. Tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực được tham gia, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay.

Mặt khác, doanh nghiệp tư nhân cũng mong được sự đối xử bình đẳng, công bằng với các thành phần kinh tế khác.

Chia sẻ về chủ trương, quan điểm, định hướng lớn về phát triển kinh tế tư nhân, những quyết sách tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân góp phần phát triển kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tiềm năng thế mạnh lẫn điều kiện của kinh tế tư nhân còn nhiều ràng buộc, cần tạo điều kiện không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực này phát triển thuận lợi hơn nữa.

Trong đó, các nhân tố quan trọng là sự bình đẳng, được bảo vệ, khích lệ và trao cơ hội cho kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân cần bình đẳng trước pháp luật, trong cạnh tranh, tiếp cận và phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt cần giảm chồng chéo tầng lớp, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân cũng cần được khích lệ, tôn vinh các dự án tốt, ngược lại cần lên án đấu tranh các doanh nghiệp vi phạm đạo đức kinh doanh. Cuối cùng là trao cơ hội, doanh nghiệp tư nhân cần được tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thuận lợi.

Tạo điều kiện để kinh tế tư nhân khởi nghiệp, phát triển thành công, các doanh nghiệp tư nhân phát triển được những thương hiệu nổi tiếng, có thể vươn tầm thế giới. Đó chính là động lực chung của nền kinh tế, tạo sức mạnh để Việt Nam có thể vươn tầm thế giới, Thủ tướng nhấn mạnh và tin tưởng.

An Chi

Theo The Leader

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *