Top 10 công ty dược Việt Nam uy tín năm 2016

24/11/2016

Người tạo 0

Chuyên mục:

Hôm nay, ngày 25 /10 /2016, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Báo VietNamNet – Bộ Thông tin và Truyền Thông đã chính thức công bố Top 10 Công ty Dược Việt Nam Uy tín năm 2016.

Đây là kết quả nghiên cứu của Vietnam Report, được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty dược được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí: năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính đã kiểm toán năm gần nhất (tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế…) (được tính 35% trọng số điểm); uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa bài viết về các công ty dược Việt Nam trên truyền thông (30% trọng số điểm); survey dược sỹ/ hiệu thuốc về chất lượng và thực trạng phân phối dược phẩm (35% trọng số điểm). Bên cạnh đó, survey điều tra các công ty dược được thực hiện trong tháng 10/2016 về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, tự đánh giá năng lực hoạt động trong năm 2016… được xem như yếu tố bổ sung nhằm xác định vị thế của công ty trong ngành. Theo đó, những công ty có mặt trong danh sách này đều có năng lực tài chính ổn định, có kinh nghiệm lâu năm và tiềm năng tăng trưởng, đồng thời được đánh giá cao về chất lượng dược phẩm và dịch vụ phân phối trong năm 2015 – 2016.

Danh sách Top 10 Công ty sản xuất dược phẩm Việt Nam uy tín năm 2016

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty dược Việt Nam uy tín năm 2016, tháng 10/2016

Danh sách Top 5 Công ty phân phối dược phẩm Việt Nam uy tín năm 2016

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty dược Việt Nam uy tín năm 2016, tháng 10/2016

Một số điểm đáng chú ý của Top 10 công ty dược Việt Nam uy tín năm 2016

Theo số liệu thống kê tài chính, doanh thu trung bình năm 2015 của Top 10 đạt trên 2.000 tỷ đồng, dẫn đầu là Vimedimex, kế đến là Phytopharma và Dược Hậu Giang.

Xét về tiêu chí truyền thông, kết quả mã hóa dữ liệu doanh nghiệp dược trên 5 đầu báo: Báo Sức khỏe và đời sống, Báo Sức khỏe cộng đồng,Vnexpress, VietnamNet và Vnplus, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2015 đến tháng 10/2016 chỉ ra rằng, Traphaco và Dược Hậu Giang là 2 doanh nghiệp làm truyền thông “mạnh” nhất, có số nhóm chủ đề được đề cập đến đa dạng nhất và có tỷ lệ thông tin tích cực cao nhất.

Về kết quả survey dược sỹ/ hiệu thuốc, 37,8% số người tham gia khảo sát (tỷ lệ cao nhất) lựa chọn Traphaco khi được hỏi “Nếu được chọn duy nhất một công ty dược Việt Nam tốt nhất, anh/ chị chọn công ty nào?”

Hình 1: Tổng điểm xếp hạng Top 10 công ty sản xuất dược phẩm Việt Nam uy tín năm 2016. (Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty dược Việt Nam uy tín năm 2016, tháng 10/2016)

Hình 2: Tổng điểm xếp hạng Top 5 công ty phân phối dược phẩm Việt Nam uy tín năm 2016. Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty dược Việt Nam uy tín năm 2016, tháng 10/2016

Tiềm năng tăng trưởng của ngành dược năm 2016 – 2017

Theo ước tính của BMI, giá trị tiêu thụ thuốc của Việt Nam năm 2016 tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 10,2% nhờ cơ cấu dân số trẻ, thu nhập và mức độ quan tâm đến các vấn đề sức khỏe ngày càng cao. Tuy nhiên, giá trị sản xuất trong nước chỉ mới chiếm chưa đến 45% tổng giá trị sử dụng thuốc, chủ yếu bào chế các loại thuốc đơn giản, phổ biến, giá rẻ. Các loại thuốc biệt dược có giá trị cao đa phần là thuốc nhập khẩu, do các công ty dược liên doanh/ nước ngoài phân phối. Để phát triển ngành dược trong nước, trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với một bài toán khó: cải thiện chất lượng sản phẩm hiện có, tăng cường đầu tư và nghiên cứu các dòng sản phẩm chuyên dụng… trong khi cả vốn, năng lực và nhân sự còn rất hạn chế.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp dược Việt Nam về thực trạng hoạt động và đánh giá tiềm năng tăng trưởng toàn ngành dược 2016 – 2017, hơn 71% doanh nghiệp dự đoán “tăng trưởng trên 10%”, số còn lại đánh giá “tăng trưởng dưới 10%”, không có doanh nghiệp nào lựa chọn “không thay đổi” hay “xấu hơn năm 2015” về triển vọng kinh doanh trong năm 2016 - 2017, cho thấy sự lạc quan của các doanh nghiệp dược hiện nay.

Hình 3: Nhận định về triển vọng tăng trưởng của ngành dược 2016 – 2017. Nguồn: Vietnam Report, Survey các công ty dược Việt Nam, tháng 10/2016

Rõ ràng, doanh nghiệp dược Việt Nam luôn trong tư thế sẵn sàng cho mọi thách thức. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nội đã khôn khéo lựa chọn phương án hợp tác thay vì cạnh tranh trực diện với các doanh nghiệp ngoại để vừa tận dụng được ưu thế thị trường và các kênh phân phối sẵn có, vừa thu hút được vốn, công nghệ và học hỏi kinh nghiệm từ các công ty dược lớn trên thế giới.

Xây dựng uy tín: Chất lượng dược phẩm luôn là yếu tố then chốt

Cũng theo khảo sát các doanh nghiệp dược, bên cạnh yếu tố nội lực (chất lượng nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp) thì uy tín được đánh giá là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và phân phối dược phẩm, với 85,7% các doanh nghiệp dược tham gia khảo sát lựa chọn đây là yếu tố có “ảnh hưởng rất nhiều” và 14,3% lựa chọn “ảnh hưởng tương đối”.

Hình 4: Các yếu tố và mức độ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất/ phân phối dược phẩm tại Việt Nam. Nguồn: Vietnam Report, Survey các công ty dược Việt Nam, tháng 10/2016

Khảo sát các dược sỹ và hiệu thuốc tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong tháng 10/2016 của Vietnam Report cho thấy, để xây dựng uy tín doanh nghiệp dược, chất lượng thuốc và hiệu quả điều trị phải được đặt lên hàng đầu (78,9% lựa chọn “chất lượng thuốc và hiệu quả điều trị tốt” là yếu tố quan trọng nhất tạo nên uy tín của một công ty dược). Vốn là ngành đặc thù, các loại dược phẩm được sản xuất hay phân phối trên thị trường đều có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của con người, đòi hỏi các công ty cần có sự đầu tư chuyên sâu và cẩn trọng trong khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Các yếu tố khác như marketing, bán hàng, phân phối và chăm sóc khách hàng… được xem như những yếu tố bổ trợ giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp.

Hình 5: Các yếu tố tạo nên uy tín của Công ty dược. Nguồn: Vietnam Report, Survey dược sỹ/ hiệu thuốc tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tháng 10/2016

Có thể thấy, để thành công bền vững, các doanh nghiệp ngành dược phải dựa vào uy tín. Mặc dù hiện đang yếu thế hơn doanh nghiệp nước ngoài, nhưng các doanh nghiệp dược Việt Nam vẫn đang nỗ lực tìm cách rút ngắn khoảng cách, đặc biệt là về công nghệ và nhân sự chất lượng cao, với mục tiêu giành lại lợi thế sân nhà của mình. Hi vọng rằng trong tương lai không xa, ngành dược Việt Nam sẽ ngày càng trưởng thành và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế nước nhà, nhờ đó người dân Việt Nam sẽ được hưởng những loại dược phẩm và dịch vụ y tế tốt nhất.

 

Vietnam Report

 

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *