Việt Nam sắp có tiêu chuẩn quản trị nhân sự quốc tế

26/04/2018

Người tạo 0

Chuyên mục:

TS. Nguyễn Thế Vinh, Ủy viên Uỷ ban Nghiên cứu thuộc Liên đoàn các Hiệp hội Quản trị nhân sự thế giới (WFPMA) cho biết trong năm tới, Việt Nam sẽ xây dựng 6 tiêu chuẩn về quản trị nguồn nhân lực.

Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, vai trò của ngành nhân sự cũng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và được ví như “trái tim” của một doanh nghiệp. Chính bộ phận này là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, chiêu mộ cũng như phát triển nguồn nhân tài đặc biệt trong bối cảnh nguồn nhân lực chất lượng cao Việt Nam đang rất thiếu và mỏng.

Hiện nay trên thế giới, các chứng chỉ hành nghề nhân sự theo tiêu chuẩn quốc tế đã được áp dụng khá rộng rãi; tuy nhiên Việt Nam vẫn còn vắng bóng các chuyên gia nhân sự có các chứng chỉ này vì các tiêu chuẩn vẫn chưa được áp dụng.

Trao đổi với TheLEADER, TS. Nguyễn Thế Vinh, Ủy viên nghiên cứu thuộc Liên đoàn các Hiệp hội Quản trị nhân sự thế giới (WFPMA), Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội cho biết, xu hướng quản trị thế giới hiện nay đang áp dụng mô hình Outside-In (từ ngoài vào trong), việc kết nối trong lĩnh vực nhân sự là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập.

Vì vậy, ông Vinh cho rằng chứng chỉ quản trị nhân lực quốc tế sẽ giúp hệ thống vận hành của các doanh nghiệp và tổ chức trở nên chuẩn chỉ và chuyên nghiệp hơn, cạnh tranh được với các doanh nghiệp quốc tế và đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của doanh nghiệp và đất nước.

“Tôi mong muốn Việt Nam có thể xây dựng một cộng đồng người làm nghề nhân sự chuyên nghiệp bằng việc áp dụng các tiêu chí, tiêu chuẩn hành nghề nhân sự như ở nhiều nước phát triển”, ông Vinh chia sẻ.

Về việc xây dựng các tiêu chuẩn nghề trong lĩnh vực nhân sự, được biết hiện nay Việt Nam đang có kế hoạch thành lập hội đồng nhân sự quốc gia, xin ông cho biết thêm về kế hoạch này?

Nguyễn Thế Vinh:Hiện nay Việt Nam đang trong quá trình làm thủ tục để xây dựng một ban kỹ thuật tiêu chuẩn nhân sự quốc gia. Đây là những tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn của tổ chức ISO thế giới. Hiện nay tổ chức này đã có ủy ban TC 260 có nhiệm vụ xây dựng các tiêu chuẩn về nhân sự.

Việt Nam cũng sẽ lĩnh hội và áp dụng các tiêu chuẩn này. Trong một vài tháng tới chúng ta sẽ thành lập ban và đưa vào hoạt động để đặt ra những tiêu chuẩn, chuẩn mực cho công tác quản trị nguồn nhân lực. Điều này sẽ có ý nghĩa rất lớn trong công tác quản trị nhân sự của các doanh nghiệp.

Hiện nay Việt Nam đã áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2015 về chất lượng và tiêu chuẩn ISO 14001 về quản lý môi trường. Nếu Việt Nam xây dựng được thêm bộ tiêu chuẩn về nhân sự, tôi hy vọng cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức của Việt Nam sẽ áp dụng rộng rãi trong thời gian tới. Khi đó, hoạt động của các đơn vị này sẽ chuẩn chỉ hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực quản trị nguồn nhân lực.

Ban này sẽ trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng của Việt Nam; đã được bộ Khoa học và công nghệ phê chuẩn và chủ trương.

Lộ trình áp dụng các tiêu chuẩn này như thế nào, thưa ông ?

Nguyễn Thế Vinh: Trong năm tới, Việt Nam dự kiến xây dựng 6 tiêu chuẩn về quản trị nguồn nhân lực. Các tiêu chuẩn quản trị nguồn nhân lực sẽ chia theo các chức năng chẳng hạn như tuyển dụng, đào tạo và phân tích dữ liệu nhân sự.

Hiện nay có rất nhiều tiêu chuẩn; tuy nhiên mỗi một năm Việt Nam sẽ áp dụng một số tiêu chuẩn, hướng đến áp dụng được hết các chỉ tiêu theo tổ chức quốc tế ISO.

Các doanh nghiệp sẽ phải làm gì để có được chứng chỉ đối với các tiêu chuẩn này?

Nguyễn Thế Vinh: Để áp dụng tiêu chuẩn này, mỗi doanh nghiệp cần có đơn vị tư vấn; đồng thời thời Việt Nam cũng cần có đơn vị cấp chứng nhận cho các cá nhân, đơn vị đạt yêu cầu.

Sau khi được thiết lập, những tiêu chuẩn này sẽ tác động như thế nào đến doanh nghiệp Việt Nam?

Nguyễn Thế Vinh: Các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ việc trở thành một nhà tuyển dụng tốt và chất lượng, có thể thu hút được nhiều nhân tài.

Bên cạnh đó cũng như các tiêu chuẩn khác về chất lượng hay quản lý môi trường, tiêu chuẩn quản trị nguồn nhân lực của Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp và tổ chức xây dựng hệ thống tốt hơn.

Điều này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của các tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam, góp phần mạnh mẽ cho sự phát triển của đất nước.

Theo ông, các doanh nghiệp hiện nay đang đánh giá như thế nào về vai trò của ngành nhân sự ?

Nguyễn Thế Vinh:Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp đã và đang nhận thức rõ tầm quan trọng của yếu tố con người hay chính xác là công tác nhân sự

Tuy nhiên, mức độ quan tâm và đầu tư vào vấn đề này như thế nào trong mỗi một công ty lại là câu chuyện khác.

Đó là lý do tại sao vừa qua Giáo sư Dave Ulrich - cha đẻ của ngành nhân sự hiện đại, đã được mời sang Việt Nam gặp gỡ các CEO, quản lý nhân sự để truyền tải những tư tưởng mới về quản trị nhân sự hiện đại nhất cho họ.

Tư tưởng mới nhất trong quản trị nhân sự mà các CEO, quản lý nhân sự có được là gì, thưa ông?

Nguyễn Thế Vinh: Trước đây chúng ta chỉ tập trung vào hành chính quản trị hoặc có chăng thì cũng chỉ là kết nối với đối tác kinh doanh, nhưng trong nhân sự hiện đại, điều đó vẫn chưa đủ.

Mô hình làm nhân sự mới nhất của thế giới hiện nay là Outside-in, tức là mô hình từ ngoài vào trong. Giờ đây, những người làm công tác nhân sự không chỉ quan tâm đến vấn đề nội bộ của doanh nghiệp mà cần phải hướng đến lợi ích của các nhà đầu tư, khách hàng, cộng đồng và các đối tác của công ty. Mô hình này sẽ giúp làm gia tăng giá trị quản trị nhân sự cho doanh nghiệp.

Như chúng ta đã biết hiện nay, Việt Nam đang bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng các tiêu chuẩn nghề trong lĩnh vực nhân sự. 

Tôi kỳ vọng rằng chúng ta sẽ có thể sớm hình thành nên cộng đồng những người làm nghề nhân sự chuyên nghiệp; đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của mỗi doanh nghiệp nói riêng và của đất nước nói chung.

Xin cảm ơn ông!

Đặng Hoa

Theo The Leader

Vietnam report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *