Khảo sát vừa được công bố của PwC cho thấy mặc dù các tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 chưa rõ ràng, song các doanh nghiệp (DN) Việt Nam rất háo hức đón chờ lợi ích từ cuộc cách mạng này khi khẩu vị đầu tư tại Việt Nam cao hơn 2-3 lần so với trung bình toàn cầu…
Cuộc khảo sát được PwC thực hiện trong tháng 11/2017 với 188 đại diện thuộc nhiều cấp quản lý khác nhau đến từ các DN đang hoạt động trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0 nhằm đưa ra được những nhận định ban đầu về tác động của CMCN 4.0.
Kết quả khảo sát cho thấy, nhìn chung, những người trả lời khảo sát của PwC dự đoán rằng CMCN 4.0 sẽ mang lại những lợi ích đáng kể, ví dụ như hiệu quả hoạt động cao hơn và khả năng tiếp cận khách hàng tốt hơn nhờ vào số hóa và tự động hóa. Họ đón nhận CMCN 4.0 một cách tích cực mặc dù họ chưa có đầy đủ nhận thức về các tác động cụ thể của xu hướng này.
Tuy nhiên, trên hành trình chuyển đổi theo CMCN 4.0, Việt Nam cũng đang gặp phải những thách thức riêng so với các quốc gia khác trên thế giới, xuất phát từ mức độ trưởng thành của thị trường. Những người tham gia khảo sát của PwC tại Việt Nam quan ngại nhất về tình trạng thiếu các tiêu chuẩn kỹ thuật số, thiếu kỹ năng của lực lượng lao động trong nước, cũng như an ninh và bảo mật dữ liệu. Đáng chú ý, các DN chỉ có hiểu biết hạn chế về các kỹ năng, kiến thức và khả năng cần thiết để thực thi tích hợp số hóa trong các DN ở Việt Nam.
Bất chấp những thách thức này, nhiều DN Việt Nam sẵn sàng đầu tư để chuyển đổi. Theo ước tính của PwC, khẩu vị đầu tư tại Việt Nam cao hơn 2-3 lần so với trung bình toàn cầu, cho thấy lợi thế chiến lược do CMCN 4.0 đưa ra đang được đón nhận một cách đúng đắn.
“Để tiến bước trong thời đại CMCN 4.0, điều cần phải làm là xây dựng và triển khai được các năng lực số và hạ tầng số trên toàn Việt Nam. Dựa vào kinh nghiệm tư vấn cho nhiều cơ quan chính phủ và DN công nghiệp hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, chúng tôi đưa ra một số khuyến nghị thực tiễn để đẩy mạnh quá trình này, bao gồm việc nâng cao nhận thức thông qua các cơ quan ngành, hay khuyến khích phát triển mạng lưới hạ tầng và các trung tâm sáng tạo” - ông Grant Dennis, Tổng Giám đốc Công ty PwC Consulting Việt Nam chia sẻ.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy 64% ý kiến DN cho rằng DN chính là lực lượng cần tiên phong trong công tác chuẩn bị để đảm bảo Việt Nam sẵn sàng cho CMCN 4.0, trong khi 32% cho rằng Chính phủ và 5% là cá nhân.
“Câu hỏi lớn đặt ra là ai sẽ tiên phong trong việc đưa Việt Nam vào môi trường số hóa mới. Phần lớn người trả lời khảo sát của chúng tôi cho rằng các DN tư nhân cần đóng vai trò tiên phong, nhưng Chính phủ cũng cần tham gia để giúp cho quá trình chuyển đổi sang kỷ nguyên số diễn ra thành công”-Trưởng phòng cao cấp Dịch vụ Tư vấn, Công ty PwC Consulting Việt Nam, ông Christopher Lee (Aik Sern) chia sẻ thêm.
Minh Nguyệt
Theo Pháp luật Kinh tế
Vietnam Report
Bình Luận (0)