Nhược điểm của thị trường chứng khoán Việt là dựa rất nhiều vào dòng vốn ngoại, là dòng vốn thường ra vào các thị trường mới nổi một cách nhanh chóng.
Trái ngược với đà tăng trưởng tốt trong cả năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, thị trường chứng khoán Việt trong mấy phiên vừa qua liên tiếp có dấu hiệu đi xuống khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên BizLIVE đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng.
Trong thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán Việt có nhiều phiên rung lắc, giảm mạnh, điển hình là phiên hôm 19/4 khi VN-Index giảm sâu và liên tiếp xuất hiện các đáy trong phiên. Kết thúc giao dịch, VN-Index mất tới 3,86% xuống 1.094,63 điểm. Vốn hóa bốc hơi mất hơn 5,2 tỷ USD. Xin ông cho biết nhận định về hiện tượng này?
Trong thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng rất mạnh, tăng trưởng tới hơn 40% trong năm 2017 và tăng thêm vài chục % nữa trong mấy tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, sự tăng trưởng đó không có tính ổn định, dễ bị lay động khi thị trường thế giới lay động.
Nguyên nhân là do nhược điểm của thị trường chứng khoán Việt là dựa rất nhiều vào dòng vốn ngoại, là dòng vốn thường ra vào các thị trường mới nổi một cách nhanh chóng.
Với các nhà đầu tư nước ngoài, năm 2017 và đầu năm 2018 chỉ số Dow Jones lên tới 25 nghìn điểm là sự tăng trưởng rất mạnh. Khi cổ phiếu của họ tăng mạnh, họ dùng lợi nhuận đó đầu tư vào các thị trường cận biên hoặc mới nổi, là nơi họ nghĩ rằng có thể kiếm tiền rất nhanh, nhanh hơn thị trường tuyền thống có họ, và Việt Nam là một trong những thị trường đó.
Tuy nhiên, nhưng khi thị trường thế giới chao đảo, nhà đầu tư thiệt hại, họ lập tức rút tiền từ thị trường mới nổi về để bù trừ phần lỗ trên thị trường truyền thống. Do vậy, khi thị trường thế giới rung lắc thì thị trường Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Việc VN-Index giảm điểm trong thời gian vừa quan một phần là do bị các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn. Nói chung, thị trường chứng khoán Việt có tăng trưởng mạnh trong năm 2017 và đầu năm 2018 nhưng sự tăng trưởng đó không có sự ổn định.
Như ông nói thì thị trường thế giới có ảnh hưởng rất lớn tới thị trường chứng khoán Việt trong thời gian vừa qua. Vậy còn các yếu tố trong nước thì sao, thưa ông? Có yếu tố nào bất ổn có tác động đến thị trường trong đợt giảm mạnh vừa rồi không, thưa ông?
Tại thị trường trong nước thì tôi cho rằng các yếu tố vĩ mô vẫn tương đối ổn định, tăng trưởng GDP tốt trong quý đầu, lạm phát kiểm soát khả quan, tăng trưởng tín dụng ở mức độ hợp lý, xuất nhập khẩu tốt và vẫn trong tình trạng xuất xiêu thành ra nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn rất khả quan.
Vậy triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông?
Trong năm nay, tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt sẽ tiếp tục có nhiều biến động. Trong thời gian qua, kinh tế vĩ mô trong nước ổn định nhưng có hiện tượng là phần lớn sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán là ở thị trường thứ cấp, nơi các nhà đầu tư mua đi bán lại.
Mà thị trường này lại có tăng trưởng nóng thì có nghĩa sẽ có hiện tượng đầu cơ, do đó, đẩy giá lên. Trong thời gian sắp tới, sự đầu cơ cộng với các biến động khó đoán trên thế giới liên quan đến địa dư chính trị giữa Mỹ và Triều Tiên, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, những biến động, khủng hoảng chính trị tại Trung Đông, trong đó có Syria, sẽ tạo những biến động và ảnh hưởng lên thị trường chứng khoán thế giới. Mà khi thị trường thế giới rung lắc thì thị trường Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Do đó, tôi cho rằng, nhà đầu tư nên cẩn trọng và đầu tư vào các doanh nghiệp tốt, kinh doanh và có nền tảng tài chính ổn định.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!
Theo Bizlive
Vietnam Report
Bình Luận (0)