Fitch nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam

19/05/2017

Người tạo 0

Chuyên mục:

Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vừa nâng triển vọng phát hành nợ dài hạn (IDR) bằng ngoại tệ và nội tệ của Việt Nam từ ổn định sang tích cực, tức là mức BB-.

Xếp hạng trái phiếu bằng nội tệ và ngoại tệ không bảo lãnh của Việt Nam cũng được xác định ở mức BB-. Bên cạnh đó, trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia cũng được xác định ở mức BB-; nợ ngắn hạn phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ được xác định ở mức B.

Sự lên hạng trong xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam phản ánh triển vọng tăng trưởng mạnh, thặng dư tài khoản vãng lai liên tục, chi phí dịch vụ nợ trong tầm kiểm soát và nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài dồi dào.

Theo báo cáo mới này, Việt Nam đang tập trung vào một loạt chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm cả chính sách linh hoạt tỷ giá, ổn định lạm phát… Những chính sách này đã hỗ trợ thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài liên tục chảy vào Việt Nam và duy trì tốc độ tăng trưởng cao. GDP thực của Việt Nam đã tăng 6,2% năm 2016. Tăng trưởng GDP trung bình năm năm là 5,9%, so với mức trung bình 3,4% của các nước có mức xếp hạng BB.

Xếp hạng tín dụng của Việt Nam ở mức tích cực - Ảnh: TL

Bất chấp sự suy giảm trong ngành công nghiệp khai thác khoáng sản do giá dầu đi xuống, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn được hỗ trợ bởi lĩnh vực sản xuất hướng tới xuất khẩu và sự mở rộng liên tục trong lĩnh vực dịch vụ.

Fitch cũng dự báo tốc độ tăng trưởng GDP thực của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng đều trong giai đoạn tới với GDP 2017 là 6,3% và 2018 là 6,4%. Điều này là do dòng vốn FDI lớn chảy vào lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng cá nhân tăng mạnh.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng được cải thiện, đạt 37 tỉ đô la Mỹ năm 2016 từ mức 28,6 tỉ đô la Mỹ năm 2015. Điều này là do việc áp dụng cơ chế tỷ giá mới - tỷ giá trung tâm vào đầu năm 2016 - với mục tiêu linh hoạt tỷ giá tốt hơn. Ngoài ra, thặng dư tài khoản vãng lai tăng mạnh và dòng vốn FDI lớn cũng là yếu tố hỗ trợ dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo này, cơ chế tỷ giá trung tâm mà Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng có thể gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh đồng đô la Mỹ đang mạnh lên khiến giá trị đồng nội tệ của các nền kinh tế mới nổi, nơi chịu ảnh hưởng lớn từ dòng đầu tư nước ngoài, yếu đi.

Bên cạnh đó, nợ công của Việt Nam ở trên mức bình quân của các nước xếp hạng BB và còn tiếp tục tăng lên. Theo ước tính ban đầu của cơ quan chức năng, nợ Chính phủ/GDP đã tăng lên 53,4% GDP năm 2016, từ mức 50,1% năm 2015. Nếu định nghĩa về nợ công bao gồm cả nợ bảo lãnh của Chính phủ thì con số này có thể đạt tới 63,7% GDP vào cuối năm 2016, chỉ thấp hơn chút ít so với mức trần 65%. Tiến trình cổ phần hoá giai đoạn 2016-2020 cũng có thể giúp Việt Nam duy trì nợ công ở mức cho phép.

Fitch dự báo, với tiến trình cổ phần hoá trên, thâm hụt ngân sách có thể giảm xuống mức 5,7% GDP năm 2016 từ mức 6,2% năm 2015 khi doanh thu tài chính được dự báo sáng sủa. Việt Nam cũng tái khẳng định cam kết của mình trong việc giảm thâm hụt ngân sách và nợ công trong kế hoạch ngân sách giai đoạn 2016-2020. Fitch dự báo thâm hụt ngân sách sẽ ở mức gần 5,7% GDP trong giai đoạn 2017-2018.

Xếp hạng của Việt Nam trong một loạt các chỉ số về điều hành cũng đã cải thiện so với những năm trước, bao gồm cả sáu chỉ tiêu về quản trị của Ngân hàng Thế giới từ năm 2014-2015. Dù vậy, xếp hạng của quốc gia về chỉ số quản lý tổng hợp nằm ở vị trí thứ 39, thấp hơn mức trung bình 50 của các nước xếp hạng BB. Thu nhập bình quân đầu người và chỉ số phát triển con người của Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn so với các nước có xếp hạng tương tự, với thu nhập bình quân đầu người là 2.172 đô la Mỹ vào cuối năm 2016, đứng vị trí thứ 37 trong Chỉ số Phát triển con người của Liên hợp quốc.

Tài khoản vãng lai của Việt Nam vẫn ở mức thặng dư, trung bình khoảng 4% GDP trong năm năm tính tới năm 2016, mặc dù mức dự phòng thanh toán quốc tế hiện nay thấp hơn các nước khác, khoảng 2,3 tháng so với 4,2 tháng của các nước có xếp hạng BB.

Theo Fitch, triển vọng lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam khá ổn định, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Tổ chức này cho rằng, nợ xấu sẽ mất nhiều thời gian để giải quyết do trở ngại về pháp lý và 2,5% nợ xấu trên toàn hệ thống được báo cáo trong năm 2016 chưa đánh giá được hết các vấn đề về chất lượng tài sản thực tế.

Hơn nữa, nhiều điểm yếu của hệ thống ngân hàng vẫn còn tồn tại, bằng chứng là tỷ lệ dự phòng an toàn vốn (capital buffers) còn mỏng, khả năng sinh lời yếu…

Tăng trưởng tín dụng nhanh và liên tục cũng dẫn tới rủi ro ổn định hệ thống tài chính trung hạn. Tăng trưởng tín dụng năm 2016 khoảng 18% (mục tiêu là 18-20%) và tăng trưởng tín dụng đặt ra cho năm 2017 là 18%.

Trúc Diễm

Tổng hợp

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *