Agribank đồng hành cùng Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng năm 2019 “Để Ngân hàng Việt vươn

16/05/2019

Người tạo 6

Chuyên mục:

Sáng 8/5/2019, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức Diễn đàn toàn cảnh Ngân hàng năm 2019. Agribank đồng hành cùng sự kiện này với mong muốn cùng ngành Ngân hàng “Để Ngân hàng Việt vươn xa” đúng như chủ đề của Diễn đàn hướng tới.

Tham dự Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng năm 2019 có Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; đại diện các Vụ thuộc NHNN; ông Trần Minh Hùng – Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn, cùng các chuyên gia kinh tế tại các cơ quan, đại diện lãnh đạo các ngân hàng thương mại và hơn 300 đại biểu đến từ lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, doanh nghiệp tài chính. Đại diện Agribank, Phó Tổng Giám đốc Phạm Đức Tuấn tham dự.

Trong năm 2018, quá trình tái cơ cấu ngân hàng đã có những dấu hiệu tích cực như nợ xấu giảm dần, một số ngân hàng nhỏ bắt đầu có lãi trở lại, một số ngân hàng lớn đã cán đích chỉ tiêu lợi nhuận của năm. Đến năm 2019, thị trường tài chính thế giới và trong nước dự báo sẽ tiếp tục có những biến động. Tuy vậy, sự củng cố nội lực của nhiều ngân hàng trong năm qua cùng với sự điều hành chính sách tiền tệ hợp lý của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp ngành ngân hàng đứng vững trong giai đoạn sắp tới. Do đó với tham vọng ngân hàng Việt có thể lớn mạnh hơn về quy mô vốn, về công nghệ, đội ngũ nhân lực… xứng tầm cùng các ngân hàng trong khu vực Châu Á, Ngân hàng Nhà nước và Thời báo Kinh tế Sài Gòn cùng đồng hành tiếp tục tổ chức “Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2019”.
  

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc Diễn đàn

Với chủ đề “Để Ngân hàng Việt vươn xa”, diễn đàn tập trung bàn bạc những chiến lược, giải pháp và chính sách phù hợp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ của ngân hàng, tăng cường vị thế ngân hàng Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như góp phần nâng hạng tín nhiệm quốc gia. 3 phiên với nhiều bài trình bày và các nội dung thảo luận, diễn đàn tập trung vào ba mảng chính của thị trường tài chính, ngân hàng đó là bức tranh tổng quan về điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2018 và những nét chính trong 2019; củng cố nội lực hệ thống ngân hàng; tương lai phát triển của hệ thống ngân hàng với những xu hướng lớn như tín dụng xanh, ngân hàng số...

Phát biểu khai mạc tại sự kiện, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
 
Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại bức tranh ngành Ngân hàng năm 2018 với những điểm sáng trong điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng, diễn biến tích cực trong tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, những khởi sắc trong hoạt động thanh toán đồng thời phân tích những cơ hội và thách thức đối với hoạt động ngân hàng trong năm 2019, từ đó đề ra các chiến lược và chương trình hành động của ngành Ngân hàng trong năm 2019 và những năm tiếp theo với tham vọng ngân hàng Việt có thể vươn xa sánh vai cùng các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia kinh tế, các đại biểu ngân hàng thương mại đã có những chia sẻ, tham luận hữu ích về bức tranh chung về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm “Củng cố nội lực”…

Góp phần vào “bức tranh” nhiều điểm sáng trong năm 2018 của ngành Ngân hàng, Agribank hoàn thành toàn diện vượt mức 100% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế đạt 7.525 tỷ đồng, là sự bứt phá kỷ lục của Agribank so với kế hoạch đề ra. So với lợi nhuận năm 2017, tăng trưởng lợi nhuận 2018 của Agribank lên tới 50%, cao thứ nhì hệ thống ngân hàng về mức độ tăng trưởng. Agribank tiếp tục dẫn đầu hệ thống với tổng tài sản cán mốc 1,3 triệu tỷ đồng. Nguồn vốn đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 11,8%, trong đó tiền gửi dân cư đạt gần 1 triệu tỷ đồng. Quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm trước, trong đó tín dụng đầu tư cho “Tam nông” chiếm 70,5% tổng dư nợ của Agribank, chiếm trên 50% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này. Kinh doanh dịch vụ tăng trưởng mạnh với doanh thu đạt gần 5.400 tỷ đồng, tăng 21%, góp phần từng bước dịch chuyển từ mô hình kinh doanh phụ thuộc vào tín dụng sang kinh doanh đa dịch vụ, phù hợp với “làn sóng” 4.0 đang là xu thế.
 

Agribank tiếp tục củng cố nền tảng vững chắc

Agribank đã thực hiện triển khai giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên và thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng, cụ thể: Agribank đã đồng loạt giảm 0,5%/năm mức lãi suất cho vay đối với khách hàng thuộc 05 lĩnh vực ưu tiên theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN gồm: Nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu; kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Mức lãi suất cho vay của Agribank đối với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ hiện đang thấp nhất thị trường. Bên cạnh đó, Agribank triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi đối với khách hàng pháp nhân, khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tài trợ xuất nhập khẩu v.v…

Thực hiện nhiệm vụ của NHTM Nhà nước về trách nhiệm tham gia cùng các ngành, các cấp và ngành Ngân hàng trong việc đẩy lùi tín dụng đen, Agribank đã và đang triển khai các chương trình đơn giản hóa thủ tục cho vay, cải tiến quy trình, đổi mới phương thức cho vay, đẩy mạnh cho vay qua tổ, nhóm (trên 68.000 tổ nhóm), điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng (đã triển khai trên 3.500 phiên giao dịch)… tạo thuận lợi tối đa để người dân khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn dễ dàng tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng.

Hoạt động trong ngành dịch vụ, sự tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế trong năm 2018 đã giúp Agribank không chỉ đưa nợ xấu nội bảng về mức 1,51%, tăng thu dịch vụ ở mức trên 21%, mà còn giúp Agribank thu hồi được gần 12 nghìn tỷ đồng nợ đã bán và đã xử lý rủi ro, chiếm tỷ lệ 14% tổng dư nợ đã xử lý. Bên cạnh đó, với gần 26 nghìn tỷ đồng đã được trích lập dự phòng rủi ro, Agribank tự tin đủ khả năng mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC và xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019. Bằng nội lực, Agribank sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh với các Ngân hàng thương mại khác về lãi suất cho vay, đứng vững trong cạnh tranh.

Agribank đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai các công việc tái cơ cấu giai đoạn 2, năm 2019 hướng đến mục tiêu lợi nhuận 10.000 tỷ đồng, tiếp tục củng cố nền tảng vững chắc, sẵn sàng cho lộ trình cổ phần hóa, tự tin ra mắt giới đầu tư.
 

Agribank

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *