Thời gian tới, Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm sáng hấp dẫn hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong khu vực và chắc chắn ngành bán lẻ sẽ vẫn là một trong những ngành thu hút dòng vốn từ M&A nhiều nhất.
TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.
*PV: Theo bà, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa trong thời gian qua đã có ảnh hưởng như thế nào đến ngành bán lẻ?
- TS. Đinh Thị Mỹ Loan: Ngành bán lẻ đã đem lại hiệu quả cho nền kinh tế với số lượng lớn doanh nghiệp tham gia, chiếm 50% tổng số doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh. Riêng chủ thể bán lẻ hoạt động dưới hình thức hộ gia đình, cá nhân kinh doanh đã là hơn 2 triệu.
Bên cạnh đó, bán lẻ cũng thuộc nhóm ngành sử dụng nhiều lao động khi mà số lao động trong ngành này nhiều thứ 3, sau ngành nông lâm ngư nghiệp và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đó là còn chưa tính đến số lượng người bán hàng trực tuyến qua các kênh mạng xã hội.
Thời gian qua, khoa học kỹ thuật và công nghệ 4.0 đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến lĩnh vực bán lẻ, làm biến đổi ngành bán lẻ và cuộc sống của người tiêu dùng.
Đáng chú ý là từ 100% bán lẻ truyền thống, thời gian qua, nước ta đã tiến đến xây dựng một “ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam” thời hội nhập với đủ các định dạng bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bách hóa, trung tâm mua sắm, cửa hàng giá rẻ, giảm giá, bán hàng trực tuyến…
Chắc chắn rằng, viễn cảnh tương lai của ngành bán lẻ không thể tách rời các ứng dụng khoa học công nghệ đang nổi lên như internet, thực tế ảo, robot, máy bay và xe không người lái…Đồng thời sẽ có sự gắn kết chặt chẽ giữa ngành bán lẻ với du lịch và các ngành công nghiệp sáng tạo. Chúng ta không chỉ bán lẻ hàng hóa mà còn tiến đến bán lẻ dịch vụ như ngân hàng, tài chính, du lịch, y tế, giáo dục…
*PV:Trong bối cảnh đó, liệu vị trí của kênh bán lẻ truyền thống trên thị trường có bị lung lay không, thưa bà?
- TS. Đinh Thị Mỹ Loan: Có thể thấy, chúng ta đang chứng kiến sự tăng trưởng liên tục, nhanh chóng của thị trường bán lẻ và cuộc đua kỳ thú giữa bán lẻ truyền thống và hiện đại.
Trong đó, kênh bán lẻ truyền thống tuy được đánh giá là ít lợi thế với áp lực cạnh tranh rất lớn trong thời đại công nghệ số nhưng đã vượt qua chính mình, tiếp tục thay đổi về chất để tồn tại, hướng về văn minh thương mại. Ví như việc phủ sóng wifi cho bà con tiểu thương và người tiêu dùng sử dụng tại một số chợ lớn như chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Bến Thành (TP. Hồ Chí Minh)…
Kết quả là đến nay, mua sắm tại chợ hoặc cửa hàng bán lẻ truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tôi cho rằng, vị trí này còn tiếp tục trong tương lai do kênh bán lẻ truyền thống vẫn có một vị thế và sức hút rất riêng so với những mô hình bán lẻ khác.
Ở một khía cạnh khác, chúng ta cũng thấy rằng, cuộc đua tranh giữa bán lẻ truyền thống và bán lẻ hiện đại sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và cả nền kinh tế.
*PV: Bà vừa nhắc đến câu chuyện tác động của khoa học công nghệ đến người tiêu dùng. Vậy theo bà, trong bối cảnh đó thì diện mạo người tiêu dùng Việt Nam thay đổi như thế nào?
- TS. Đinh Thị Mỹ Loan: Rõ ràng, xu hướng toàn cầu hóa và việc áp dụng rộng rãi thành tựu khoa học công nghệ, thương mại điện tử đã hình thành nhiều phương thức bán lẻ mới, đa dạng hơn và đem lại một diện mạo mới cho người tiêu dùng Việt Nam. Chúng ta vẫn quen gọi đó là diện mạo người tiêu dùng thời hội nhập, với đặc điểm nổi bật là hiện đại, hiểu biết, nắm nhiều thông tin và thay đổi nhanh hơn, đòi hỏi nhiều hơn và đa dạng hơn. Nhất là người tiêu dùng trẻ, họ thích công nghệ cao và lối sống năng động...
Chính với yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng sẽ là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà cung cấp, bán lẻ nâng cao tính chuyên ngiệp, xây dựng hình ảnh, kỹ năng và nghệ thuật bán lẻ, áp dụng khoa học… nhằm đáp ứng yêu cầu và mang lại những trải nghiệm mua sắm tốt nhất cho người tiêu dùng.
*PV: Hoạt động M&A trong lĩnh vực bán lẻ diễn ra khá sôi động trong thời gian qua và được nhận định sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới. Bà đánh giá như thế nào về nhận định này?
- TS. Đinh Thị Mỹ Loan: Có thể thấy, từ năm 2013 đến nay, làn sóng M&A trong ngành bán lẻ diễn ra mạnh mẽ, nhiều vụ quy mô lớn, điển hình như các vụ M&A Metro Cash & Cary Việt Nam (gồm 19 trung tâm và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu Euro) và Big C Việt Nam (32 siêu thị/đại siêu thị)... trị giá 1,14 tỷ USD.
Chúng ta cũng chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong nước, điển hình là Tập đoàn VinGroup đã triển khai hoạt động M&A với các chuỗi bán lẻ nổi tiếng VinatexMart và OceanMart, Maximark and Fivimart; Tập đoàn BRG với Intimex and Hapro; SaigonCoop với chuỗi Auchan (Pháp)…
Thời gian tới, Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm sáng hấp dẫn M&A trong khu vực và chắc chắn ngành bán lẻ sẽ vẫn là một trong những ngành thu hút dòng vốn từ M&A nhiều nhất.
*PV: Xin cảm ơn bà!
Tố Uyên
Theo Thời báo Tài chính
Vietnam Report
Bình Luận (0)