Theo một nghiên cứu của tờ "Thời báo Tài chính" công bố hôm 18/6, kịch bản nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, có thể sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đây không phải là một nguy cơ lớn đe dọa đến triển vọng kinh tế khu vực, bởi thị trường Anh hiện chỉ chiếm khoảng 0,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả châu Á.
Nếu cử tri Anh lựa chọn Brexit trong ngày trưng cầu dân ý 23/6 tới, mức cầu trên thị trường đảo quốc này sẽ suy giảm đáng kể.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế như Việt Nam, Campuchia hay Hong Kong (Trung Quốc).
Bên cạnh đó, Brexit có thể khiến đồng bảng Anh xuống giá, dẫn đến những bất ổn trên thị trường tài chính - tiền tệ thế giới.
Trong đó, đồng ringgit của Malaysia và đồng rupiah của Indonesia sẽ chịu tác động nặng nề nhất, bởi thực tế cho thấy trong trường hợp xảy ra bất ổn, hai đồng tiền này dễ bị tổn thương hơn.
Vấn đề đặt ra hiện nay là các tập đoàn lớn của châu Á như Nissan, Toyota... sẽ phản ứng như thế nào đối với Brexit.
Trong một tuyên bố gần đây, hãng Toyota cho rằng việc nước Anh tiếp tục ở lại EU sẽ giúp họ mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh.
Tờ "Thời báo Tài chính" dẫn lời các nhà kinh tế của hãng nghiên cứu độc lập Capital Economics cho rằng, Brexit còn tác động gián tiếp đến châu Á khi châm ngòi cho nhiều vấn đề nảy sinh tại thị trường châu Âu.
Theo lập luận của phe ủng hộ Brexit, sau khi rời khỏi EU, nước Anh sẽ tự do đàm phán và ký kết thỏa thuận thương mại với các nền kinh tế phát triển năng động ở châu Á.
Tuy nhiên, họ khó có thể tiếp cận với thị trường chung và đầy tiềm năng ở châu Âu.
Mặc dù vậy, tờ "Thời báo Tài chính" cho rằng đà suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc và chu kỳ tăng lãi suất cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tác động đến châu Á nhiều hơn là Brexit.
Theo TTXVN
Vietnam Report
Bình Luận (0)