Các nhà khoa học DOJI góp mặt trên Tạp chí Journal of Mineralogy and Geochemistry

01/06/2017

Người tạo 1468

Chuyên mục:

Sau quá trình 10 năm nghiên cứu, công trình “Mineralogy and petrology of gneiss hosted corundum deposits from the Day Nui Con Voi metamorphic range, Ailao Shan-Red River shear zone, North Vietnam” của tập thể tác giả: Nguyễn Ngọc Khôi, Christoph A. Hauzenberger, Dương Anh Tuấn, Tobias Häger, Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Thùy Dương đã chính thức được công bố trên Tạp chí Journal of Mineraolgy and Geochemistry (số 193/2 (2016): 161-181) – một tạp chí có uy tín trên thế giới thuộc hệ thống ISI.

Trong công trình lần này, nhóm tác giả đã trình bày những kết quả nghiên cứu chuyên sâu lần đầu tiên ở Việt Nam về kiểu mỏ đá quý corindon (ruby, saphir) trong đá gneiss (gneiss – hosted deposits) khu vực Tân Hương – Trúc Lâu trong đới xiết trượt Ailao Shan - Red River dọc đứt gãy sâu Sông Hồng. Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tất các các mỏ đá quý ruby, saphir khu vực Tân Hương-Trúc Lâu (bờ phải Sông Chảy) đều thuộc kiểu mỏ corindon trong đá gneiss với các đặc điểm ngọc học, tinh thể – khoáng vật học và thạch học hoàn toàn khác các mỏ trong đá hoa (marble-hosted deposits) khu vực Lục Yên (bờ trái Sông Chảy). Chúng tuy đều hình thành dọc theo đới đứt gãy sâu Sông Hồng do tác động xô húc của mảng Ấn -  Úc vào mảng Âu -  Á từ cách đây khoảng 30 -  40 triệu năm cho đến tận ngày nay, nhưng lại trong các môi trường địa chất khác hẳn nhau.

Công trình nghiên cứu được nhóm tác giả thực hiện trong khoảng thời gian hơn 10 năm nay, đặc biệt là từ khi tác giả chính – ông Nguyễn Ngọc Khôi – Giám đốc Viện Ngọc học và Trang sức DOJI (DOJILAB) được đứng trong đội ngũ của Tập đoàn DOJI, cùng sự tham gia của ông Dương Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn DOJI. Các kết quả từng phần đã lần lượt được công bố trong các Hội nghị, Hội thảo quốc tế các năm 2010, 2011, 2012, 2013.

Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện công trình nghiên cứu, ông Nguyễn Ngọc Khôi cho biết: Khó khăn lớn nhất là các phân tích, thí nghiệm (như phân tích EPMA, ICPMS, phổ UV-VIS, phổ Raman,…) hầu hết đều phải thực hiện ở nước ngoài (CH Áo, CHLB Đức, Thái Lan) do phương tiện và trình độ phân tích thí nghiệm ở Việt Nam đều chưa đảm bảo được độ chính xác và tin cậy cần thiết. Mặt khác, kinh phí để thực hiện đề tài rất hạn chế, nhiều khi các tác giả còn phải bỏ tiền túi để tiến hành phân tích thí nghiệm. Việc khảo sát thực địa đa phần đều phải tiến hành ở những khu vực núi cao hẻo lánh như Hòa Cuông, Tân Đồng, Làng Chạp,… (khu vực Tân Hương – Trúc Lâu) hoặc Cổng Trời, Ngòi Lạnh, Liễu Đô,… (khu vực Lục Yên).

Tuy nhiên, Tập đoàn DOJI, đặc biệt là Chủ tịch -  Tổng Giám đốc Đỗ Minh Phú luôn tạo điều kiện tối ưu cho hoạt động nghiên cứu của DOJILAB -  một trong lĩnh vực hoạt động then chốt của Tập đoàn, góp phần đem ra thị trường những dòng sản phẩm có chất lượng tốt.

Ý nghĩa lớn của công trình này là đã xác lập được một kiểu mỏ corindon (ruby, saphir) mới không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới -  kiểu mỏ corindon trong đá gneiss. Khu vực nghiên cứu Tân Hương-Trúc Lâu có thể được coi là mô hình chuẩn cho kiểu mỏ này. Công trình này còn có ý nghĩa thực tiễn đáng kể, giúp cho việc nhận dạng và phân biệt các đá quý ruby, saphir, spinel cùng loại nhưng hình thành trong các bối cảnh địa chất-kiến tạo khác nhau: ở khu vực Tân Hương – Trúc Lâu là môi trường đá gneiss (canxi – silic – nhôm), còn ở khu vực Lục Yên là môi trường đá hoa (carbonat).

Có thể nói đây là một đóng góp đáng kể của các nhà khoa học DOJI vào sự phát triển của ngành Ngọc học Việt Nam, khẳng định uy tín và sức mạnh của Tập đoàn trên bản đồ đá quý thế giới.

Trước đó, nhóm tác giả đã có bài báo khoa học “Ruby and Sapphire from the Tan Huong – Truc Lau Area, Yen Bai Province, Northern Vietnam” được đăng trong Tạp chí Ngọc học hàng đầu thế giới Gems & Gemology năm 2011 (số 47 (3): 182-195).

Tập đoàn Doji

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *