Trách nhiệm xã hội - yếu tố cốt lõi của doanh nghiệp “Giữa lợi nhuận và sức khỏe nhân viên, chúng tôi chọn hy sinh lợi nhuận để giành sự tin yêu của người lao động". Đó là bài học được chia sẻ tại Diễn đàn Đa Phương 2020 vừa diễn ra với chủ đề “Ứng phó có trách nhiệm trong quản trị khủng hoảng: Chia sẻ kinh nghiệm từ Đại dịch Covid-19”.
Đại dịch Covid-19 đã và đang tạo ra một cuộc khủng hoảng y tế và nhanh chóng nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trên toàn cầu. Làm sao bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cũng như bảo vệ sinh kế của người lao động? Các doanh nghiệp đã và đang ứng phó với đại dịch như thế nào để giữ được giá trị cốt lõi “phát triển đồng thịnh vượng”?
Sinh kế và sinh mạng - hai vấn đề lớn thời đại dịch
Đó là hai vấn đề lớn cần phải giải quyết trong cuộc khủng hoảng kép do đại dịch Covid -19 đặt ra không chỉ ở Việt Nam mà trên cả toàn thế giới. Diễn Đàn Đa Phương 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Samsung Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa phối hợp tổ chức đã rút ra những bài học kinh nghiệm về cách ứng phó có trách nhiệm xã hội trước khủng hoảng. Tiến sỹ Lee Chang-Hee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam, trong một bài viết của mình đã nói: “Không có sự lựa chọn nào ở đây. Nếu chúng ta không cứu được sinh kế của người dân, cuối cùng chúng ta cũng sẽ thất bại trong việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe của họ trong cuộc chiến chống COVID-19, và ngược lại.”
Tại Diễn đàn này cùng các doanh nghiệp, đồng quan điểm với TS Lee Chang-Hee, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã nêu ý kiến rất rõ ràng: "Sinh mạng và sinh kế đều quan trọng. Nếu xét về phạm vi ảnh hưởng thì Covid-19 ở Việt Nam ảnh hưởng đến sinh mạng không nhiều bằng sinh kế. Trong cuộc chiến kinh tế, doanh nhiệp đang là chiến sĩ đi đầu. Đóng góp của họ cho thành công của Việt Nam không thua kém các bác sĩ và nhân viên y tế. Cả hai đều xứng đáng được tôn vinh".
Phải nói rằng, ngay từ khi dịch được phát hiện thì Chính phủ Việt Nam đã đặt ưu tiên hàng đầu là bảo vệ tính mạng và sức khỏe người dân, trong các thông điệp chỉ đạo của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh đến điều này. Không như một số quốc gia khác áp dụng lệnh phong tỏa toàn diện một cách đột ngột, Việt Nam đã hành động quyết liệt nhưng từ từ, mềm mỏng hơn với thông tin được cập nhật thường xuyên và minh bạch.
Tuy vậy, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trầm trọng đến sinh kế, đến các doanh nghiệp. Thị trường việc làm Việt Nam trong đại dịch chao đảo. Theo bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search thì trong tháng 4/2020 dịch bệnh đã khiến việc làm của chúng ta giảm mạnh xuống 50%, mảng đăng tuyển online cũng sút giảm tới hơn 20%. Nhiều báo cáo cũng đưa ra các con số cụ thể trong thời gian này có đến trên 31 triệu người lao động bị ảnh hưởng mất việc làm, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên… Người lao động trong các ngành nghề như du lịch, dệt may, hàng không, vận tải đường sắt, đường bộ, xuất khẩu thủy sản… bị mất việc làm rất nhiều khiến thu nhập của họ bị giảm sút.
Trong khủng hoảng kép, Con người là ưu tiên số một
Giữ gìn sinh mạng, đảm bảo sinh kế cũng chính là việc liên quan đến thực hành đạo đức thuộc trách nhiệm xã hội (CRS) của doanh nghiệp mà lâu nay chúng ta thường nói đến. CSR của doanh nghiệp thường được hiểu là sự cân bằng các hoạt động tạo ra lợi nhuận với các hoạt động có lợi cho xã hội. Nó liên quan đến việc phát triển các doanh nghiệp trong mối quan hệ tích cực với xã hội mà doanh nghiệp hoạt động. Câu chuyện ứng phó có trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã luôn là bài học được nhiều doanh nghiệp nhắc đến khi ứng phó với đại dịch. Coi con người là ưu tiên số một nên các doanh nghiệp đã nâng cao được sức chống chọi với đại dịch. Việc tổ chức đối thoại giữa người lao động với các nhãn hàng, các doanh nghiệp đã tạo ra một sự đồng thuận lớn hạn chế tác hại của đại dịch tới sinh kế. Đa số người lao động trong các doanh nghiệp có tinh thần CSR đều lập tức đồng ý chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, đồng ý cắt giảm lương, giãn cách giờ làm việc cùng doanh nghiệp ứng phó với đại dịch.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó chủ tịch hiệp hội dệt may Việt Nam rất tâm đắc với cách đặt vấn đề CSR để giải quyết các vấn đề xã hội như đại dịch. CSR chứng minh rằng khi một doanh nghiệp quan tâm đến các vấn đề xã hội thì kết quả là sẽ mang lại những tác động tích cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp đó, điều này sẽ thu hút những khách hàng tăng nền tảng giá trị, tăng tính bền vững cho doanh nghiệp. Đồng thời, ông Dương cũng nhấn mạnh, “Chúng tôi có quỹ dự phòng dành ra để xây nhà cho người lao động. Con đường phát triển có định hướng lâu dài sẽ giúp cho người lao động đỡ thiệt thòi trong mọi tình huống”.
Qua đại dịch, nhiều doanh nghiệp cũng đã mạnh dạn cải tổ cơ cấu tổ chức gọn gàng và đào tạo thêm các kỹ năng mềm cho người lao động giúp họ làm việc hiệu quả hơn, và nâng cao năng lực đối phó với khủng hoảng. Với Samsung cũng vậy, thách thức chưa từng có từ đại dịch COVID-19 đã làm nổi bật lên tầm quan trọng của một trong năm giá trị cốt lõi “phát triển đồng thịnh vượng” thông qua “ứng phó khủng hoảng có trách nhiệm xã hội”. Ông Park Huyn-Seung, Giám đốc An toàn -Sức khoẻ - Môi trường của tổ hợp Samsung Việt Nam khẳng định: "Trong cuộc khủng hoảng kép này, chắc chắn phải có sự hy sinh chứ không thể cùng lúc đạt được tất cả các mục tiêu. Giữa lợi nhuận và sức khỏe nhân viên. Chúng tôi chọn hy sinh lợi nhuận của doanh nghiệp để giành lấy sự tin yêu của người lao động".
Diễn đàn Đa Phương 2020 với chủ đề “Ứng phó có trách nhiệm trong quản trị khủng hoảng: Chia sẻ kinh nghiệm từ Đại dịch Covid-19” được phối hợp tổ chức bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Samsung Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Diễn đàn có sự tham dự của các đại biểu từ các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Bộ và các cơ quan ngang bộ, cùng gần 250 khách mời đến từ các tổ chức Phi chính phủ, các hiệp hội, các viện nghiên cứu, các chuyên gia, cán bộ công đoàn và doanh nghiệp tham gia trực tuyến.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Choi Joo Ho – Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam chia sẻ “Sáng kiến Diễn đàn đa phương thường niên của Samsung cùng các đối tác hy vọng sẽ là nơi để các bên liên quan cùng hợp tác, cùng tạo dựng. Chúng tôi hy vọng Diễn đàn đa phương 2020, cùng với các sáng kiến ứng phó với đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới trong thời gian qua và tới đây, sẽ góp phần truyền cảm hứng cho các bên liên quan, bao gồm cả chúng tôi, để trở nên ngày một gắn kết, mạnh mẽ, bền bỉ và sắc bén hơn đối với các khủng hoảng tương tự có thể xảy ra trong tương lai, nhấn mạnh tầm quan trọng của phối hợp hành động và ứng phó có trách nhiệm.”
Bình Luận (0)