Chủ động nắm bắt thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

27/08/2018

Người tạo 0

Chuyên mục:

Sản xuất là động lực cho sự tăng trưởng, phồn vinh và đổi mới của các quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia công nghiệp như Đức, Nhật Bản, Anh, Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ nhờ nắm bắt thời cơ để thúc đẩy sản xuất thông qua việc thực hiện công nghiệp hóa từ rất sớm. Trong hơn ba thập kỷ vừa qua, một số nền kinh tế mới công nghiệp hóa ở Đông Á đã học hỏi, đi theo con đường tương tự, nhờ vậy đã đạt được tăng trưởng ngoạn mục và phát triển từ chiến lược công nghiệp hóa dựa vào xuất khẩu.

Gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã bùng nổ và có những tác động sâu rộng đến nhiều quốc gia. Những công nghệ mới đã được nghiên cứu, ứng dụng như: công nghệ trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, dữ liệu lớn/phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật, in 3D, cảm biến, vật liệu mới... đã mở ra cơ hội để phát triển các phương thức sản xuất, phân phối và mô hình kinh doanh mới trên toàn cầu. Nền công nghiệp số hóa giúp tăng năng suất lao động, cải thiện hệ thống kết nối thông tin, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu thời gian xử lí, mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhà máy thông minh với các công nghệ đột phá, làm thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng và hiệu quả khác biệt vượt trội. Một số yếu tố đầu vào cho sản xuất có sự thay đổi mạnh mẽ như nguồn lao động giá rẻ có thể sẽ mất dần lợi thế trong công nghiệp do tự động hóa, robot hóa; đòi hỏi phải có chính sách đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với bối cảnh mới. Tài nguyên thiên nhiên từng bước được thay thế bởi vật liệu tổng hợp mới. Những tiến bộ lớn về công nghệ trong sản xuất năng lượng tái tạo (như năng lượng mặt trời, gió) đang nhanh chóng làm giảm giá thành và như vậy sẽ giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống.

Cần sớm chuẩn bị các điều kiện tham gia

Xét về thời cơ, CMCN 4.0 chắc chắn sẽ thay đổi căn bản hệ thống sản xuất. Ở giai đoạn đầu hiện nay tuy các tác động của cuộc cách mạng này có thể chưa bộc lộ hết để nhìn nhận, đánh giá đầy đủ nhưng đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nhiều quốc gia. Chính vì vậy, một số quốc gia đã sớm nghiên cứu, ban hành những chủ trương, chính sách để chủ động tham gia CMCN 4.0 phù hợp với nguồn lực và điều kiện phát triển của riêng mình với các hình thức, cách tiếp cận thích hợp. Trong đó, các quốc gia ở từng giai đoạn phát triển khác nhau có thể học hỏi từ cách tiếp cận toàn cầu để định hình cho tương lai của ngành sản xuất; quyết định lĩnh vực và chuỗi giá trị trong ngành sản xuất sẽ được ưu tiên dựa trên lợi thế so sánh để dẫn dắt tăng trưởng, thịnh vượng và đổi mới trong tương lai.

Việc sớm chuẩn bị các điều kiện để tham gia cuộc CMCN 4.0 sẽ giúp các quốc gia năng động, cạnh tranh, linh hoạt trong tương lai. Sự sẵn sàng cho thấy một quốc gia có năng lực sẽ chủ động những việc sau đây: tận dụng trước các cơ hội sản xuất; giảm nhẹ các rủi ro và thách thức; linh hoạt trong ứng phó với các cú sốc và những điều chưa biết trong tương lai. Để nâng cao tính sẵn sàng và chuẩn bị cho tương lai, các nhà lãnh đạo cần đánh giá năng lực hiện tại, nhận diện các năng lực mới cần có để hưởng lợi và thành công với hệ thống sản xuất mới, xây dựng các giải pháp phù hợp để tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi.

Nắm bắt thời cơ của CMCN 4.0 là đòi hỏi tất yếu. CMCN 4.0 với những diễn biến khó đoán định và nhanh chóng thay đổi mở ra cơ hội cho các nước đi sau vượt lên, tuy nhiên nếu chậm xây dựng năng lực thích ứng thì sẽ khó nhận diện và hiện thực hóa những cơ hội đó. Chúng ta cần xem xét các khuyến nghị mà Diễn đàn kinh tế thế giới đã đưa ra cho các quốc gia, các nền kinh tế nói chung và cho các quốc gia được xếp vào nhóm Sơ khai như Việt Nam, trong đó cần chú ý: Đẩy nhanh tốc độ cơ cấu lại nền kinh tế; Ban hành chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; Thúc đẩy thích nghi, áp dụng các công nghệ mới; Củng cố nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động để làm chủ các công nghệ mới đã được tiếp thu, áp dụng; Khuyến khích, tạo điều kiện để khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia việc chuyển đổi, áp dụng Công nghiệp 4.0; Tăng cường hợp tác đa phương, hợp tác với các quốc gia trong khu vực; Nâng cao, cải thiện cơ sở hạ tầng số...

Với cấu trúc của nền sản xuất còn thấp, Việt Nam trước mắt khó có thể cạnh tranh ở những công nghệ hàng đầu. Do vậy, cần tăng cường các yếu tố dẫn dắt sản xuất, trong đó đặc biệt chú trọng đến các yếu tố dẫn dắt liên quan đến công nghệ và đổi mới sáng tạo, vốn con người, thương mại và đầu tư toàn cầu, khuôn khổ thể chế và nguồn lực bền vững. Xây dựng nhân lực có trình độ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành chế tạo cả truyền thống và tiên tiến - một đòi hỏi tiên quyết cho cuộc công nghiệp hóa thành công ở Việt Nam. Ngoài ra việc thu hút công ty đa quốc gia đầu tư cơ sở sản xuất tại Việt Nam có thể sẽ góp phần đẩy nhanh phát triển thông qua chuyển giao tri thức, năng lực và công nghệ.

Những khuyến nghị

Theo khuyến nghị nêu tại Báo cáo ASEAN 4.0 và một số nghiên cứu quốc tế, Việt Nam cần có chiến lược tổng thể để chủ động tham gia CMCN 4.0, bao gồm cả ngành sản xuất, dịch vụ và nông nghiệp.

Trong bối cảnh nguồn lực của nước ta còn hạn chế, Việt Nam có thể tiến hành CMCN 4.0 theo từng giai đoạn. Giai đoạn tạo nền tảng số: tập trung đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng công nghệ thông tin kết nối số, hạ tầng công nghiệp số, nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, hạ tầng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hạ tầng thương mại giao dịch điện tử, ưu tiên đầu tư phát triển chính phủ điện tử. Giai đoạn hình thành lộ trình phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ ứng dụng Công nghệ 4.0 trên phạm vi toàn quốc, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp hiện đại và ngành dịch vụ ứng dụng công nghệ số; Giai đoạn đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực trong nền sản xuất tiên tiến, ưu tiên về trí tuệ nhân tạo, robot, internet vạn vật.

Để thành công trong tham gia CMCN 4.0, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan: các cơ quan tham mưu của Đảng, các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp. Qua trao đổi, thảo luận về định hướng, các giải pháp, ứng dụng hệ thống sản xuất thông minh, những công nghệ số hóa nhằm nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất sẽ tạo nên một hệ thống sản xuất thông minh hơn, tự ra quyết định trong các điều kiện sản xuất phức tạp nhằm tăng chất lượng và năng suất, đồng thời tiết kiệm nhân công và năng lượng, bảo vệ môi trường, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp.

Người Việt Nam tin tưởng hơn nữa vào khả năng của mình, sẵn sàng chấp nhận, đương đầu với những thách thức và chia sẻ rủi ro, cùng nhau làm tốt hơn, làm nhiều hơn và biết làm nhiều hơn để hấp thụ tối đa công nghệ hiện đại, chủ động nắm bắt thời cơ trong cuộc CMCN 4.0, tập trung cho mục tiêu phát triển công nghiệp mà Nghị quyết 23/NQ-TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị đã đề ra.

TS Lê Xuân Thành
Vụ trưởng Vụ Công nghiệp - Ban Kinh tế Trung ương

 

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *