Nhằm tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành tại khu vực miền Trung, phát huy thế mạnh du lịch của từng địa phương, tạo đà phục hồi du lịch trong và ngay sau dịch COVID - 19, Ủy ban nhân dân ba tỉnh, thành miền Trung đã thống nhất triển khai chương trình hành động liên kết phục hồi và phát triển du lịch, đồng thời phát động chương trình kích cầu du lịch 3 địa phương với chủ đề “Điểm đến Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam an toàn và mến khách”.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ:
Thông cáo báo chí
Chương trình hành động phục hồi, phát triển du lịch ba địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam
Thiết lập vùng tam giác phát triển du lịch ở miền Trung
Nằm ở vị trí trung tâm, sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa phong phú, lịch sử lâu đời cùng hệ thống di sản được UNESCO công nhận, miền Trung giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của cả nước nói chung và du lịch nói riêng. Theo đó, nơi đây là điểm đến du lịch nổi tiếng, hấp dẫn của Việt Nam thu hút trên 60% khách du lịch quốc tế và hàng triệu lượt khách nội địa đến tham quan mỗi năm.
Ðến nay, ba địa phương Thừa Thiên Huế - Ðà Nẵng - Quảng Nam đã có hơn 10 năm hợp tác trong lĩnh vực du lịch theo biên bản ký kết của ba Sở quản lý du lịch. Chính sự liên kết này đã giúp các địa phương có sự liên thông trong công tác quản lý, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch dịch vụ, bảo đảm an toàn cho du khách cũng như chia sẻ nguồn nhân lực, kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh du lịch.
Với vai trò là điểm kết nối du lịch quan trọng giữa các vùng, trong nhiều năm qua, ngành du lịch của khu vực miền Trung ước tính đóng góp gần 20% vào doanh thu du lịch của cả nước. Hơn 80% số du khách quốc tế đến Việt Nam ghé chân tại khu vực này. Theo số liệu thống kê của các Sở quản lý Du lịch, trong năm 2019, lượng khách nội địa đến Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam trong năm 2019 lần lượt là 2,63 triệu lượt – 5,16 triệu lượt - 3,12 triệu lượt. Lượng khách quốc tế lần lượt là 2,19 triệu lượt – 3,52 triệu lượt – 4,66 triệu lượt khách. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, trước sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu, lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng đều bị ảnh hưởng rất nặng nề. Vào cuối tháng 4 vừa qua, nhờ sự quyết liệt của Chính phủ và sự đồng lòng của toàn dân, Việt Nam cơ bản đã khống chế được dịch bệnh. Người dân và doanh nghiệp đang chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, và việc phục hồi tinh tế nói chung và du lịch nói riêng của Việt Nam, đi đôi với công tác phòng chống dịch, là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.
Với truyền thống liên kết lâu nay cùng với sự năng động của mình, ba tỉnh thành đã có những bước đi nhanh chóng, chủ động liên kết nhằm tạo động lực thúc đẩy du lịch nội vùng và du lịch Việt Nam hồi phục. Đây cũng là tiền đề để tạo tính kết nối, lan tỏa đến các địa phương khác cùng chung tay xây dựng, phát triển du lịch Việt Nam.
Tiềm năng du lịch Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam
Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam là 3 địa phương nằm trên con đường di sản có rất nhiều tiềm năng về du lịch. Trên chiều dài chưa đầy 300km, cả 3 địa phương sở hữu những bãi biển đẹp vào loại nhất nhì thế giới; các di sản văn hóa thế giới có thể kể đến như: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn; những khu sinh thái sinh quyển, rừng quốc gia phong phú và đa dạng về chủng loại động thực vật…Phát huy các thế mạnh của mình, 3 tỉnh, thành cũng đã tạo ra những sản phẩm du lịch làng nghề đa dạng và phong phú mang bản sắc đặc trưng của địa phương như: các làng nghề thủ công truyền thống: tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, dệt Zèng A lưới (Thừa Thiên Huế), đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng), dệt thổ cẩm của người Cơ Tu (Quảng Nam)…. Đồng thời, cũng giúp doanh nghiệp lữ hành dễ dàng xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt dựa trên lợi thế của mỗi địa phương.
Là nơi có nhiều di sản, thắng cảnh đẹp, tỉnh Thừa Thiên - Huế từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, một địa phương duy nhất ở Việt Nam có đến 5 loại hình di sản được UNESCO công nhận. Với bề dày lịch sử và các kiến trúc độc đáo, Huế ngày nay vẫn giữ nguyên những giá trị văn hóa đặc sắc mà không đâu có được. Đến Huế, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nên thơ của dòng sông Hương bên núi Ngự và cầu Trường Tiền, hay đến thăm Quần thể di tích Cố đô Huế là nơi lưu giữ những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, Cố đô Huế còn bảo lưu khá điển hình diện mạo một kinh đô của triều đại xưa – nơi các công trình kiến trúc hoà điệu với thiên nhiên tạo nên những tiết tấu độc đáo với những lễ hội, Âm nhạc cung đình, Ca Huế, ẩm thực truyền thống được bảo tồn phong phú đa dạng.
Được thiên nhiên ưu ái ban tặng đường bờ biển dài tuyệt đẹp, những bãi cát trắng mịn & không khí trong lành, thành phố Đà Nẵng bên bờ sông Hàn mang những nét quyến rũ độc đáo chưa từng thấy ở các đô thị biển khác. Đà Nẵng từ lâu được bình chọn là một trong những thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Với tiềm năng du lịch lớn, du khách khi đến đây không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên bên bãi biển Mỹ Khê nổi tiếng xinh đẹp với bờ cát dài 90 km, khu dự trữ sinh thái Bà Nà Hill mát lạnh quanh năm hay bán đảo Sơn Trà với những điểm dừng chân ngắm cảnh quan tuyệt đẹp. Những tiềm năng vốn có này đã hòa quyện với hình ảnh thành phố trẻ trung, năng động tạo nên một Đà Nẵng hấp dẫn và thu hút du khách trong nước cũng như quốc tế.
Quảng Nam – vùng đất địa linh nhân kiệt với bề dày truyền thống, là sự đúc kết và phát triển liên tục của dòng chảy lịch sử, mang đậm các giá trị văn hoá. Những năm trở lại đây, Quảng Nam đã và đang phát huy mạnh mẽ vai trò là cầu nối, tôn tạo và phát triển các di sản văn hóa thế giới. Năm 1999, Phố cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, và đến năm 2010, Cù Lao Chàm - Hội An được UNESCO công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Có lẽ điều làm nên sự độc đáo, mang đậm giá trị văn hóa – lịch sử đó là các di tích được lưu giữ và tôn tạo qua hàng nghìn năm. Với sự đầu tư bài bản, du lịch Quảng Nam sẽ ngày càng khẳng định vị thế là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thu hút đông đảo du khách trong nước và thế giới.
Đáng chú ý, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa du lịch lớn, trong đó có những sự kiện mang tầm quốc tế với hình thức, nội dung thể hiện sâu sắc nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch địa phương. Nhờ đó, ngành du lịch khu vực miền Trung đã khởi sắc đáng kể với những hoạt động văn hóa đặc sắc và “chỉ riêng nơi này có được” hấp dẫn khách du lịch như: Festival Huế, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival di sản Quảng Nam…
Với sự quyết tâm của chính quyền ba tỉnh, thành phố, sự thân thiện, mến khách của người dân địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp, ba địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng – Đà Nẵng luôn là điểm đến hấp dẫn và an toàn hàng đầu hiện nay.
Lễ ký kết và công bố chương trình liên kết kích cầu du lịch ba địa phương
Chiều ngày 30/5/2020 tại trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra Lễ ký kết và công bố chương trình liên kết hành động phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới, đồng thời phát động chương trình kích cầu du lịch ba địa phương. Mục tiêu nhằm hướng đến tăng cường hợp tác giữa chính quyền của 3 tỉnh, thành trong vai trò chỉ đạo, kết nối các Hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch lữ hành, liên kết với các đối tác du lịch tầm cỡ và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến, đầu tư, quảng bá điểm đến; các chương trình kích cầu với mức ưu đãi tốt được triển khai rộng khắp, nhưng đồng thời cũng đảm bảo các tiêu chí an toàn ở mức cao nhất, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của cả khu vực.
Thông điệp chung của liên kết ba địa phương: “Điểm đến Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam an toàn và mến khách”.
Với nội dung cam kết triển khai:
- Ba địa phương đảm bảo các điều kiện an toàn cho du khách trong hoạt động du lịch tại điểm đến;
- Thực hiện các chính sách ưu đãi dành cho cộng đồng du khách và các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch;
- Hỗ trợ xây dựng thêm các sản phẩm du lịch mới, các gói dịch vụ liên kết giữa ba địa phương;
- Cùng triển khai công tác truyền thông quảng bá du lịch điểm đến chung
Phát triển ngành du lịch bền vững, đạt chất lượng cao và chuyên nghiệp là mục tiêu mà ba địa phương quyết tâm đạt được trong giai đoạn tới. Hy vọng rằng, với những nỗ lực chung của Chính phủ, và các cấp ban ngành địa phương, sự phối hợp đồng bộ của các doanh nghiệp, trong những năm tiếp theo, ngành du lịch miền Trung sẽ liên kết ngày càng chặt chẽ, và hiệu quả hơn.
Là lá cờ đầu của ngành du lịch Việt Nam, Công ty du lịch Vietravel đã nhanh chóng điều chính kế hoạch kinh doanh và linh hoạt đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo tối đa sự an toàn của du khách khi đi tour. Bằng lễ ra mắt bộ SP du lịch an toàn vào ngày 13/5/2020, Vietravel một lần nữa khẳng định sứ mệnh và trách nhiệm của mình đối với khách hàng cũng như hệ thống đối tác cung ứng dịch vụ. Trong giai đoạn thiết lập trạng thái bình thường mới, Vietravel đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy các hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến theo 4 vùng trọng điểm. Trong đó, khu vực miền Bắc có Hà Nội - Ninh Bình - Quảng Ninh; miền Trung có Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Nha Trang - Đắk Lak - Phú Yên; miền Nam có TP.HCM – Vũng Tàu - ĐBSCL. |
Vietravel
Bình Luận (0)