Chúng tôi dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2018 có thể đạt mức 6,5% cùng với sự ổn định về kinh tế vĩ mô.
Việt Nam đã trải qua năm 2017 với những diễn biến kinh tế kịch tính với nhiều dấu ấn tích cực. Bước vào năm mới 2018, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Sebastian Eckardt đã chia sẻ góc nhìn về tổng quan kinh tế toàn cầu và Việt Nam năm 2017, cũng như những dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2018.
Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ông Sebastian Eckardt.
Phóng viên (PV): Theo ông, đâu là những xu hướng chính trong bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2017?
Ông Sebastian Eckardt: Trong năm 2017, kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi chứng kiến sự phát triển mạnh. Thương mại phục hồi, các điều kiện về tài chính vẫn rất thuận lợi, giá cả hàng hóa tăng lên dù ở tốc độ vừa phải. Tăng trưởng GDP toàn cầu ước đạt mức 3% trong năm 2017. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhìn chung có những tín hiệu thuận lợi, thì khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tiếp tục tăng trưởng tốt, với mức tăng trưởng GDP ở khu vực này dự kiến đạt 6,4% trong năm 2017. Động lực tăng trưởng kinh tế tại khu vực năng động này là nhu cầu nội địa được duy trì vững và hoạt động xuất khẩu gia tăng, một trong những kết quả tích cực từ việc nhu cầu toàn cầu tăng lên.
Ông đánh giá như thế nào về nền kinh tế Việt Nam trong năm qua?
Bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm qua có nhiều gam màu sáng, với sự tăng trưởng tốt và kinh tế vĩ mô ổn định. Chúng ta có thể kỳ vọng vào mức tăng trưởng đạt 6,7% trong năm 2017. Nhu cầu trong nước cao hơn, sản xuất theo hướng xuất khẩu phát triển tốt và sự phục hồi dần dần của ngành nông nghiệp là “chìa khóa” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tỷ lệ lạm phát thấp cùng mức lương tăng đã giúp thúc đẩy nhu cầu hàng hóa trong nước cũng như tiêu thụ cá nhân, trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng tốt lại góp phần tạo đà phát triển cho ngành sản xuất theo hướng xuất khẩu và ngành nông nghiệp của Việt Nam.
Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục là một “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế tổng thể. Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nhìn vào bức tranh kinh tế của Việt Nam năm vừa qua, có thể thấy nhiều điểm nhấn tích cực, như tăng trưởng kinh tế tốt cùng với sự ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát ở mức một con số, tỷ giá hối đoái tương đối ổn định và vị thế tài chính được cải thiện.
Ngoài ra, khoảng 1,6 triệu việc làm mới được tạo ra trong lĩnh vực sản xuất trong vòng ba năm qua. Khoảng 700 nghìn việc làm được bổ sung trong các ngành xây dựng, bán lẻ và khách sạn. Nhu cầu về nhân lực đã dẫn đến lương tăng, với mức lương trung bình tăng khoảng 8% trong năm 2017.
Tuy nhiên, bên cạnh những “điểm sáng”, vẫn còn những nguy cơ tiềm ẩn. Dù có một số tín hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang có sự phục hồi tốt, thì hiệu suất tăng trưởng vẫn còn thấp do nguồn nhân lực và đầu tư còn yếu, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế trong trung hạn của Việt Nam. Đặc biệt, về mức độ tăng trưởng, khu vực doanh nghiệp nội địa đang tụt lại phía sau khu vực doanh nghiệp FDI; các mối liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI tương đối lỏng lẻo. Rủi ro về tài chính vẫn hiển thị rõ rệt, nhất là về mặt hiệu quả và tốc độ củng cố hệ thống tài chính. Điều này có thể làm suy yếu hoạt động đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, vốn rất cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Dù đã ghi nhận những tiến bộ, trong đó đáng chú ý là sự thông qua Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, thì trong ngành ngân hàng vẫn còn tồn tại những điểm yếu với một lượng lớn nợ xấu ngân hàng vẫn chưa được giải quyết. Những điểm yếu này đòi hỏi cần phải có hành động xử lý liên tục và kịp thời.
Xin ông đưa ra một vài dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2018? Theo ông, Việt Nam cần làm gì để tận dụng tốt các cơ hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm tới?
Ông Sebastian Eckardt: Nhìn chung, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được đánh giá là rất thuận lợi, nhất là nếu sự phục hồi kinh tế toàn cầu được duy trì như hiện nay và tiến trình cải cách trong nước tiếp tục được thực hiện. Chúng tôi dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2018 có thể đạt mức 6,5% cùng với sự ổn định về kinh tế vĩ mô. Môi trường thuận lợi này tạo cơ hội thúc đẩy và làm sâu sắc hơn các chính sách kinh tế táo bạo, giúp tăng khả năng phục hồi kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng trong tương lai.
Sự phục hồi kinh tế vĩ mô của Việt Nam được kỳ vọng sẽ được củng cố mạnh mẽ hơn nhờ sự điều chỉnh linh hoạt tỷ giá hối đoái, sự tích trữ nhiều hơn nữa dự trữ ngoại hối, sự cải thiện về củng cố tài chính; các chính sách tiền tệ và vĩ mô đáp ứng và điều tiết tốt mức độ tăng trưởng tín dụng, cũng như giúp tăng cường nguồn vốn trong khu vực ngân hàng. Trong lĩnh vực tài chính, vẫn cần có những cải cách sâu hơn nữa về doanh thu và chi tiêu, như là tăng cường quản lý thuế, quản lý công được điều chỉnh ở mức độ phù hợp hơn...
Các bước đi nhằm củng cố sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam thời gian tới cần được thực hiện song song với cải cách cơ cấu, từ đó giúp nâng cao tiềm năng tăng trưởng kinh tế cũng như năng suất lao động. Cải cách cơ cấu bao gồm cải cách khu vực doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, cải thiện môi trường pháp lý, cải thiện các yếu tố về thị trường như đất đai, nguồn vốn…
Xin cảm ơn ông!
Minh Minh
Tạp chí Công thương
Vietnam Report
Bình Luận (0)