Cơ chế chính là tạo động lực mới

10/06/2016

Người tạo 0

Chuyên mục:

Sau mấy chục năm chiến tranh, năm 1975 đất nước thống nhất, người dân Nam - Bắc cùng bước vào một cuộc sống mới và làm sao để thích nghi được với trạng thái mới ấy là điều không dễ dàng. Quán tính trong tư duy, từ nhận thức, giá trị xã hội, cho đến phương thức quản lý kinh tế của mỗi con người trước kia sống trong hai thể chế xã hội khác nhau đã nảy sinh ở cả trong xã hội lẫn trong lòng người một cuộc chiến mới vô hình.

Đổi mới và sự “xé rào” cơ chế

Giai đoạn mười năm gian khổ ấy khiến cho mọi người từng bước nhận ra một sự thực rằng chúng ta không thể cứ sống với trạng thái đang sống, cần phải “phá rào” để thoát khỏi trạng thái cùng quẫn. Một từ ngữ mới hàm chứa một tư duy tích cực được ra đời, chính là “Đổi mới”, cùng với đó là một trào lưu mới, động lực mới, phương thức quản lý vận hành nền kinh tế mới. Chúng ta chấp nhận trở lại cơ chế kinh tế thị trường và với cơ chế này, nước ta có điều kiện tái hội nhập với cộng đồng kinh tế thế giới. Đổi mới đã trở thành động lực cho sự ra đời của mọi lực lượng sáng tạo và các chính sách mới, luật lệ mới...

Còn có một từ cũ nhưng được giao phó cho một nội dung rộng hơn, mới hơn, đó là từ “cơ chế”. Có thể ví cơ chế như một chiếc đũa thần kỳ, kiểu “nếu cho tôi một cơ chế, tôi sẽ tạo ra nguồn vốn (sáng tạo, kỳ tích...)”. Từ đó, “xin” cơ chế trở thành yếu tố không thể thiếu cho một kế hoạch phát triển mới và “cho” cơ chế trở thành một giải pháp ít tốn ngân sách nhất để hỗ trợ cho sự phát triển trong xã hội. Rồi một địa phương, ngành, hay đơn vị kinh tế nào đó gặp khó khăn, thất bại, đều có thể đổ cho cơ chế. Chúng ta đã có một từ ngữ đủ bao quát mọi sự thành bại, cho mọi người, từ đứa trẻ mẫu giáo đến những người đứng đầu một tổ chức. Thành đạt, đó là do có cơ chế mới; thất bại - do cơ chế cũ (lạc hậu, bất cập). Vai trò của cá nhân hình như đã... biến mất. Thế thì cơ chế là gì?

Lỗ Tấn, một tác gia nổi tiếng Trung Quốc từng nói: “Vốn dĩ trên thế giới này làm gì có đường, người ta đi mãi rồi cũng thành đường thôi”. Cơ chế chính là “đường”, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cơ chế do con người làm ra, có thể bắt đầu từ một người đề xuất và nhiều người hưởng ứng, đến nhiều người cùng xây dựng, rồi cho mọi người sử dụng. Nếu sử dụng hiệu quả, đường sẽ được mở rộng và nâng cấp. Nhưng có ai đó tìm thấy một con đường mới, thẳng hơn, an toàn hơn, ít quanh co, gập ghềnh, thì người ta có thể mở ra con đường mới (bỏ đi con đường cũ), đó là một lựa chọn tiến bộ, tạo ra lợi ích cho mọi người. Cơ chế cũng vậy. Chúng ta từng tạo nên cơ chế bao cấp trong thời chiến, sau đó mới thấy nó lạc hậu, kiềm chế sự phát triển của đất nước, nên mới có công cuộc đổi mới vừa qua.

Cơ chế mà nước ta thực hiện trong 30 năm qua cũng như con đường, được đa số người dân chấp nhận, do đó đã được mở rộng và nâng cấp nhiều lần, mới có được một trạng thái kinh tế - xã hội như hôm nay. Thế nhưng, cơ chế ấy cũng đang quá tải so với yêu cầu phát triển của đất nước. Có những khúc quanh không cần thiết mà nếu được chỉnh lại, đường đi sẽ ngắn hơn. Con đường ấy cũng trở nên nhỏ hẹp so với yêu cầu của sự phát triển, có nhiều “ổ gà” vì thiếu bảo trì. Nhiều đoạn đường còn bị ai đó lấn chiếm vỉa hè, lấn chiếm hành lang an toàn. Cơ chế ấy để cho một số người quyền thế có thể sống dọc tuyến, chiếm vị trí ưu thế bên đường để trục lợi cá nhân, làm cản trở giao thông. Chưa kể một số “chủ trang trại” cho súc vật chạy rông trên đường tìm cỏ... Cũng có những nơi có cây, đá đổ chắn ngang (do mưa bão) cản đường nhưng chưa ai đến dọn dẹp. Thực trạng tuyến đường của chúng ta, cơ chế của nước ta đang là như vậy, nên ai cũng có thể than phiền về sự bất cập của tuyến đường ấy đối với sự thành bại của mình. Nhưng ai sẽ là người xử lý những bất cập đó, để cơ chế của chúng ta ngày càng hoàn hảo, phù hợp với sự phát triển của đất nước?

Cũng không dễ để nhận dạng ra những bất cập, khó khăn, chướng ngại cụ thể, vì yêu cầu thay đổi của một nhóm người này nhằm tạo thuận lợi cho họ lại có thể gây thêm chướng ngại cho một nhóm người khác. Sự thay đổi nào cũng đều phải trả giá, do đó bài toán thay đổi, phát triển luôn cần phải cân nhắc về chi phí xã hội mà mọi người phải gánh trong tương lai. Hậu quả chiến tranh để lại chính là một giá phí xã hội, làm cho nước ta tụt hậu so với những nước chung quanh, đó là một bài học kinh điển xương máu.

Hệ thống quản lý hành chính của nước ta hiện nay là một hệ thống vừa lãng phí sức người sức của, vừa thiếu hiệu năng, được người dân gọi vui “hành là chính”. Nếu mọi người, đặc biệt là các cơ quan chính quyền, các tổ chức kinh tế - xã hội, muốn tích cực tham gia cải cách cơ chế hiện hành trên tinh thần trách nhiệm cao nhất, lấy lợi ích của dân làm thước đo, thì trước tiên cần xem lại ngay từ trong tổ chức của mình, vai trò của đơn vị và cá nhân mình. Xem xét sự tồn tại của mình có phải là chướng ngại của sự cải cách, có phải đang hành dân hay không. Những yêu cầu thay đổi cho thuận tiện công việc của mình có làm tăng khó khăn của xã hội, của người khác hay không. Với cương vị của mình, nếu có đủ điều kiện và khả năng để thay đổi thì hãy làm ngay, để thể hiện tinh thần trách nhiệm của một công chức đối với nhân dân.

Thay đổi cơ chế, cứ đi rồi sẽ thành đường

Trong thời kỳ đổi mới trước đây, những lãnh đạo của TPHCM đã rất khổ sở vì cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp. Không phải khổ vì không tạo được thành tích trong cải tạo công thương nghiệp, không xây dựng được nông trường lớn hay hợp tác xã điển hình theo yêu cầu của cấp trên, mà trăn trở với vấn đề vì sao dân thành phố này thiếu gạo ăn, các nhà máy, xí nghiệp không có nguyên liệu để sản xuất, công nhân không có việc làm... Và thế là, họ đã “xé rào”, mở ra một con đường mới. Nghĩa là các vị lãnh đạo ấy đã xem cơ chế là công cụ để phục vụ nhân dân, thấy cơ chế không còn phù hợp thì lập tức tìm cách thay đổi. Tình trạng dân đói như lửa cháy ngang chân mày, họ không còn thời gian để xin ý kiến rồi chờ chỉ đạo từ cấp trên, chờ cơ chế mới. Họ cố gắng thoát ra khỏi những ràng buộc, tạo ra một con đường sống cho dân. Kết quả, không chỉ những khó khăn của TPHCM được giải quyết, mà sự “xé rào” ấy của họ còn góp phần giải quyết khó khăn của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông Nam bộ, dần dần những giải pháp tháo gỡ khó khăn này lan rộng ra khắp nước. 

Kết quả thực tiễn của thời kỳ này đã góp phần to lớn cho sự nghiệp đổi mới trên cả nước. Rõ ràng, khi lãnh đạo là người có tâm, có tầm, nhận trách nhiệm cao nhất với dân, sẽ không bị các cơ chế lạc hậu ràng buộc. Họ là những người mở đường. Và chúng ta cần người lãnh đạo, người dẫn đường để vươn lên trong mọi hoàn cảnh khó khăn như thế, chứ không cần những người chỉ biết than thở vì sự ràng buộc của cơ chế - dù họ cũng là người đã tham gia tạo ra cơ chế đó.

Trong thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới của đất nước, TPHCM đã thật sự đi đầu. Sự đóng góp của TPHCM trong việc hình thành ra cơ chế quản lý kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới thông qua những cơ sở vật chất rất cụ thể, như nối lại mối quan hệ hữu cơ giữa vùng nông nghiệp ĐBSCL với thành phố công nghiệp là TPHCM, từ đó giải được cả hai bài toán tìm thị trường cho nông sản phẩm của ĐBSCL và tìm thị trường cho công nghệ phẩm của TPHCM. Nhờ thế, thị trường thương mại, dịch vụ được phục hồi, người dân có công ăn việc làm. Tiếp theo, hệ thống ngân hàng tư doanh được thành lập, doanh nghiệp tư nhân được phục hồi, Luật Doanh nghiệp được ban hành. Khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời cũng là lúc các khu chế xuất, khu công nghiệp của TPHCM nối tiếp nhau được thành lập, rồi mô hình đó được nhân rộng khắp cả nước. Rồi khu kỹ thuật cao cũng đã thành công tại TPHCM. Tiếp đến là các khu đô thị mới với tầm vóc hiện đại như khu đô thị Phú Mỹ Hưng với tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt... trở thành hình mẫu của cả nước.

TPHCM đã trở thành nơi có nhiều ý tưởng sáng tạo nhất trong công cuộc đổi mới và cũng là nơi tạo dựng ra môi trường thuận lợi cho người dân ở mọi miền đất nước đến đây lập nghiệp. Số người từ thành phố này xây dựng nên các doanh nghiệp mang tầm quốc gia trong 30 năm qua là nhiều nhất nước. Những doanh nhân lớn của cả nước dù lập nghiệp từ đâu đều có cơ ngơi tại TPHCM. Sự tập trung cao độ về nguồn nhân lực chính là thế mạnh lớn nhất. Không có sự tham gia của lực lượng trí tuệ này, rất khó để TPHCM trở thành đầu tàu sáng tạo cho cả nước.

Có thể nói, để tiếp tục sự nghiệp đổi mới đất nước, việc đánh giá, nhận định một cái cũ có nhiều bất cập, tiêu cực... là cần thiết nhưng điều quan trọng hơn là cần mở ra những hướng phát triển mới, tạo ra những động lực mới. Với tầm nhìn chiến lược mới, thành phố chúng ta sẽ tạo cơ hội cho một lớp người mới vươn lên. Những thành tựu mới sẽ chỉnh sửa lại những tư duy lạc hậu và là con đường ngắn nhất, là chìa khóa mở - vận hành thêm một cỗ máy mới, một cơ hội cho giới trẻ sáng tạo và lập nghiệp. Đây chính là động lực mới cho sự phát triển TPHCM trong tương lai.

Phan Chánh Dưỡng

 Giảng viên thực tiễn lĩnh vực quản lý -Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *