Cơ hội để doanh nghiệp cải thiện hiệu quả kinh doanh

20/10/2017

Người tạo 0

Chuyên mục:

Trong 9 tháng đầu năm 2017, công nghiệp và dịch vụ là hai ngành có hoạt động kinh doanh khá sôi động. Những biến động thị trường và xu hướng Cách mạng công nghệ 4.0 cũng đặt ra nhiều cơ hội lẫn thách thức cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Nền kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn quý cuối cùng của năm 2017 cùng nhiều biến chuyển đang diễn ra trong và ngoài nước như cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ, đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng… Nhân dịp này, Vietnam Report trao đổi thêm với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và PGS. TS. Lê Xuân Trường – Nguyên Phó Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính.

Công nghiệp và dịch vụ đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm

Nhìn chung, trong ba quý đầu năm 2017, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp khá khả quan. Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê thì “Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2017 ước tính tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28% và ước tính quý III tăng 7,46%. Mức tăng trưởng của 9 tháng năm nay cao hơn mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016”. GDP tăng trưởng khá là một trong những chỉ số phản ánh rõ nhất bức tranh kinh tế tổng thể.

PGS. TS. Lê Xuân Trường bổ sung: “Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong mức tăng 6,41% của toàn nền kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%, đóng góp 2,45 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,25%, đóng góp 2,80 điểm phần trăm. Như vậy, có thể thấy công nghiệp và dịch vụ là hai lĩnh vực đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm”. Điều này gián tiếp phản ánh rằng các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ có hoạt động kinh doanh sôi động hơn. 

 Đóng góp của các khu vực vào tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2017.

Bảng 1. Đóng góp của các khu vực vào tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2017.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

“Tuy nhiên,” – ông Lê Xuân Trường nói – “trong bức tranh tổng thể tươi sáng ấy, vẫn có một tỷ lệ nhất định doanh nghiệp kinh doanh rất không tốt. Số doanh nghiệp phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động cho thấy rõ điều này”. Cụ thể, Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng năm 2017 là 8.736 doanh nghiệp, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 8.022 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,8%. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng là 49.345 doanh nghiệp, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 18.499 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 13,5% và 30.846 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 7,1%.

Giá đầu vào lên cao là nguyên nhân chính gây khó khăn cho các doanh nghiệp

Lý giải về một trong những nguyên nhân nhiều doanh nghiệp rút ra khỏi thị trường, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết: “Cơ bản nhất là giá đầu vào vẫn lên quá cao, cụ thể ở các khía cạnh như chi phí tuân thủ luật pháp, chính sách, điều kiện kinh doanh, môi trường kinh doanh, thuế… thay đổi liên tục, nhiều thay đổi theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp; các chi phí đầu vào khác thì phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu từ bên ngoài”.

Theo chuyên gia, nhìn chung, nền sản xuất nội địa không cung ứng được những đầu vào cơ bản, kể cả sản phẩm trung gian, nên các doanh nghiệp Việt vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu từ bên ngoài, mà trị giá nguồn nhập khẩu này lại không giảm. Trong khi đó, giá trị đầu ra không tăng lên tương ứng, cạnh tranh trên thị trường thì quyết liệt khi xuất hiện thêm nhiều sản phẩm ngoại và Việt Nam đang trở thành nước nhập siêu nặng, không chỉ từ Trung Quốc mà còn cả các nước ASEAN hay Hàn Quốc. Kết quả tất yếu là các doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận nặng nề, thậm chí nhiều doanh nghiệp không còn lợi nhuận nữa nên phải rút ra khỏi thị trường.

Tăng thuế giá trị gia tăng: Có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh?

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp thể hiện sự lo lắng trước đề xuất của Bộ Tài chính về việc tăng thuế giá trị gia tăng lên 12% đối với đa số hàng hóa trong thời gian tới. Chính sách thuế vẫn luôn có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dù nhiều hay ít.

Theo quan điểm của PGS. TS. Lê Xuân Trường, mặc dù thuế giá trị gia tăng là thuế tiêu dùng song trên thực tế, tác động kinh tế của thuế đối với người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng phụ thuộc vào độ co giãn cung - cầu hàng hóa, dịch vụ. Cụ thể, đối với những hàng hóa, dịch vụ mà độ co giãn thấp (chẳng hạn như các hàng hóa, dịch vụ rất thiết yếu) thì người tiêu dùng sẽ chịu phần lớn gánh nặng thuế. Đối với những loại hàng hóa, dịch vụ mà độ co giãn cao thì người sản xuất, kinh doanh sẽ phải chịu phần lớn gánh nặng thuế. Như vậy, xét riêng về tác động của thuế giá trị gia tăng đến lợi nhuận của doanh nghiệp, trong điều kiện các yếu tố khác không đổi thì tùy theo lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp mà lợi nhuận của doanh nghiệp có thể bị giảm ở mức độ khác nhau.

“Tuy nhiên, với mức độ tăng thuế suất chỉ 2% đối với hầu hết hàng hóa, dịch vụ thì mức độ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp không quá lớn. Các yếu tố về giá của hàng hóa, dịch vụ còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như thị hiếu, tâm lý… Ngoài ra, dự thảo lần này còn đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 20% xuống 17%. Xét một cách tổng thể việc tăng thuế giá trị gia tăng đã được bù đắp bởi giảm các thuế khác nên không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp” – ông Lê Xuân Trường cho hay.

Đặt trong bối cảnh xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa khắp toàn thế giới, các doanh nghiệp trên thị trường Việt Nam vẫn phải tranh thủ cơ hội và Nhà nước cần sẵn sàng hành động để đưa nền kinh tế đất nước phát triển. Xác định rõ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào trước những biến động từ thị trường, dự báo hành vi của người tiêu dùng, đầu tư thích đáng cho nghiên cứu và phát triển, nghiên cứu áp dụng những chiến lược kinh doanh hiện đại (như Chiến lược đại dương xanh)… phối hợp cùng tổ chức thực hiện tốt những nghị quyết được nêu ra trong Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng khóa XII sẽ tạo ra những lợi thế kinh doanh thiết thực cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế đang cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *