Ngày 28/12/2018, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet đã công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Vận tải và Logistics năm 2018.
Top 10 Công ty uy tín ngành Vận tải và Logistics được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất (tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng vốn); (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát các chuyên gia trong ngành và Khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 12/2018 về quy mô vốn, thị trường, lao động, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm 2019…
Lễ công bố chính thức Top 10 Công ty uy tín ngành Vận tải và Logistics năm 2018 dự kiến tổ chức vào ngày 16/01/2019 tại Khách sạn Rex, TP. Hồ Chí Minh.
Danh sách Top 10 Công ty uy tín ngành Vận tải và Logistics năm 2018 - Nhóm Vận tải
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty uy tín ngành Vận tải và Logistics năm 2018, tháng 12/2018
Danh sách Top 10 Công ty uy tín ngành Vận tải và Logistics năm 2018 - Nhóm Giao nhận và Kho bãi
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty uy tín ngành Vận tải và Logistics năm 2018, tháng 12/2018
Ngành vận tải và logistics Việt Nam: Vị thế và tiềm năng tăng trưởng
Hoạt động vận tải và logistics Việt Nam đang trên đà phát triển cùng với sự gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Theo công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang xếp ở vị trí 39 với điểm số LPI (Logistics performance index - chỉ số năng lực quốc gia về Logistics) được cải thiện đáng kể: 3.27, xếp thứ 3 trong khối ASEAN (sau Singapore vị trí 7 và Thái Lan vị trí 32) bảng xếp hạng hoạt động Logistics 2018, được đánh giá là có hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn hẳn các thị trường có mức thu nhập tương đương.
Hình 1: Việt Nam là một trong những thị trường có hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn hẳn các thị trường có mức thu nhập tương đương
Nguồn: Ngân hàng Thế giới World Bank
Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế để phát triển ngành vận tải và logistics: (1) Trao đổi thương mại toàn cầu gia tăng cùng với việc hội nhập kinh tế quốc tế và việc ký kết thành công các Hiệp định tự do thương mại; (2) Vị trí địa lý thích hợp để xây dựng các trung tâm trung chuyển của khu vực Đông Nam Á; (3) Cơ sở hạ tầng: kho bãi, đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không… được cải thiện. Bộ Công thương đánh giá năm 2018 ngành logistics có mức độ tăng khoảng 12-14%. Số lượng các doanh nghiệp vận tải và logistics hiện nay là 3.000 doanh nghiệp, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không…, cho thấy cơ hội để ngành vận tải và logistics Việt Nam phát triển hơn nữa là rất lớn. Sự phát triển của ngành vận tải và logistics đồng thời sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc.
Các doanh nghiệp trong ngành cũng thể hiện niềm tin tăng trưởng khi có đến hơn 73% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng, toàn ngành vận tải và logistics Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng trên hai con số, gần 27% dự đoán đạt mức dưới 10% trong năm 2019, và không doanh nghiệp nào dự báo "không thay đổi" hay "xấu hơn năm 2018".
Hình 2: Dự báo tăng trưởng ngành vận tải và logistics Việt Nam năm 2019
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp ngành vận tải và logistics tại Việt Nam, tháng 12/2018
Hai xu thế chủ đạo của ngành vận tải và logistics Việt Nam
Xu thế phát triển logistics trong thương mại điện tử - bán lẻ: Đa số các chuyên gia được Vietnam Report hỏi đều cho rằng năm 2018 - 2019 sẽ chứng kiến sự bùng nổ của vận tải và logistics trong thương mại điện tử Việt Nam. Sự gia tăng lưu lượng hàng hóa giao dịch qua các kênh trực tuyến khiến nhu cầu vận tải và logistics, đặc biệt là dịch vụ giao hàng nhanh tăng cao. Quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD, tăng trưởng 24%, số lượng đơn hàng qua công ty giao hàng nhanh tăng trưởng trung bình 45% giai đoạn 2015 – 2020 và có thể đạt 530 triệu đơn hàng vào năm 2020. Nhiều doanh nghiệp ngành bán lẻ như Vincommerce, Thế giới di động, FPT, Lotte, Aeon… đang định hướng phát triển E-commerce, hay việc các ông lớn ngành thương mại điện tử như Alibaba, Amazon… gia nhập vào Việt Nam đã làm thị trường logistics sôi động hơn, đi kèm theo đó là yêu cầu phải có sự đầu tư công nghệ và độ kỹ lưỡng trong dịch vụ vận tải và logistics.
Xu thế M&A ngành logistics: Việt Nam hiện đang có chủ trương huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư hạ tầng thông qua phương thức chuyển nhượng quyền khai thác một số hạ tầng (logistics, sân bay, cảng biển…), thu hút nhiều nhà đầu tư lớn với các thương vụ được dự tính sẽ có quy mô hàng tỷ USD. Năm 2017 - 2018 chứng kiến nhiều vụ M&A lớn như Gemadept chuyển nhượng vốn cho CJ Logistics, Samsung SDS hợp tác với Minh Phương Logistics… Với đặc thù là ngành có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu cung cấp các dịch vụ 1PL và 2PL, sự tham gia của các tên tuổi lớn nước ngoài được kỳ vọng sẽ "vá lỗ hổng" về vốn, nhân sự, công nghệ… cho các doanh nghiệp trong nước.
Ba thách thức tăng trưởng của các doanh nghiệp vận tải và logistics
Là ngành dịch vụ có nhiều cơ hội tăng trưởng nhưng thách thức của ngành cũng không hề nhỏ. Theo khảo sát của Vietnam Report, 3 thách thức lớn nhất của ngành vận tải và logistics Việt Nam hiện nay bao gồm: (1) Cơ sở hạ tầng như hệ thống cảng biến, kho bãi, kết nối… còn hạn chế, bất cập; (2) Hạn chế về quy mô vốn, trình độ quản lý, trình độ chuyên môn chưa cao; (3) Các loại thuế, phí cầu đường và phụ phí cao.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp trong ngành, cơ sở hạ tầng mặc dù đã được cải thiện so với trước đây nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Tuyến trục vận tải Nam - Bắc vẫn phụ thuộc rất lớn vào đường bộ, rất cần sự tham gia hơn nữa của ngành đường sắt. Sự phát triển bất cân đối của hệ thống cảng biến Việt Nam khi hơn 92% lưu lượng container phía Nam tập trung ở Cảng Cát Lái dẫn đến tình trạng quá tải, kẹt cảng… gây ra sự lãng phí rất lớn.
Hình 3: Những thách thức lớn nhất của ngành vận tải và logistics Việt Nam hiện nay
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp ngành vận tải và logistics tại Việt Nam, tháng 12/2018
Vốn và nhân lực là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Đa số trên 70% doanh nghiệp vận tải và logistics đang hoạt động hiện nay có quy mô vốn vừa và nhỏ, 7% có vốn trên 1.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu nhóm vốn lớn là các doanh nghiệp đa quốc gia. Ngoài ra, là ngành có liên quan nhiều nhất đến hoạt động xuất nhập khẩu, nhân sự ngành vận tải và logistics đòi hỏi phải có kiến thức nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ và kinh nghiệm làm việc tốt. Đây chính là yếu điểm của các doanh nghiệp trong nước hiện nay.
Về vấn đề chi phí logistics, chi phí vận tải tại Việt Nam hiện đang ở mức cao (gấp 3 lần so với các nước trong khu vực và thế giới) và không đồng đều ở các khu vực, nguyên nhân chủ yếu do các loại thuế, phí cầu đường và phụ phí hiện khá cao, gián tiếp làm giảm khả năng cạnh tranh so với các nước khác.
Hình 4: Chi phí logistics phân bổ theo hạng mục
Nguồn: VLA
Khuyến nghị ưu tiên: Hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng và ứng dụng IT
Khảo sát doanh nghiệp ngành vận tải và logistics của Vietnam Report cho thấy, họ rất kỳ vọng hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng và ứng dụng IT sẽ được ưu tiên cải thiện để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả dịch vụ vận tải và logistics tại Việt Nam trong năm 2019 tới đây.
Cùng với xu hướng phát triển của thương mại điện tử, sự gia nhập thị trường Việt Nam của các ông lớn bán lẻ nước ngoài làm gia tăng nguy cơ thâu tóm các kênh logistics địa phương khiến các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều bất lợi. Các cơ quan quản lý cần nhìn rõ vấn đề này, bổ sung hành lang pháp lý cần thiết (như quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics…), điều chỉnh phù hợp các quy định về thuế để tránh tình trạng chuyển giá, trốn thuế…, từ đó tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp logistics.
Hình 5: Các yếu tố được khuyến nghị cần cải thiện nhất để nâng cao hiệu quả dịch vụ vận tải và logistics trong năm 2019
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp ngành vận tải và logistics tại Việt Nam, tháng 12/2018
Hiện nay chi phí logistics đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong chi phí doanh nghiệp, vô hình chung trở thành rào cản lớn nhất đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Để giảm chi phí logistics, hầu hết các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành đều cho rằng cần phải đồng bộ hạ tầng giao thông, kết nối giữa các phương thức vận tải, đồng thời phát triển sàn giao dịch vận tải nhằm kết nối tốt nhất các chủ hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, tạo cơ sở cho doanh nghiệp logistics Việt Nam tham gia vào nhiều hơn vào chuỗi cung ứng, tránh tình trạng vận chuyển một chiều.
Ngành vận tải và logistics Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển. Đối với các doanh nghiệp, ngoài việc chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, thì việc xây dựng uy tín thương hiệu cũng vô cùng quan trọng. Với các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài khi đặt chân vào Việt Nam, tìm kiếm và hợp tác với doanh nghiệp logistics uy tín là cầu nối trung gian kết nối vận chuyển an toàn hàng hóa tới tay đối tác và khách hàng, góp phần hoàn thiện chuỗi sản xuất - phân phối, tác động ngược trở lại giúp các doanh nghiệp vận tải và logistics Việt Nam tham gia sâu hơn, định vị tốt hơn trên bản đồ logistics toàn cầu.
Bảng xếp hạng Top 10 Công ty uy tín ngành Vận tải và Logistics năm 2018 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2016, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông đã được Vietnam Report và các đối tác ứng dụng từ năm 2012, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Bất động sản, Xây dựng, Công nghệ, Ngân hàng, Bảo Hiểm, Chứng khoán, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ... Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của doanh nghiệp ngành vận tải và logistics tại Việt Nam. Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các doanh nghiệp ngành vận tải và logistics được đăng tải trên các đầu báo, kênh có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 11/2017 đến tháng 11/2018. Tổng số có 699 bài báo, với tương ứng 1417 coding unit (đơn vị mã hóa) được đánh giá theo ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường ... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5). Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó. |
Theo Vietnam Report
Vietnam Report
Bình Luận (0)