Công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Xây dựng - Vật liệu xây dựng năm 2020

03/06/2020

Người tạo 0

Chuyên mục:

Ngày 03/6/2020, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Xây dựng - Vật liệu xây dựng năm 2020.

Đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report, được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Uy tín của các công ty được đánh giá dựa trên nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố tài chính, hình ảnh doanh nghiệp trên truyền thông và đánh giá của các chuyên gia trong ngành, cụ thể bao gồm: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính gần nhất (có so sánh, đối chiếu và đánh giá với các chuẩn của ngành); (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát chuyên gia trong ngành; khảo sát doanh nghiệp về tình hình kinh doanh, thị trường hoạt động, số lượng và chất lượng dự án… trong giai đoạn 2019-2020 cũng được sử dụng như yếu tố bổ sung nhằm xác định vị thế của doanh nghiệp trong ngành. 

Danh sách 1: Top 10 Nhà thầu xây dựng uy tín năm 2020 – Top 10 Most Reputable Building Contractors 2020

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty uy tín ngành XD-VLXD năm 2020, tháng 5/2020

Danh sách 2: Top 5 Nhà thầu Cơ điện uy tín năm 2020 – Top 5 Most Reputable M&E Contractors 2020

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty uy tín ngành XD-VLXD năm 2020, tháng 5/2020

Danh sách 3: Top 10 Công ty vật liệu xây dựng uy tín năm 2020 – Top 10 Most Reputable Building Material Companies 2020

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty uy tín ngành XD-VLXD năm 2020, tháng 5/2020

Đang trong đà phát triển rất nhanh trong giai đoạn 2017-2018, thị trường bất động sản năm 2019 đột ngột “chững lại”. Điều này kéo theo sự sụt giảm nguồn cung của ngành XD-VLXD, thể hiện qua số lượng dự án được phê duyệt giảm đáng kể. Theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, chỉ có 5 dự án đủ điều kiện triển khai mới, được phê duyệt tại Hà Nội trong năm qua. Khảo sát của Vietnam Report gần đây cho thấy, 91,4% số nhà thầu xây dựng, nhà thầu cơ điện cho rằng số lượng dự án được phê duyệt giảm là khó khăn hàng đầu của họ trong năm vừa qua bên cạnh những vấn đề “muôn thuở” như thủ tục pháp lý, quá trình triển khai, đấu thầu hay công tác giải phóng mặt bẳng, biến động giá VLXD...

Hình 1: Khó khăn khi triển khai dự án, ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các DN ngành XD-VLXD năm 2020, tháng 2/2020

Thị trường Xây dựng – Vật liệu xây dựng năm 2020: “Gạn đục khơi trong”

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy phần lớn doanh nghiệp cho rằng năm 2020 kinh doanh sẽ khó khăn hơn (73,9%), chỉ có 13,0% doanh nghiệp lạc quan kỳ vọng ngành XD-VLXD sẽ tăng trưởng hơn so với năm trước, 4,3% cho rằng ngành XD-VLXD sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định như năm 2019. Đáng chú ý, khoảng 8,7% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng thị trường sẽ “trầm lắng” trong 6 tháng đầu năm, và sẽ trở lại sôi động trong 6 tháng cuối năm sau khi dịch kết thúc, và các gói kích cầu của Chính phủ bắt đầu có hiệu quả. Theo thống kê của FiinPro, trong quý 1/2020, ngành xây dựng – vật liệu đã ghi nhận mức giảm 9,5% đối với doanh thu và 10,2% đối với lợi nhuận sau thuế. Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê thực hiện trong quý 1/2020 chỉ ra rằng có đến 47,5% số doanh nghiệp kinh doanh khó khăn hơn, 33,7% số doanh nghiệp giữ được ổn định và 18,8% số doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn.

Hình 2: Dự báo về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng trong năm 2020

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các DN ngành XD-VLXD, tháng 2/2020

Mặc dù triển vọng ngành XD-VLXD trong năm nay không khả quan nhưng cũng cần nhìn nhận khách quan rằng, đây chính là giai đoạn thị trường tự điều chỉnh, tiến tới tái cấu trúc. Nói cách khác, thị trường “sàng lọc” yếu tố chưa phù hợp, để phát triển theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp hơn. Để vượt qua giai đoạn “gạn đục khơi trong” này, doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh cụ thể và linh hoạt.

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, các doanh nghiệp trong ngành XD-VLXD cho biết, họ sẽ tập trung vào 6 chiến lược chính: (1) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (2) Đảm bảo chất lượng và tiến độ của các dự án, công trình hiện có; (3) Tăng cường công tác quản trị tài chính; (4) Đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ; (5) Tiếp tục phát triển thương hiệu; và (6) Nghiên cứu sản phẩm mới, cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Ưu tiên chiến lược của doanh nghiệp khá tương đồng với mô hình hành động 5Rs (Resolve, Resilience, Return, Reimagination và Reform) của McKinsey giúp doanh nghiệp xử lý khủng hoảng thời COVID-19 mà Vietnam Report đã giới thiệu trong newsletter tháng 4/2020.

Hình 3: Các ưu tiên chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp ngành XD-VLXD trong năm 2020

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các DN ngành XD-VLXD năm 2020, tháng 2/2020

Ngành xây dựng sử dụng khoảng 4,3 triệu lao động trên 15 tuổi, phần lớn là lao động thời vụ, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 13,1%. Nhân công chỉ chiếm 20% chi phí xây dựng nhưng là yếu tố quyết định khả năng và chất lượng thi công của doanh nghiệp. Vì vậy, ưu tiên số 1 của các DN chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Dịch COVID-19 đầu năm 2020 được coi như một “thuốc thử” đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp XD-VLXD nói riêng. Những doanh nghiệp lớn với tiềm lực tài chính mạnh duy trì được thị phần, một số có thời cơ phát triển; ngược lại, doanh nghiệp nhỏ và vừa cạnh tranh yếu hơn, bị thu hẹp thị phần, một số phải đóng cửa vì thiếu nguồn việc và không có lực lượng công nhân. Chính vì thế, ưu tiên tiếp theo của các công ty trong ngành XD-VLXD trong năm nay chính là giữ “miếng bánh” thị phần thông qua đảm bảo tốt hiệu quả, chất lượng, tiến độ dự án, công trình hiện có.

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu do tác động của dịch COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp đều lựa chọn gia tăng khả năng chịu đựng trong khủng hoảng thông qua việc tăng cường năng lực quản trị tài chính. Khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các doanh nghiệp cần ưu tiên tối đa hóa dự trữ tiền mặt, tập trung vào đánh giá khả năng thanh khoản, xây dựng các kịch bản ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch với các điểm kích hoạt tương ứng cũng như các phương án ổn định kinh doanh, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi…

Song song với đó, các hoạt động đầu tư, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nâng cao tỷ lệ trang bị kỹ thuật trên lao động cũng được chú trọng. Công nghệ giúp doanh nghiệp tiếp cận dự án tốt hơn, thiết kế hợp lý hơn, và cũng quản lý, vận hành hiệu quả hơn, đặc biệt với doanh nghiệp ngành XD-VLXD sử dụng lực lượng nhân công đông đảo và điều hành các dự án trải rộng trên nhiều địa phương trong một khoảng thời gian dài. Trong khi cả thế giới đã bước sang Cách mạng công nghiệp 4.0 với BIM (Building Information Modeling), VR (Virtual Reality), ECM (Enterprise Content Management)… thì doanh nghiệp Việt không thể cứ duy trì công nghệ thi công lạc hậu như cách đây 10-15 năm được.

7 xu hướng trong ngắn hạn và dài hạn

Trước đại dịch, ngành XD-VLXD cũng đã cho thấy “thế yếu” so với các ngành khác. Năng suất dậm chân tại chỗ; Mức độ số hóa thấp; Khả năng sinh lời thấp là một số điển hình, đấy là còn chưa kể đến tính đặc thù của ngành, hệ sinh thái phân mảnh và tỷ lệ lao động giản đơn trực tiếp tại công trường cao. Những năm gần đây một loạt các sức ép như sự khan hiếm lao động tay nghề cao, các đòi hỏi cao về kỹ thuật, vật liệu xây dựng mới, phương thức sản xuất và công nghệ đang đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành phải không ngừng đổi mới sáng tạo. Dưới đây là 7 xu hướng được dự báo sẽ diễn ra trong ngành XD-VLXD thời gian tới.

Hình 4: Xu hướng trong ngắn hạn và dài hạn

Nguồn: Vietnam Report tổng hợp từ McKinsey

Phát triển thương hiệu trong giai đoạn bình thường mới

Bên cạnh những chiến lược được điều chỉnh phù hợp với diễn biến thị trường và dịch COVID-19, “phát triển thương hiệu” cũng là một trong 5 chiến lược ưu tiên trong năm nay. Theo mô hình 5Rs trong Newsletter số 1 do Vietnam Report xuất bản tháng 4/2020, có đề cập đến ưu tiên cho việc tái lập hình ảnh (thương hiệu) trong giai đoạn bình thường mới được xem là chiến lược cụ thể và kịp thời giúp các doanh nghiệp trong ngành tạo được lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn bình thường mới.

Hình 5: Mô hình hành động 5 giai đoạn

Nguồn: McKinsey

Kết quả phân tích truyền thông trong năm 2019-2020 của Vietnam Report cho thấy, các nhà thầu lớn như Vinaconex, Coteccons là hai cái tên có sự xuất hiện nhiều nhất, với độ phủ thông tin dày đặc trên các trang báo có ảnh hưởng. Tuy nhiên xét về mức độ “an toàn” thông tin (tỷ lệ chênh lệch tin tích cực và tiêu cực trong tổng số thông tin được mã hóa của doanh nghiệp) thì Fecon, Becamex và UDIC lại tốt hơn.

Hình 6: Những nhà thầu hấp dẫn truyền thông nhất

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các DN ngành XD-VLXD từ tháng 1/2019 đến tháng 3/2020

Năm vừa qua, sự nóng lên của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tạo nên làn sóng dịch chuyển các cơ sở sản xuất vào Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội cho phân khúc bất động sản khu công nghiệp. Kết quả phỏng vấn chuyên gia của Vietnam Report cũng cho thấy, bất động sản khu công nghiệp cũng là phân khúc được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển nhất trong năm 2020 khi mà các phân khúc còn lại chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Điều này phản ánh qua việc xuất hiện của 2 nhà thầu lớn mảng bất động sản khu công nghiệp là Becamex và IDICO góp mặt trong danh sách những nhà thầu hấp dẫn truyền thông nhiều nhất.

Như đã đề cập ở trên, xây dựng và phát triển uy tín là mục tiêu quan trọng mà doanh nghiệp muốn hướng đến trong thời gian tới. Muốn vậy, trước tiên doanh nghiệp cần xác định những yếu tố ảnh hưởng đến chiến lược phát triển và nâng cao uy tín. Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng, những tác nhân bên ngoài ảnh hưởng nhiều nhất tới chiến lược của doanh nghiệp bao gồm: (1) Chính sách phát triển riêng của Nhà nước dành cho ngành BĐS-XD-VLXD; (2) Sự biến động giá nguyên liệu và phụ gia; (3) Tốc độ đô thị hóa; (4) Thời tiết, thiên tai, dịch bệnh… và (5) Tình hình kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, từ phía doanh nghiệp, chất lượng công trình, bàn giao dự án đúng tiến độ, năng lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp, sự tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ là 5 yếu tố hàng đầu tạo nên uy tín của doanh nghiệp.

Hình 7: Top 5 yếu tố ảnh hưởng (thang điểm 5) đến chiến lược phát triển và nâng cao uy tín của DN

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các DN ngành XD-VLXD năm 2020, tháng 2/2020

Sau nữa, doanh nghiệp cần phải có sự đầu tư truyền thông hợp lý, tích cực và chủ động. Tuy nhiên, kết quả đánh giá truyền thông trong năm 2019-2020 của Vietnam Report lại chỉ ra rằng, các doanh nghiệp ngành XD-VLXD đang thiếu tính chủ động trên truyền thông khi có tới 86,01% thông tin là do báo chí tự khai thác. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chưa có những dự đoán và biện pháp ứng phó cho những sự cố truyền thông ngoài ý muốn có thể xảy ra, làm gia tăng mức độ rủi ro truyền thông đặc biệt trong thời đại công nghệ và mạng xã hội phát triển như ngày nay khi vấn nạn tin giả (fake news) tràn lan và việc kiểm định thông tin trên truyền thông chưa được thắt chặt.

Hình 8: Tỷ lệ thông tin mã hóa của các doanh nghiệp ngành XD-VLXD phân theo nguồn thông tin trên truyền thông

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các DN ngành XD-VLXD từ tháng 1/2019 đến tháng 3/2020

Tuy nhiên, nghiên cứu của Vietnam Report cũng cho thấy trong quá trình ứng phó với COVID-19 và tin giả, tiếng nói từ phía doanh nghiệp đã được tăng cường, thể hiện qua tỷ lệ nguồn thông tin từ doanh nghiệp tăng mạnh từ mức 8,6% trong quý 1/2019 lên mức 30,6% trong quý 1/2020.

Về độ đa dạng hình ảnh doanh nghiệp qua lăng kính truyền thông, khoảng 23,0% số doanh nghiệp có độ bao phủ thông tin đạt mức 10/24 nhóm chủ đề, cho thấy các doanh nghiệp thường công bố những thông tin mang tính chất đại chúng về các chủ đề quen thuộc như: Tài chính/KQKD, Cổ phiếu, Hình ảnh/PR/Scandals, Sản phẩm…, thay vì có một chiến lược truyền thông dài hạn xuyên suốt cả năm hoạt động.

Hình 9: Các công ty XD-VLXD có trên 10 nhóm chủ đề bao phủ (trong tổng số 24 nhóm chủ đề) trên truyền thông (Đơn vị: nhóm chủ đề)


Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp ngành XD-VLXD từ tháng 1/2019 đến hết tháng 3/2020

Đáng chú ý, chỉ có 8,1% số doanh nghiệp nghiên cứu đạt ngưỡng hiệu quả đối với chủ đề Khách hàng, sản phẩm. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt chưa thực sự chủ động trong công tác nghiên cứu thị hiếu, hành vi người tiêu dùng. Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu sắc tới xu hướng hành vi tiêu dùng nói chung và hành vi tiêu dùng sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng nói riêng, các doanh nghiệp trong ngành cần giữ mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng để có thể nắm rõ thị hiếu, cung cấp các sản phẩm/công trình phù hợp với nhu cầu và xu hướng thị trường, hướng tới sự phát triển bền vững của ngành trong dài hạn.

Trước tác động kép của triển vọng thị trường năm 2020 chưa khởi sắc và ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, lãnh đạo doanh nghiệp ngành XD-VLXD cần vững vàng đưa ra những quyết sách quan trọng để vượt qua khó khăn, tạo đà phát triển cho giai đoạn sau, chìa khóa để biến “nguy” thành “cơ” chính là phát triển thương hiệu, xây dựng uy tín. Để cải thiện hình ảnh truyền thông và bảo vệ uy tín, nhóm nghiên cứu của Vietnam Report khuyến nghị các doanh nghiệp cần lưu ý đến 3 vấn đề: (1) Tiếp tục tăng cường tiếng nói từ phía doanh nghiệp; (2) Mở rộng phạm vi chủ đề hiện diện trên truyền thông (3) Nâng cao công tác chăm sóc khách hàng.

Bảng xếp hạng Top 10 Công ty uy tín ngành Xây dựng - Vật liệu xây dựng năm 2020 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2016, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông đã được Vietnam Report và các đối tác ứng dụng từ năm 2012, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Ngân hàng, Bảo Hiểm, Chứng khoán, Dược, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ...

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Xây dựng - Vật liệu xây dựng tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các doanh nghiệp được đăng tải trên các trang báo có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 01/2019 đến tháng 03/2020. Tổng số có 1.366 bài báo, tương ứng 3.468 coding unit (đơn vị mã hóa) được đánh giá ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *