Cuộc chiến Adidas-Nike tại Euro 2016: Nike là "kẻ" thắng cuộc

12/07/2016

Người tạo 0

Chuyên mục:

Cứ mỗi kỳ Euro hoặc World Cup đến, trong khi các CĐV bóng đá háo hức chờ xem những cuộc tranh tài đỉnh cao trên sân cỏ, thì giới kinh tế cũng ngóng cổ chờ xem những cuộc so tài khốc liệt của các nhãn hàng lớn trên thương trường, nhất là giữa Nike và Adidas, 2 ông vua ngành hàng trang phục thể thao.

Sau khi đội tuyển Đức để thua 0-2 trước tuyển Pháp trong trận bán kết Euro 2016 hôm 7/7, cảm giác buồn vì thất bại tràn ngập nước Đức. Nhưng có lẽ ở thành phố Herzogena, nơi tập đoàn Adidas ra đời, nỗi buồn lớn hơn gấp bội.
 
Adidas đã tài trợ các sự kiện thể thao trong 3 thập kỷ qua và đây là lần đầu tiên đội tuyển mà họ tài trợ không lọt vào trận chung kết giải vô địch bóng đá châu Âu. Thậm chí Adidas còn phải chịu một thất bại gián tiếp khác: Trong trận chung kết giữa đội tuyển Pháp và Bồ Đào Nha hôm 10/7, mọi cầu thủ sẽ mặc áo nịt có dấu ngoắc phẩy trứ danh của Nike. 
 
Thật ra tại Euro năm nay, không chỉ có duy nhất Nike và Adidas là tài trợ trang phục cho các đội bóng. Có rất nhiều nhãn hàng khác nhau tài trợ cho 24 đội bóng, ngoài 2 ông lớn kể trên còn có Puma, Errea, Joma…Thậm chí, số lượng đội tuyển mà Puma bảo trợ trang phục gần bằng Nike. Adidas bao cấp cho 9 đội: Tây Ban Nha, Đức, Bỉ, Nga, Thụy Điển, Xứ Wales, Northern Ireland, Ukraine, Hungary; chiếm 37%. Nike hợp tác cùng 6 đội: Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Croatia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan; chiếm 25%. Puma có 5: Ý, CH Czech, Thụy sỹ, Slovakia, Áo; chiếm 21%. Sau 20 năm, Nike là đấu thủ tiến bộ dữ dội nhất. Năm 1996, Nike quyến rũ được 1 đội tuyển, chiếm 6%; Puma tài trợ 2 đội, chiếm 13% và Adidas thống trị với 5 đội, chiếm 31%. 
Nhưng ít nhất Adidas sẽ không thua trắng, mà có thể giành thắng lợi bên ngoài sân cỏ. Ban lãnh đạo Adidas thông báo doanh số các sản phẩm liên quan tới bóng đá có thể lên tới 2,8 tỷ USD trong năm nay. Ngược lại, Nike kỳ vọng doanh số các sản phẩm liên quan tới bóng đá của họ đạt 2,14 tỷ USD - thấp hơn nhiều so với Adidas.
 
Jon Stainer, giám đốc điều hành chi nhánh Repucom tại Anh, phát biểu: “Trong bóng đá, người ta chỉ thấy sự cạnh tranh gay gắt giữa Nike và Adidas trong hai loại sự kiện: Giải vô địch bóng đá thế giới của FIFA và Giải vô địch bóng đá châu Âu của UEFA”.
 
“Hai giải đấu ấy cung cấp sân khấu quan trọng trong cả hai hãng để họ tung ra những đòn mạnh về quyền tài trợ lẫn nội dung quảng cáo”, Stainer nhận xét.
 
Stainer nói thêm rằng tài trợ các đội tuyển là cơ hội để các hãng mở rộng tầm ảnh hưởng và thu hút thêm khách hàng. Để thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng và tăng doanh thu, mùa giải Euro 2016 sẽ là quãng thời gian quan trọng để các hãng phát động cuộc chiến trên các mạng xã hội và video quảng cáo.
Những ngôi sao chủ lực của Nike gồm có Cristiano Ronaldo với hợp đồng khủng, 19 triệu euro/năm; Wayne Rooney, 3 triệu euro/năm và Zlatan Ibahimovic, 1,5 triệu euro năm. Phía bên Adidas có: Gareth Bale có hợp đồng 4 triệu/năm, bằng với Paul Pogba; Mesut Ozil ít hơn chút, được trả 3 triệu euro/năm. Tất cả con cưng của Adidas đều vào được tới bán kết, còn Nike chỉ có mỗi Ronaldo. Nhưng, Nike có chất lượng, khi Ronaldo đã dẫn dắt được người Bồ vào chung kết Euro một cách đầy bất ngờ. 19 triệu euro mà Nike trút vào hầu bao của Ronaldo không hề lãng phí một đồng. 
 
Nếu so sánh về số lượng thành viên trên các trang mạn xã hội như Twitter và Facebook thì phần thắng đang nghiêng về phía Nike. Có 4,6 triệu người theo dõi Nike trên Twitter, trong khi Adidas chỉ có 2,9 triệu. Tương tự, số khách hàng theo dõi Nike trên Facebook gần gấp đôi Adidas: 42,1 triệu và 21,8 triệu. Tuy nhiên, suy cho cùng một điều rõ ràng là Nike và Adidas vẫn thống trị thế giới thể thao. 
Lan Anh
 
Tổng hợp

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *