Năm 2017 được nhìn nhận là một năm tích cực và có nhiều dấu hiệu khả quan đối với ngành phân bón nói chung và Đạm Cà Mau nói riêng. Chính vì vậy, sản lượng sản xuất và tiêu thụ phân bón Đạm Cà Mau trong những tháng đầu năm 2017 đều thể hiện những con số tăng trưởng mang sắc màu tích cực.
Trong năm nay, ngành phân bón trong nước được dự báo sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ so với năm trước, nhờ vào một số yếu tố như giá phân bón trên thế giới đang phục hồi, sản lượng phân bón tiêu thụ tăng đều. Bên cạnh đó, việc Bộ Công thương đề xuất Chính phủ đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 0% thay vì miễn thuế như hiện tại cũng sẽ giúp giảm chi phí giá vốn cho các doanh nghiệp trong ngành phân bón đạt được hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt hơn.
Những con số thống kê đầu năm 2017 của Tổng cục Hải quan là minh chứng rõ nhất cho thấy những tín hiệu tích cực trong ngành, khi xuất khẩu phân bón các loại từ ngày 1/1/2017 đến 15/2/2017 đều tăng về cả số lượng và giá trị. Cụ thể, xuất khẩu phân bón đạt hơn 101 nghìn tấn trong giai đoạn này với tổng giá trị là 29 triệu USD, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước.
Theo dự báo của World Bank, giá phân bón thế giới sẽ tăng nhẹ trong năm 2017 với mức tăng 5% cho DAP và 4% cho phân Ure. Ngoài ra, nhu cầu phân bón trong nước năm nay có thể tăng trưởng do thời tiết bớt gay gắt hơn. Ngay trong 15 ngày đầu tháng 2/2017, theo thông tin từ Bộ Công thương, giá phân bón Ure trong nước đã tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tại miền Bắc, mức giá phổ biến khoảng 7.500 - 7.600 đồng/kg, tăng 100 - 200 đồng/kg. Tại miền Nam, mức giá phổ biến khoảng 7.300 - 7.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Trên thị trường thế giới, giá phân bón urê tại một số thị trường chính tăng nhẹ trong nửa đầu tháng 02/2017.
Trong những tháng đầu năm, Đạm Cà Mau cung ứng phân bón đều đặn ra thị trường
Với những dấu hiệu lạc quan chung của thị trường phân bón, ngay từ những tháng đầu năm 2017, hoạt động sản xuất kinh doanh của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM) đã có nhiều khởi sắc với nhiều chỉ số tăng trưởng tích cực. Theo đó, trong 2 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất đạt 153.000 tấn và sản lượng tiêu thụ là 120.000 tấn. Và ngay trong những ngày đầu tháng 3, Công ty tiếp tục lắp đặt và vận hành hệ thống điều khiển quy trình công nghệ nâng cao (APC) với mục đích tiếp tục ổn định quy trình công nghệ, tiết kiệm tiêu hao năng lượng và sẵn sàng cho việc nâng công suất nhà máy. Cũng vì chất lượng sản phẩm ổn định, sản xuất đều đặn nên nhà máy đạm Cà Mau đã đạt sản lượng 4 triệu tấn thương mại ngay đúng dịp công ty kỷ niệm 6 năm thành lập.
Bên cạnh đó, Công ty cũng đã có kế hoạch tăng cường nguồn cung để phục vụ nhu cầu phân bón cho cây trồng của bà con nông dân trong vụ Hè Thu. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tổ chức Hội thảo tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân; đặc biệt là tổ chức cho bà con giao lưu với các chuyên gia nông nghiệp với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón” tại khu vực Đông Nam bộ - Tây Nguyên giúp bà con nhận biết được thực trạng cây trồng và cách sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2017, DCM dự kiến tiêu thụ 752.000 tấn ure thương mại, 30.000 tấn sản phẩm mới các loại và kinh doanh 75.000 tấn phân bón khác trên thị trường với tổng doanh thu dự kiến đạt trên 5.300 tỷ đồng, tăng 10% so với doanh thu năm 2016.
Để đạt được các chỉ tiêu này, DCM cho biết sẽ tiếp tục đổi mới mô hình kinh doanh, thực hiện chính sách bán hàng linh hoạt, đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị truyền thông, rà soát hệ thống phân phối nhằm duy trì vị thế số một tại thị trường Tây Nam Bộ, gia tăng thị phần tiêu thụ tại Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, Campuchia, mở rộng thị trường ra khu vực Miền Bắc và Miền Trung.
Song song đó, với việc không ngừng cải tiến và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển, DCM sẽ tiếp tục cung cấp các sản phẩm mới chất lượng cao mang thương hiệu Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng ra thị trường như N46.Plus, N.Humate+TE, N46.Nano C+,… từng bước đa dạng hóa sản phẩm ra thị trường, cụ thể hóa sứ mệnh cung cấp các giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng đem lại lợi ích hài hòa giữa công ty, khách hàng và người tiêu dùng.
Được biết, DCM đã có một nền tảng vững vàng khi thị phần thực tế (tiêu thụ trực tiếp xuống nông dân) của ure Đạm Cà Mau trong năm 2016 chiếm gần 40% thị trường, trong đó tại Tây Nam Bộ DCM là lựa chọn hàng đầu của bà con với 56%. Đối với thị trường Campuchia, năm 2016 xuất khẩu sang nước này đạt 75.725 tấn ure với doanh thu đạt 411,2 tỷ đồng, tăng trưởng 89,8% so với năm 2015. Qua năm 2017, DCM dự kiến xuất khẩu sang thị trường này khoảng 80.000 tấn ure, đồng thời xuất khẩu thêm một số sản phẩm khác như NPK, DAP mang thương hiệu Đạm Cà Mau./.
Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau
Bình Luận (0)