Thị trường chứng khoán Việt Nam cần mở rộng quy mô, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hiệu quả, cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo tính minh bạch để thu hút dòng vốn ngoại, không bị lệ thuộc vào nguồn vốn nội và thúc đẩy phát triển theo chiều sâu.
Kinh tế Việt Nam đang dần tăng trưởng mạnh sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển thị trường chứng khoán. Ảnh minh hoạ
Kinh tế Việt Nam đang dần tăng trưởng mạnh sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển thị trường chứng khoán (TTCK). Tuy nhiên, không thể phủ nhận thị trường này vẫn còn nhiều rào cản ngăn bước nhà đầu tư gia nhập. Cùng với bảng xếp hạng VIX50 - Top 50 Công ty Đại chúng uy tín & hiệu quả, Vietnam Report công bố kết quả khảo sát các chuyên gia và doanh nghiệp, chỉ ra top 5 rào cản với TTCK năm 2021.
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng, tháng 5/2021.
Lo ngại về làn sóng COVID-19 lần bốn và triển vọng hồi phục kinh tế còn nhiều rủi ro
Báo cáo của Vietnam Report cho biết, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến chứng khoán trong nước và toàn cầu chao đảo. Nhiều định hướng, chính sách trở lên lệch lạc, tâm lý khi đại dịch xuất hiện cũng rất khó lường, việc đứng giữa sự sống và cái chết sẽ khiến người ta ưu tiên cho sức khỏe, giành giật sự sống hơn là kiếm tiền.
Nếu đại dịch được ngăn chặn, Ngân hàng Trung ương các nước sẽ rút dần tiền về sớm hơn dự kiến (không bơm thêm tiền ra lưu thông), dẫn đến cung tiền giảm và người dân có ít tiền đầu tư chứng khoán hơn. Theo quy luật cung cầu thì khi cầu nhiều hơn cung thì giá sẽ tăng và ngược lại.
Đi cùng với diễn biến phức tạp của đại dịch là triển vọng phục hồi kinh tế còn nhiều rủi ro và chỉ khi vắc xin COVID-19 được phân phối rộng rãi thì cuộc sống mới trở lại bình thường.
Thêm vào đó, nền kinh tế cũng tiềm ẩn nguy cơ lạm phát gia tăng buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất, điều này đồng nghĩa với dòng tiền chảy vào TTCK sẽ ít đi. Những lo ngại về triển vọng kinh tế Việt Nam so với một số quốc gia khác khiến khối ngoại liên tục bán ròng trên TTCK Việt Nam.
Hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường chưa đáp ứng
Theo kết quả của cuộc khảo sát, công nghệ là điều đáng bàn vì thời gian qua hiện tượng nghẽn lệnh, lỗi mạng liên tục xảy ra.
"Đây là một yếu tố rủi ro thị trường, khiến người tham gia cảm thấy giống như bị bàn tay vô hình chi phối. Nghẽn mạng xảy ra sẽ khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại, bởi lẽ, với một thị trường rủi ro như vậy, nhà đâu tư mua được nhưng không bán được. Việc lỗi hệ thống này cũng khiến cho VN-Index khó tăng điểm vì yếu tố quan trọng liên quan đến thanh khoản."
Theo nhận định của giới chuyên gia, "VN-Index muốn vượt 1.200 điểm thì thanh khoản thị trường phải đạt 16.000 - 17.000 tỷ, muốn vượt 1.300 điểm thì thanh khoản phải có hơn 24.000 tỷ, nhưng vì yếu tố hệ thống cứ hơn 22.000 tỷ lại bị nghẽn lệnh. Khi thị trường muốn vượt lên mức 1.400 - 1.500 điểm, lúc đó vốn hóa thị trường của doanh nghiệp nở to ra, đồng nghĩa với đó là thanh khoản mỗi phiên phải nở ra.
Nếu hệ thống không đáp ứng được thì thị trường giống như một kháng cự tâm lý, cứ đến 24.000 tỷ bị nghẽn, thanh khoản không thể cao hơn mức đó thì các nhà đầu tư không thể mua, chỉ đợi bán ra và mức thấp hơn để mua lên. Kháng cự này không chỉ là kháng cự tâm lý mà còn là kháng cự mang tính hệ thống. Cho nên, về ngắn hạn, hệ thống công nghệ thông tin là rủi ro với thị trường."
Quy mô TTCK Việt Nam còn quá nhỏ
Báo cáo của Vietnam Report cũng chỉ ra, do tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước còn quá chậm, nhiều phần vốn hóa thị trường vẫn thuộc sở hữu của nhà nước nên phần có thể thật sự mua bán được từ bên ngoài không nhiều. Mặt khác, quy mô giao dịch cũng bị hạn chế bởi room nước ngoài. Hiện nay có khoảng 9/30 mã chứng khoán lớn nhất thị trường đã hết room.
Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, sản phẩm cho NĐT chưa đa dạng
Hiện nay, TTCK Việt Nam mới có các sản phẩm như phái sinh, chứng quyền… Việc thiếu đi nhiều sản phẩm cho nhà đầu tư như bán khống, T0, quyền chọn... khiến thị trường khó thăng hạng và khơi thông dòng vốn ngoại.
Nguồn tin trên thị trường chưa thực sự minh bạch
Yếu tố cuối cùng được nhắc đến trong khảo sát lần này của Vietnam Report là mức độ minh bạch thông tin chưa cao. Theo các nhà phân tích, sự hiện diện của nhiều "đội lái" khiến giá cổ phiếu chưa phản ảnh đúng thực tế của doanh nghiệp, cùng với đó các thông tin như lãnh đạo công bố mua cổ phiếu lại mang bán đã gây ra nhiễu loạn thông tin và lũng loạn về giá cổ phiếu.
"Để thị trường phát triển bền vững, chúng ta không thể mãi trong "ao làng", dùng tiền của người Việt để đẩy thị trường. TTCK Việt Nam phải nâng hạng khi đó mới hút được dòng vốn ngoại.
Nếu bây giờ chúng ta không làm được việc đó, thông tin vẫn không minh bạch, không có báo cáo tài chính bằng tiếng nước ngoài, bên cạnh đó các nhà đầu tư nước ngoài không tiếp cận được với các thông tin liên quan đến doanh nghiệp Việt Nam.
Nếu dòng vốn ngoại không vào thì TTCK Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong phát triển. Năm nay thị trường có dòng vốn nội, nhưng nguồn vốn từ F0 là dòng tiền ngắn hạn. Không loại trừ trường hợp khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, lãi suất huy động tăng trở lại thì dòng vốn này sẽ chảy ra khỏi thị trường."
Top 50 Công ty Đại chúng Uy tín và Hiệu quả - VIX50 là kết quả nghiên cứu khách quan, khoa học và độc lập của Vietnam Report, được công bố chính thức trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước.
Thông tin chi tiết về danh sách Top 50 Công ty Đại chúng Uy tín và Hiệu quả được đăng tải trên website: http://www.top50vietnam.vn/.
Thu Thảo
Doanh Nghiệp Niêm Yết
Bình Luận (0)