Doanh nghiệp khởi nghiệp 7 tháng đầu năm: Kinh tế là ngành được quan tâm

03/08/2017

Người tạo 0

Chuyên mục:

Sự gia tăng về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2017 diễn ra ở phần lớn các ngành kinh tế, trong đó xu hướng chung là vẫn tập trung cho thương nghiệp, bán lẻ, bán buôn, xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo…

Việc ra/vào thị trường của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường là bình thường. Nhưng nếu số lượng lớn, liên tục tăng lên thì không thể coi thường và cũng đặt ra những vấn đề cần giải quyết. Kết quả tích cực của khởi nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2017 được xét trên các góc độ khác nhau.

Tăng trưởng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2017 diễn ra ở phần lớn các ngành kinh tế.

Ở góc độ thứ nhất, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 7 tháng qua là 72.953 doanh nghiệp, tăng hai chữ số so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 17.549 doanh nghiệp, cũng tăng nhẹ. Như vậy, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 90.500 doanh nghiệp, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu khả quan để vượt qua mốc 100.000 doanh nghiệp trong năm 2017 và đạt được 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động theo mục tiêu đến năm 2020.

Ở góc độ thứ hai, tổng lượng vốn của các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã đạt 690.700 tỷ đồng, tăng 39%. Do tốc độ tăng lượng vốn cao hơn tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp, nên bình quân vốn đăng ký của 1 doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 9,5 tỷ đồng, tăng gần 22,2% so với mức bình quân 1 doanh nghiệp của cùng kỳ năm trước.

Nếu kể cả số vốn tăng thêm (979.800 tỷ đồng) của các doanh nghiệp đang hoạt động, thì tổng lượng vốn đăng ký và bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2017 đạt 1.670.500 tỷ đồng. Đây là tín hiệu khả quan để đưa tổng vốn đầu tư/GDP cả năm vượt mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội; thậm chí, có thể đạt 35% theo phương án tăng trưởng cao của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất trước đây.

Ở góc độ thứ ba, tăng trưởng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2017 diễn ra ở phần lớn các ngành kinh tế. Trong đó, một số ngành tăng cao như thông tin và truyền thông; kinh doanh bất động sản; giáo dục đào tạo; khoa học công nghệ và dịch vụ tư vấn, thiết kế quảng cáo và chuyên môn; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc, thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác; xây dựng; dịch vụ lưu trú và ăn uống... Xu hướng chung là vẫn tập trung hơn cho thương nghiệp, bán lẻ, bán buôn, xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo…

Ở góc độ thứ tư, trong 43.274 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng đầu năm 2017, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể có 27.408 doanh nghiệp, tăng 21,5%. Số còn lại tạm ngừng hoạt động là 15.866 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn - nhóm này nếu nỗ lực vươn lên, với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, các ngành, các cấp thì vẫn có điều kiện quay trở lại hoạt động.

Ở góc độ thứ năm, trong tổng số 6.608 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,9%, thì số doanh nghiệp có quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) là 6.104 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng lớn (92,4%); số doanh nghiệp có quy mô lớn hơn (trên 10 tỷ đồng) chỉ có 504 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng nhỏ (7,6%).

Ở góc độ thứ sáu, cân đối bù trừ chung sự biến động trên, thì số doanh nghiệp đang hoạt động có thể tăng thêm trong 7 tháng đầu năm nay so với cuối năm 2016 là 41.124 doanh nghiệp. Nếu đẩy mạnh việc khởi nghiệp, các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn có sự nỗ lực lớn, với sự hỗ trợ của Nhà nước quay lại hoạt động, thì khí thế phát triển doanh nghiệp sẽ tiếp tục.

Ở góc độ thứ bảy, Hà Nội và TP.HCM và một số trung tâm có nhiều doanh nghiệp khác cần dẫn đầu cả nước về khởi nghiệp.

Bên cạnh những kết quả tích cực trên, hoạt động khởi nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2017 cũng có những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ. Nếu trong “năm khởi nghiệp” 2016, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và hoàn tất thủ tục giải thể đã giảm so với năm 2015 - chấm dứt chuỗi ngừng hoạt động và giải thể tăng liên tục trong các năm trước, thì 7 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể và số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 66.612 doanh nghiệp, lại tăng 16,8%.

Bên cạnh số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng lên, nếu số doanh nghiệp bị giải thể hoặc ngừng hoạt động tăng lên thì số doanh nghiệp đang hoạt động cũng không tăng lên nhiều, khiến việc thực hiện mục tiêu tối thiểu phải có 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động vào năm 2020 đối mặt với nhiều thách thức.

Minh Nhung

Tổng hợp 

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *