Trong buổi chiều cuối năm, ngay tại công trường xây dựng tòa nhà Hòa Bình Green City tại 505 Minh Khai - Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Đường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoà Bình đã dành cho PV Tiền Phong cuộc trao đổi khá cởi mở về chuyện từ một anh đạp xích lô rồi tự học hỏi để vươn lên trở thành lãnh đạo của 3 doanh nghiệp lớn với trên 2.000 nhân viên...
Người đầu tiên sản xuất Malt tại Việt Nam
Sau 5 năm phục vụ trong quân đội, năm 1979 ông Đường trở về với đời thường. Ngay sau khi lấy vợ, năm 1981 ông bắt đầu sự nghiệp với công việc của một người đạp xích lô làm việc tại HTX vận chuyển bia.
Ông Đường làm việc tại đây cho đến năm 1989. Trong quá trình đạp xich lô, ông Đường được giao phụ trách một tổ vận chuyển khoảng 10 người chuyên chở bia cho các cơ quan. Trong những năm chở bia ông kiếm được số tiền cũng kha khá vì khi đó bia là của hiếm và lại được trả công bằng bia.
“Có ngày đi làm kiếm được bằng 1 tháng lương kỹ sư”-ông Đường nói. Đến khi nhà nước cho phát triển nhiều thành phần kinh tế được sản xuất bia thì ông Đường mạnh dạn đứng ra thành lập Tổ hợp thương binh nặng Hoà Bình vào năm 1987.
Lúc đầu Tổ hợp của ông sản xuất bia hơi và trở thành nhà máy thứ 2 sản xuất bia hơi sau Công ty Bia Hà Nội. Năm 1993, ông Đường thành lập Công ty TNHH thương binh nặng Hoà Bình. Đến năm 1998 doanh nghiệp được xuất nhập khẩu trực tiếp và ông Đường bắt đầu nhập khẩu Malt (hạt đại mạch nẩy mầm đã qua chế biến, nguyên liệu sản xuất bia) để cung cấp cho các nhà máy bia.
Quá trình nhập khẩu Malt, ông Đường đã phát hiện nhiều đối tác nước ngoài đã bán malt chất lượng kém vào VN và ông nung nấu quyết tâm mở nhà máy sản xuất Malt ngay tại VN. Khi biết ý tưởng của ông sẽ sản xuất Malt, nhiều nhà cung cấp nước ngoài đã cười “các ông thì sản xuất thế nào được”. Họ nói vậy cũng có lý vì khí hậu Việt Nam là nhiệt đới nóng ẩm trong khi nhiệt độ để sản xuất Malt là 15-18 độ C. Nhiều nước không sản xuất Malt vì không trồng được nguyên liệu, chi phí cao.
Cuối cùng năm 2002 nhà máy sản xuất Malt ra đời đặt tại khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh). Làm Malt không có lợi nhuận vì cạnh tranh rất mạnh với nhiều nhà cung cấp Châu Âu, Châu Úc. Đây là quyết định cực kỳ rủi ro vì ngay cả nhà máy bia Hà Nội, Sài Gòn cũng không làm Malt vì không có lãi.
“Khi nhà máy của tôi ra đời lại bị nước ngoài bán phá giá, 3 năm liền thua lỗ cả triệu đô la mỗi năm. Lúc đầu tôi định làm 2 nhà máy, một tại Hà Nội, một tại Sài Gòn nhưng sau đó chỉ triển khai được 1 nhà máy tại Hà Nội. Tôi làm vậy vì buộc nhà cung cấp Malt nước ngoài phải tôn trọng người tiêu dùng Việt Nam”-ông Đường tâm sự.
Chiếm 40% thị phần thép không gỉ
Bây giờ nhìn lại chặng đường xây dựng nhà máy cán thép không gỉ khổ lớn, ông Đường cũng thấy thật gian nan. Năm 2008 khi Chính phủ có quy định được vay tới 85% với lãi suất ưu đãi để sản xuất công nghiệp, ông Đường đã quyết định đầu tư 1.000 tỷ đồng để làm nhà máy cán thép không gỉ khổ rộng 1,4 mét. Đây là nhà máy cán thép khổ lớn đầu tiên do doanh nghiệp nội đầu tư tại VN.
Nhưng bắt đầu đi vay tiền mua thiết bị thì không vay được vốn hỗ trợ mà phải đi vay thương mại, phải trả lãi có khi đến hơn 20%/năm. Trong khi đó nhiều nước nếu vay sản xuất công nghiệp thì chỉ 1-2% lãi suất/năm. Kể từ tháng 7/2013 nhà máy đã chính thức đi vào sản xuất và sản phẩm của nhà máy được đánh giá đạt chất lượng quốc tế và đã chiếm khoảng 30-40% thị phần trong nước.
Có được nhà máy đã khó nhưng môi trường kinh doanh lại tiếp tục gặp sóng gió. Trở ngại hiện nay đó là thép không gỉ đang bị bán phá giá bởi một số doanh nghiệp nước ngoài. Công ty Inox Hoà Bình và 1 công ty Hàn Quốc đang khởi kiện các hãng nước ngoài bán phá giá vào VN.
Câu chuyện đang chờ cơ quan chức năng giải quyết thì lại có 18 nhà nhập khẩu thép không gỉ có văn bản kiến nghị Chính phủ không áp thuế chống bán phá giá để nhập khẩu giá rẻ! “Điều này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Tại các nước tiên tiến theo tôi biết họ đều có chính sách để bảo vệ đối với sản xuất công nghiệp”-ông Đường kiến nghị.
Xây dựng trung tâm hỗ trợ hàng Việt
Bước vào lĩnh vực bất động sản, ông Đường luôn suy nghĩ tại sao nước ngoài xây được căn hộ hạng sang mà Việt Nam lại không? Vậy là khu căn hộ 6 sao tại 505 Minh Khai được triển khai. Điều quan trọng là tại khu nhà 505 Minh Khai, ông Đường sẽ dành ra 20.000 m2 để làm trung tâm thương mại quảng bá cho hàng VN chất lượng cao!
Hàng hóa của VN chất lượng tốt nhưng lại phải qua các trung tâm thương mại nên giá bị đội lên, hàng VN khó phát triển. Trong khi hàng nước ngoài lại quảng cáo mạnh lấn át hàng VN.
Khẳng định cho quyết tâm của mình, ông Đường nêu dự định: Khi hoàn thành Trung tâm thương mại vào năm 2014, ngay tại sảnh của Trung tâm thương mại, tôi sẽ ghi dòng chữ rất lớn: Nếu là người VN không ủng hộ hàng hóa sản xuất tại VN, đất nước không phát triển, con cháu sẽ mãi mãi sống trong nghèo nàn lạc hậu để nhắc nhở mọi người.
Điều gì tạo ra nội lực trong con người anh để giúp anh có thể xây dựng nên sự nghiệp, vượt qua khó khăn? “Tôi nghĩ đó là vấn đề con người vì ngay từ nhỏ nhìn thấy người ăn xin tôi ước gì sau này có tiền để có thể giúp đỡ được họ. Đến khi lớn lên lại vào bộ đội, chứng kiến biết bao sự hy sinh của đồng chí đồng đội. Bản thân trong một công ty của tôi có 150 người mà trong đó có hơn 100 thương binh nặng làm việc”.
Đam mê nghiệp thương trường bận rộn nhưng ông Đường vẫn đặc biệt quan tâm các hoạt động từ thiện, nhân đạo, nhất là hoạt động hướng đến thương binh, liệt sỹ. Ông Đường đã đóng góp xây dựng nhiều hạng mục tại nghĩa trang liệt sỹ ở nhiều vùng miền. Năm 2014, Công ty TNHH Hoà Bình sẽ xây tặng 1 Trung tâm tiếp đón thân nhân gia đình liệt sỹ của Thành cổ Quảng Trị.
Ông có thể chia sẻ gì với các bạn trẻ mới lập nghiệp? “Với các bạn trẻ mới lập nghiệp, mà muốn làm giàu tại VN, tôi chia sẻ điều này: Yếu tố đem lại thành công của tôi là: Hãy làm điều mình ước muốn cho người khác”.
Công ty TNHH Hòa Bình
Bình Luận (0)