Sự có mặt của hai thủ tướng tại Đối thoại doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản diễn ra tại Hà Nội hôm qua (17/1) đã khẳng định những nền tảng quan trọng nhất trong sự hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước.
Cơ hội hợp tác từ cách mạng công nghệ
Không có những ý kiến phản ánh các vướng mắc của doanh nghiệp tại Đối thoại doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản như thường thấy, mà doanh nghiệp hai bên nói nhiều về các cơ hội làm ăn, kinh doanh và nhu cầu mới.
Chắc chắn, họ muốn các vị lãnh đạo hai nước nắm được các nhu cầu của giới đầu tư - kinh doanh, để có sự hậu thuẫn như hai vị thủ tướng đã cam kết tại diễn đàn này, nhất là khi cơ hội và cả thách thức từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư được nhiều doanh nghiệp nhắc tới. Thậm chí, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software đã nhìn thấy cơ hội của doanh nghiệp hai bên từ chính những thách thức.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba trong những năm 60 của thế kỷ trước đã làm nên đất nước Nhật Bản hùng mạnh. Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung vào chuyển đổi số, Internet vạn vật (IoT), tự động hóa, robot hóa… đang cần hàng trăm ngàn kỹ sư công nghệ thông tin. Nhật Bản đang rất thiếu nguồn lực này để xây mới, nâng cấp hệ thống công nghê thông tin nhằm đáp ứng cuộc cạnh tranh mới. Chúng tôi mong rằng, Nhật Bản sẽ chọn Việt Nam, chọn FPT cho chuyển đổi số”, ông Tiến đặt thẳng vấn đề.
FPT Software có lý do để đặt vấn đề như vậy vì FPT là doanh nghiệp Việt Nam có kinh nghiệm 15 năm làm việc với Nhật Bản, có hơn 700 đang người làm việc trong các văn phòng tại Nhật Bản, 5.000 người tập trung phục vụ khách hàng Nhật Bản, 1.000 người biết tiếng Nhật.
Nhưng, điều kiện cần để FPT phát triển mạnh hơn mối quan hệ này là sự thuận lợi trong việc cấp visa làm việc ngắn hạn, dài hạn cho chuyên gia, kỹ sư công nghệ thông tin của Việt Nam, cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản trong đào tạo nguồn nhân lực.
Chú trọng đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ
Mối quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản tập trung ở nguồn nhân lực và khả năng chuyển giao công nghệ, vì lâu nay, đây là vấn đề họ chưa làm được nhiều.
Ông Satoshi Endo, Chủ tịch Công ty Endo Saisakusho đã nói về kế hoạch đào tạo kỹ năng cho các nhân viên Việt Nam để họ làm chủ kỹ thuật tại Endo Việt Nam – công ty chuyên cung cấp thiết bị cơ khí chính xác chuyên dụng cho thiết bị bán dẫn, ngành công nghiệp robot, máy in phun…
Ông Takahisa Ohno, Chủ tịch Công ty TNHH Ohno Seiko cũng chia sẻ mong muốn công ty ở Việt Nam của ông sẽ được quản lý toàn bộ bởi độ ngũ nhân viên Việt Nam. “Nhà máy chúng tôi lập ra tại Việt Nam không chỉ tạo cơ hội việc làm, mà còn đào tạo các chuyên gia đóng góp công cuộc quốc tế hóa lĩnh vực này thông qua trao đổi và truyền dạy các kỹ năng nghề”, ông Ohno nói.
Nói một cách ngắn gọn, như giới thiệu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với đoàn 26 doanh nghiệp tháp tùng ông trong chuyến thăm Việt Nam lần này, đó là các đại diện doanh nghiệp Nhật Bản có mặt tại đây đều muốn đóng góp sự phát triển của Việt Nam thông qua chuyển giao công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực.
“Tôi tin chắc rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục hoạt động vững chắc, tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác Việt Nam. Cả Chính phủ Nhật Bản và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam”, ông Abe nói với các doanh nghiệp hai nước tại cuộc Đối thoại.
Theo Khánh An
Báo Đầu tư
Vietnam Report
Bình Luận (0)