Quyết tâm của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay đã thể hiện rõ sau khi mức tăng GDP 5,1% quý I/2017 được công bố và được các thành viên Chính phủ thảo luận tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2017.
Chính Thủ tướng Chính phủ cũng tỏ ra sốt ruột trước con số 5,1%, trước những sức ép mà nền kinh tế đang đối mặt. Bởi thế, những chỉ đạo rốt ráo đã được người đứng đầu Chính phủ quán triệt. Từ chuyện phải có kịch bản tăng trưởng của từng ngành và sản phẩm, nhằm vào lĩnh vực có nhiều tiềm năng nhưng đạt thấp như công nghiệp khai khoáng, xây dựng, công nghiệp chế tạo… để đạt con số kỳ vọng tốt nhất, đến chuyện làm sao đẩy mạnh đầu tư xã hội, làm sao để nước ngoài không thôn tính các ngành quan trọng của Việt Nam...
Chưa kể, còn phải giải quyết hàng loạt vấn đề cốt lõi của nền kinh tế như sự lãng phí trong xã hội, trong tiêu dùng, cần triệt để tiết kiệm trong đầu tư, trong sản xuất - kinh doanh để giảm chi phí, hạ giá thành, tăng giá trị gia tăng và tăng GDP.
Tiếp đến, là làm sao huy động mọi nguồn lực trong dân để đầu tư phục vụ sản xuất - kinh doanh, xử lý nợ xấu... Hẳn nhiên, cũng cần dành nhiều thời gian hơn để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng...
Chỉ đạo rất rõ ràng, cụ thể. Thủ tướng cũng đã yêu cầu tất cả phải dồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát. Có lẽ câu chuyện nằm ở chỗ, các giải pháp này sẽ được thực thi đến đâu và phát huy hiệu quả ra sao?
Thực ra không phải ngẫu nhiên, mà tại phiên họp thường kỳ Chính phủ lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh việc phải có quyết tâm chính trị rất lớn, cũng như giải pháp căn cơ, cụ thể hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Không ít lần, ý kiến từ dư luận xã hội cho rằng, các giải pháp điều hành từ Chính phủ là trúng, đúng và đầy đủ, song vì khâu thực thi, nên hiệu quả mang lại chưa lớn.
Chính tại phiên họp này, Thủ tướng đã nhắc chuyện vẫn còn những cán bộ, công chức có biểu hiện trì trệ, chưa tận tâm phục vụ nhân dân, hỗ trợ doanh nghiệp. Nói là có tiến bộ về môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng thực tế ở địa phương, ở xã, phường, cơ sở, còn một bộ phận cán bộ chưa làm tốt việc này. Chưa làm tốt cũng có nghĩa việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế sẽ bị ảnh hưởng, trong khi cải cách, đổi mới thể chế là gốc của phát triển.
Cũng chính tại phiên họp này, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong quản lý, điều hành. Thực tế, khi các lãnh đạo trực tiếp “ra tay”, thì tình hình sẽ khác và mục tiêu cuối cùng là tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng sẽ được quán triệt mạnh hơn.
Nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức bởi kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khi tiến trình Brexit đang ở giai đoạn nước rút, khi các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là sẽ ảnh hưởng nhiều tới thương mại và đầu tư toàn cầu. Bên cạnh đó, động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng sẽ tác động đáng kể tới kinh tế thế giới và Việt Nam.
Nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề, đòi hỏi phải nỗ lực, quyết tâm cao độ, dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh đó, chỉ có nhận diện rõ cơ hội, thuận lợi cũng như khó khăn và thách thức, chủ động đưa ra giải pháp phù hợp với thực tiễn thì mới có thể kỳ vọng kinh tế Việt Nam sớm về đích trong năm 2017.
Hà Nguyễn
Tổng hợp
Vienam Report
Bình Luận (0)