Động lực cho nền kinh tế

03/08/2018

Người tạo 0

Chuyên mục:

Sáng 2/8, Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã tổ chức phiên họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Cuộc họp được tổ chức nhằm đánh giá kết quả sau một năm rưỡi triển khai chương trình hành động của Chính phủ (tại Nghị quyết 27) thực hiện các Nghị quyết 05 của Trung ương, Nghị quyết 24 của Quốc hội về tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Vậy, các bộ ngành địa phương đã thực hiện các Nghị quyết này thế nào? Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện Nghị quyết 27, đến thời điểm hiện tại, các bộ, ngành đã có 25,8% nhiệm vụ đã triển khai, có kết quả rõ ràng.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 57,5% số nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng. Và đặc biệt, vẫn còn 16% nhiệm vụ triển khai chậm hoặc chưa triển khai. Đối với các nhóm định hướng, chính sách lớn có tỉ lệ nhiệm vụ đạt kết quả rõ ràng ở mức cao bao gồm ổn định kinh tế vĩ mô (66,7% số nhiệm vụ), cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (62,5% số nhiệm vụ), hoàn thiện thể chế kinh tế (35,7%), cơ cấu lại đầu tư công (33,3%).

Hiện vẫn còn tình trạng “một số bộ, ngành, địa phương chậm hoặc chưa ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 27. Một số nhiệm vụ chậm so với tiến độ được giao”. 

Điều đáng nói là ngay cả những việc đã thực hiện được với nhiệm vụ tái cơ cấu chất lượng cũng chưa cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, “việc thực hiện nhiều nhiệm vụ của bộ, ngành mới chỉ dừng ở việc tiếp tục thực hiện theo tiến độ, yêu cầu và định hướng đổi mới đã xác định, mà chưa thực sự tạo đột phá về giải pháp, đổi mới về cơ chế, chính sách, quy định quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan. 

Như vậy rõ ràng, để thực hiện yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế của các bộ, ngành địa phương đã có sự trễ nải nhất định. Trong khi để nền kinh tế đạt được những chỉ tiêu kinh tế theo mục tiêu đã đặt ra, chủ thể thực hiện những việc này chính là các bộ, ngành địa phương.

Câu chuyện thiếu trách nhiệm không chỉ trong quá trình tái cơ cấu mà đây là nguyên nhân cốt lõi tạo sức ỳ trong nền kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nêu lên 4 nguyên nhân có thể gây ra sự trì trệ của đất nước gồm: Thứ nhất, chưa tuân thủ đúng tinh thần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thứ hai, kỷ cương phép nước không thực hiện nghiêm túc; thứ ba, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm xảy ra trầm trọng, kéo dài; thứ tư, bệnh quan liêu, xa dân trong nhiều chủ trương, chính sách.

Hay như việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh dù Chính phủ rất quyết liệt, nhưng việc thực thi chưa đồng đều giữa các bộ, ngành và địa phương. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tình trạng chưa phối hợp các quyền lực khác nhau vẫn còn phổ biến. Sức ỳ cải cách đã xuất hiện và ngày càng lớn.

Thủ tướng nhấn mạnh, ngại trách nhiệm, né tránh trách nhiệm thì không thể phát triển được, trong khi trách nhiệm đó thuộc về cán bộ.

Tại phiên họp, Thủ tướng chỉ ra, “nếu chúng ta cứ đi mãi con đường cũ trong tổ chức sản xuất, quản lý thì chúng ta không thể phát triển được”, bởi “đổi mới, tái cơ cấu quá trình liên tục, phù hợp với xu hướng thời đại trong lúc khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão”, nếu chúng ta dừng lại sẽ tụt hậu, Thủ tướng nhấn mạnh như vậy và yêu cầu sự tập trung trách nhiệm của hệ thống chính quyền các cấp đặc biệt là những người đứng đầu.  

Người đứng đầu phải dám làm, dám chịu, quyết liệt đổi mới thì kinh tế địa phương mới chuyển động, kinh tế đất nước mới phát triển. Và trong trường hợp này, không phải địa phương nào cũng chủ động tái cơ cấu một cách tích cực.

Thủ tướng lấy ví dụ “trong lĩnh vực nông nghiệp, một số địa phương làm rất tốt, tái cơ cấu rõ nét nhưng còn nhiều địa phương vẫn làm theo cách cũ, sản phẩm cũ. Nguyên nhân là do nhận thức của cấp ủy, chính quyền nơi đó, người đứng đầu địa phương chưa nắm chắc, chưa hiểu, chưa tổ chức thực hiện. Nhiều địa phương chưa có động tĩnh gì, vẫn bổn cũ chép lại thì khó mà đạt kết quả tốt được”.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương cần nhận rõ các bất cập, tồn tại, yếu kém, khó khăn, thách thức để khắc phục, để tái cơ cấu tốt hơn, đổi mới mô hình tăng trưởng nhanh hơn. Bởi dù tốc độ tăng trưởng có khá hơn nhưng chưa như kỳ vọng.

“Các địa phương đừng có thỏa mãn rằng mình đã có sự tăng trưởng mà càng phải đặt vấn đề tăng trưởng mạnh mẽ hơn, tốt hơn. Chúng ta đang tìm động lực mới cho tăng trưởng là gì của thời kỳ này và thời kỳ tiếp theo, nhất là năm 2019, 2020” cũng như dư địa nào cần tận dụng để phát triển”.

Trả lời câu hỏi của Thủ tướng về động lực cho tăng trưởng, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng. Chẳng hạn, ở khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo còn rất nhiều tiềm năng để tăng trưởng khi một số dự án công nghiệp quy mô lớn như: 3 khai trường quặng apatit của Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam; Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn; dây chuyền cán thép của Tập đoàn Hòa Phát; dây chuyền cán tôn nguội, mạ kẽm, mạ màu của Tập đoàn Hoa Sen... sớm đi vào hoạt động, giúp gia tăng năng lực sản xuất của ngành công nghiệp.

Cùng với công nghiệp, khu vực nông nghiệp cũng được kỳ vọng sẽ có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán đầu ra cho doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu, thì sẽ tạo thêm được động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. 

Tuy nhiên để tạo động lực thực sự cho nền kinh tế, theo nhiều chuyên gia, chính là tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Nhiệm vụ này cần tiếp tục được xác định là trọng tâm trong các tháng còn lại của năm 2018 và những năm tiếp theo.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, động lực phát triển cho nền kinh tế Việt Nam thời gian tới cần tập trung vào 3 trụ cột quan trọng, bao gồm thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng.  Nếu thể chế tốt, bộ máy tốt và đặc biệt là kết cấu hạ tầng tốt, chúng ta sẽ không lo ngại không đạt được những chỉ tiêu kinh tế đã đề ra.  

Vũ Dũng

Theo VOV.vn

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *