Kinh tế tư nhân là động lực của tăng trưởng, thế nhưng lâu nay chúng ta đầu tư quá nhiều nguồn lực cho khu vực kinh tế nhà nước, trong khi khu vực doanh nghiệp (DN) này lại không phát huy được hiệu quả, đã làm cản trở rất nhiều đến mục tiêu tăng trưởng. Và đáng quan ngại hơn, việc chậm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay khiến cho nguồn lực quốc gia bị bỏ phí đối với mục tiêu phát triển kinh tế…
Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng khá, tuy nhiên công nghiệp chế biến chế tạo hiện nay phần lớn vẫn dựa nhiều vào khối các DN đầu tư nước ngoài (FDI).
Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân là động lực của tăng trưởng lại chưa được đầu tư đúng mức.
Theo PGS TS Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương cho rằng, Chính phủ đã nhìn nhận và luôn mong muốn làm sao thực hiện được việc tăng trưởng sản xuất công nghiệp.
Vì thế, cần xác định phải nâng đỡ hơn nữa, coi trọng hơn nữa khu vực kinh tế tư nhân, coi đây thực sự là động lực phát triển trong lĩnh vực này.
Trước đó, đánh giá về mục tiêu cổ phần hóa DNNN, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, đây là một chủ trương tiến bộ và mang tính chất đột phá đối với sinh mệnh của hệ thống DNNN cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Bởi ai cũng nhận ra rằng, khu vực DNNN đã không hoàn thành được vai trò là những “quả đấm thép”, là “anh cả” dẫn dắt cả nền kinh tế như kỳ vọng của nhà quản lý.
Chính vì không hoàn thành được vai trò của mình nên việc Nhà nước quyết định CPH và rút dần quyền lực của khu vực DN này được đánh giá là một quyết định sáng suốt. Tuy nhiên, thời gian qua, mục tiêu cổ phần hóa lại chưa đạt được như mong muốn.
Cũng không phủ nhận, thời gian qua vẫn có những thay đổi của một số DNNN về cả tư duy cũng như mục tiêu, kế hoạch hành động. Nhiều DNNN sau khi tái cơ cấu đã ngày càng lớn mạnh và hoạt động hiệu quả, bền vững hơn.
Tuy nhiên, so với những kỳ vọng và lộ trình mà chúng ta đã đặt ra thì vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Quá trình cổ phần hóa khu vực DN này vẫn đang bị đánh giá là chậm về tiến độ và thấp về chất lượng.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chậm cổ phần hóa DNNN đang góp phần kéo tụt mục tiêu tăng trưởng, khiến cho nền kinh tế không có động lực để phát triển một cách bền vững.
Nói như PGS TS Phạm Tất Thắng, nếu Chính phủ vẫn còn để tồn tại điểm nghẽn chậm cổ phần hóa DNNN, sẽ làm cản trở sự phát triển của các ngành công nghiệp nói chung, nguy hại hơn là bỏ phí nguồn lực quốc gia vô cùng lớn để phát triển bền vững nền kinh tế.
Đặc biệt, cùng với việc đẩy nhanh mục tiêu cổ phần hóa DNNN, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải chú trọng hơn, đầu tư mạnh mẽ hơn vào khu vực kinh tế tư nhân, bởi không phải ai, mà chính các DN nhỏ và vừa mới chính là xương sống của nền kinh tế.
Theo đó, từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030 - 2035, với vai trò ngày càng tăng, kinh tế tư nhân sẽ đóng vai trò nòng cốt cho nền kinh tế.
Đây sẽ là khu vực tiếp nhận ảnh hưởng trực tiếp từ những thay đổi trong thể chế, chính sách và là nơi biểu hiện rõ nhất những sự phát triển của nền kinh tế.
Duy Phương
Theo Báo Đại Đoàn Kết
Vietnam Report
Bình Luận (0)