“Động lực tăng trưởng hiện hành đã tới hạn và đang có dấu hiệu suy giảm năng lượng nội sinh. Nếu không thay đổi khác biệt về tư duy, cải cách thể chế, chỉ đạo điều hành phân bổ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước thì việc tiếp tục tăng trưởng cao và bền vững là thách thức lớn”.
41% mục tiêu khó hoàn thành
Đây là nhận định của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tại Hội thảo đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, được tổ chức ngày 5/9.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Nghị quyết 27 NQ/CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng gồm 16 định hướng, chính sách lớn và 120 nhóm nhiệm vụ thực hiện ở cấp bộ, ngành. Đến nay, có 25,8 % nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả rõ ràng; 57,5% nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng, 16,7% nhiệm vụ đã triển khai nhưng chưa có kết quả.
Theo đánh giá chung, có 24% mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế dự kiến hoàn thành, 32% có khả năng hoàn thành và có tới 41% khó hoàn thành, đại diện CIEM cho biết.
Về tăng trưởng kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung, cho biết, “tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua tương đối cao nhưng trong năm 2018, lần đầu tiên xuất hiện tình trạng tăng trưởng quý sau thấp hơn quý trước. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu có phải tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có xu hướng giảm?”.
Liên quan đến tăng trưởng kinh tế, lãnh đạo CIEM cho biết thêm, hiện nay năng suất lao động đã được cải thiện, theo khu vực kinh tế thì công nghiệp, xây dựng tiếp tục là trụ lực của tăng trưởng kinh tế cao, đóng góp của khai khoáng vào tăng trường kinh tế giảm đáng kể so với trước. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế không còn dựa vào gia tăng tín dụng với quy mô như trước đây.
“Kết quả cơ cấu lại kinh tế nửa đầu giai đoạn 2016-2020 cho thấy kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng phục hồi, đạt mức tương đối cao, chất lượng tăng trưởng cải thiện, cách thức tăng trưởng có thay đổi tích cực so với trước”, lãnh đạo CIEM nói.
Tuy nhiên, đại diện CIEM cho rằng, cách thức phân bố nguồn lực vẫn chưa thay đổi. Nguồn lực về cơ bản chưa được phân bố lại theo hướng nâng cao hiệu quả. Các dòng chảy lớn như sự chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ; nông thôn sang thành thị, nhà nước sang tư nhân… còn chuyển dịch chậm.
“Động lực tăng trưởng hiện hành đã tới hạn và đang có dấu hiệu suy giảm năng lượng nội sinh. Nếu không thay đổi khác biệt về tư duy, cải cách thể chế, chỉ đạo điều hành phân bố, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước thì việc tiếp tục tăng trưởng cao và bền vững là thách thức lớn”, TS Nguyễn Đình Cung nói.
Chi phí tuân thủ tăng cao
Dẫn số liệu thống kê từ cơ sở dữ liệu trung tâm hành chính quốc gia, Luật sư Lê Văn Hà cho biết, hiện Việt Nam có trên 7.200 thủ tục hành chính (TTHC). Chi phí tuân thủ TTHC tốn kém và có xu hướng tăng. Đặc biệt lệ phí liên quan đến DN.
Ví dụ, lệ phí đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp theo Thông tư 263/2016/BTC-TT tăng trung bình 150-200% các loại lệ phí công bố hợp quy – công bố sự phù hợp đối với thực phẩm công nghiệp, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng tăng 3 lần (1,5triệu).
Thời gian thực hiện và hoàn thành thủ tục hành chính dây dưa, kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN. Ví dụ thủ tục đăng ký bảo hộ độc quyền Trademark thường xuyên bị kéo dài, vượt quá thời hạn quy định của Luật sở hữu trí tuệ.
Về điểm nghẽn đăng ký kinh doanh và thủ tục công bố hợp quy, Luật sư Lê Văn Hà cho biết, về điều kiện kinh doanh, hầu hết các nghị định quy định điều kiện kinh doanh đều có thủ tục Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, mặc dù các điều kiện đăng ký “về cơ bản là chứng chỉ - bằng cấp chuyên môn, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chứng nhận về đạt tiêu chuẩn PCCC…
“Để hợp thức hoá, quy định thường kèm theo điều kiện mập mờ như: có trang thiết bị phù hợp, phương án kinh doanh, sơ đồ mô tả khu vực kinh doanh…”, ông Hà nói.
Về thủ tục công bố hợp quy, hợp chuẩn theo điều 45, 48 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006 quy định DN phải đăng ký công bố hợp chuẩn, hợp quy tại cơ quan có thẩm quyền nhưng các thủ tục này vẫn quy định theo hướng thẩm định – cấp phép nhiều hơn là “đăng ký”.
Từ thực trạng này, Luật sư Lê Văn Hà đề xuất bỏ thủ tục xác nhận đủ điều kiện kinh doanh, chuyển việc kiểm tra thủ tục kinh doanh sang hậu kiểm, xã hộ hoá thủ tục đăng ký hợp quy, hợp chuẩn.
Đề xuất các giải pháp để tăng trưởng kinh tế, lãnh đạo CIEM nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện giải pháp hiện có như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, xử lý nợ xấu… nhưng phải tăng quy mô, tốc độ và đảm bảo tính thực chất, đầy đủ, không hình thức, nửa vời. Phải có nhóm chuyên gia độc lập thẩm định các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành…trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, việc phân bổ nguồn lực cần thực hiện các giải pháp mạnh như phát triển DN tư nhân, thực hiện hỗ trợ “người thắng cuộc”. Cụ thể là việc tập hợp các dự án đầu tư quy mô lớn của tư nhân trong nước trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… Lựa chọn, chỉ đạo các địa phương, bộ có liên quan giải quyết ngay vướng mắc về đất đai, môi trường kinh doanh để đất đã giao đưa vào sử dụng, các dự án này cso thể triển khai sớm nhất có thể.
Đồng thời, đề xuất thực hiện các ưu đãi như ưu đãi DN FDI được hưởng, giải quyết các bất hợp lý về thuế, phí, về XNK, hỗ trợ DN mở rộng thị trường XK.
Hoài Anh
Theo Báo Hải Quan
Vietnam Report
Bình Luận (0)