Làm thế nào để giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN) là một trong những câu hỏi lớn đặt ra trước thềm Hội nghị Thủ tướng với DN năm 2017. Xung quanh vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam còn nhiều dư địa để giúp DN giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu.
Doanh nghiệp vẫn “kêu” về chi phí
Tại một hội thảo do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia nêu một thực tế là các hộ kinh doanh cá thể rất ngại chuyển đổi thành DN, bởi lẽ hoạt động thanh kiểm tra cũng như việc thực hiện các thủ tục hành chính ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của họ. Thông thường, để có thể làm ăn yên ổn, các hộ kinh doanh cá thể phải chi khá nhiều khoản phí cho phường, xã. Các DN còn phải “cõng” gánh nặng chi phí này lớn hơn nhiều.
Mỗi tấn quặng phải chịu 17 loại thuế, phí và các khoản nộp ngân sách khác. Ảnh: Dương Phượng Đại
Theo phản ánh của DN, việc thu phí các dự án BOT cũng còn nhiều bất cập, ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của DN.
Theo một kiến nghị về tiếp cận đất đai vừa được DN gửi lên Thủ tướng, giải phóng mặt bằng và thủ tục cấp giấy phép xây dựng cơ bản, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay giá thuê đất vẫn là vấn đề nan giải với DN. Ngoài ra, giá điện, giá xăng dầu luôn “rình rập” tăng cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của DN.
Bên cạnh đó, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản cho rằng, hiện thuế tài nguyên tính theo giá bán là chưa hợp lý. Lý do là khi đơn vị sản xuất xác định giá bán dựa trên nhiều yếu tố như: chi phí nguyên vật liệu, tiền lương, khấu hao, vật tư điện nước… "Do đó, nếu tính thuế tài nguyên dựa trên giá bán là chưa đúng, bởi như vậy khấu hao, tiền lương… cũng chịu thuế tài nguyên”, một DN phản ánh. Nghiên cứu của PWC tại 22 nước có khai thác khoáng sản cho thấy, không thấy nước nào thu 17 loại thuế, phí và các khoản nộp vào ngân sách như ở Việt Nam. Theo Hiệp hội DN địa chất và khoáng sản Việt Nam, mỗi tấn quặng phải chịu 5 loại phí, 7 loại thuế, 5 khoản khác.
Còn dư địa nào để tiết giảm?
Liên quan đến chuyện giảm chi phí cho DN, tại cuộc họp trù bị chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Thủ tướng gặp DN năm 2017, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đặng Huy Đông cho rằng, thực tế chúng ta vẫn còn nhiều dư địa để giải quyết vấn đề này. Ông Đông nói: “Chúng ta hô hào sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhưng thực tế ý thức của nhiều đối tượng, trong đó có các DN, vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức cho vấn đề này”.
Cũng tại cuộc họp, đại diện Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, đấu thầu qua mạng được đánh giá là một biện pháp giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí cho DN. Chúng ta đã có thông tư về vấn đề này, trong đó đặt lộ trình tăng tỷ lệ gói thầu thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng. Song tổng hợp của Cục cho thấy, đến nay tỷ lệ đấu thầu qua mạng mới đạt 4,17%, quá thấp so với yêu cầu.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giúp DN giảm chi phí, Bộ KH&ĐT cho rằng, để thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ và phát triển DN, phải chấm dứt việc lợi dụng, lạm dụng hoạt động thanh tra, kiểm tra để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho DN. Thanh tra, kiểm tra DN là nhằm hướng dẫn, giúp DN sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật, có hiệu quả.
Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và nhanh chóng điều chỉnh các quy định pháp luật về đất đai theo hướng giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của DN; giảm phí sử dụng đường bộ để giúp DN giảm chi phí, đặc biệt là DN kinh doanh dịch vụ vận tải.
Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải rà soát cơ chế kiểm tra, kiểm soát lưu lượng phương tiện, kiểm soát doanh thu thực tế của các dự án làm cơ sở tính thời gian thu phí hoàn vốn và mức thu phí đối với các dự án BOT. Khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác quản lý dự án, vị trí đặt trạm thu phí, mức thu phí đảm bảo minh bạch hơn…
Trung Hiếu
eBáo Đấu Thầu
Vietnam Report
Bình Luận (0)