Sau mùa Đại hội cổ đông, nhiều DN hoặc là báo lỗ hoặc là tỏ ra thận trọng khi đặt ra kế hoạch tăng trưởng kinh doanh trong năm 2016. Điều này có thể hiện sức khỏe của DN Việt Nam đang dần yếu đi?
Doanh nghiệp gặp khó
Theo báo cáo kết quả kinh doanh trong năm 2015, nhiều DN cả lớn và nhỏ báo lỗ lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhất là trong quý IV-2015. Tiêu biểu như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) báo lỗ lên tới 589 tỷ đồng vào quý IV-2015, kéo sụt lợi nhuận của HAGL trong cả năm 2015 xuống chỉ bằng 46,6% so với kết quả đạt được trong năm 2014, ở mức 678,6 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là do giá vốn hàng hóa tăng mạnh lên tới 4.227 tỷ đồng cùng với chi phí tài chính tăng gần gấp đôi lên 1.303 tỷ đồng, khiến tổng nợ phải trả của HAGL lên mức 32.641 tỷ đồng, tăng hơn 11.500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2015.
Cũng vào cuối năm 2015, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) báo lỗ lên tới 588 tỷ đồng, khiến lũy kế cả năm 2015, Eximbank ghi nhận 89 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và âm 26 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Điều đáng nói, trong 3 năm trở lại đây, Eximbank đều báo lỗ lớn vào quý cuối năm, khiến cổ đông e ngại về hoạt động kinh doanh của ngân hàng này.
Bên cạnh không ít DN báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ, nhiều DN còn đặt ra các chỉ tiêu về lợi nhuận trong năm 2016 không quá cao so với năm 2015, chỉ tăng từ 10-20% so với năm trước đó. Thậm chí, có DN còn đưa ra những chỉ tiêu dự kiến trong năm 2016 thấp hơn so với chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2015. Chỉ tiêu phát triển kinh doanh của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) có nhiều chỉ số thấp hơn, ví dụ như tổng tài sản phải đạt 70.000 tỷ đồng, thấp hơn so với kế hoạch 71.104 tỷ đồng của năm 2015, chỉ tiêu vốn huy động cũng thấp hơn khoảng 4.000 tỷ đồng so với năm trước.
Trên thực tế, nguyên nhân để kết quả kinh doanh suy giảm có thể do bản thân DN, nhưng cũng có thể do những tác động từ các yếu tố kinh tế bên ngoài.
Nói về sự khó khăn của DN mình, ông Trần Bình Phú, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu Vietfracht chia sẻ, những năm qua ngành đóng tàu và vận tải biển trong nước gặp nhiều khó khăn do thiếu năng lực để phát triển, chịu sự cạnh tranh lớn của các DN nước ngoài.
Với các ngân hàng thương mại, nguyên nhân để các ngân hàng thua lỗ hoặc thận trọng trong kế hoạch tăng trưởng kinh doanh còn do các ngân hàng phải dành nhiều nguồn vốn hơn để trích lập quỹ dự phòng rủi ro. Quỹ này đã được quy định tăng thêm 20%/năm, trong khi các ngân hàng vẫn bán nợ xấu cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC). Chính vì thế, trong quý IV-2015, Eximbank lỗ 588 tỷ đồng vì phải trích lập dự phòng rủi ro lên tới 935 tỷ đồng.
Vượt khó
Theo Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, trong giai đoạn 2012-2015, tốc độ tăng trưởng về nguồn vốn, doanh thu của DN giảm mạnh, chỉ đạt mức 10%/năm, trong khi giai đoạn 2007-2011 tăng trưởng bình quân gần 34%/năm. Nguyên nhân do 4 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam phục hồi chậm chạp và đang trong giai đoạn tái cấu trúc. Tuy nhiên, trong năm 2015, thị trường đã ghi nhận sự tăng trưởng trở lại của các DN, cho thấy các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh hỗ trợ DN trong thời gian qua đã đi đúng hướng.
Chính vì thế, các DN đều đang phải cố gắng tận dụng mọi cơ hội để vượt qua khó khăn. Ông Trần Bình Phú cho hay, Vietfracht đã lên kế hoạch đảm bảo về mặt tài chính và kinh doanh cho DN với việc tái cơ cấu đội tàu, cắt giảm tàu và chuyến tàu không cần thiết hoặc ít nguồn hàng để không tốn quá nhiều tài chính vào mảng kinh doanh chưa có nhiều khởi sắc này. Công ty sẽ dành nhiều nguồn lực hơn để xoay sang mảng logistics. Mảng này đang được đánh giá sẽ rất phát triển khi Việt Nam mở cửa thị trường, hơn nữa, chi phí đầu tư không nhiều mà thu hồi vốn nhanh.
Về phía các ngân hàng thương mại, khảo sát của Vụ Dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, 92% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể của năm 2016 sẽ tốt hơn so với năm 2015. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm nhẹ kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng huy động vốn và dư nợ tín dụng trong năm 2016 về mức hợp lý hơn. Dù vậy, mức điều chỉnh không đáng kể và vẫn cao hơn các mức kỳ vọng và tăng trưởng thực tế của năm 2015.
Đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho hay, từ nay đến cuối năm, BIDV sẽ nỗ lực tiết giảm 500-600 tỷ đồng chi phí hoạt động, tăng thu dịch vụ ròng, cải tiến quy trình nghiệp vụ. Đồng thời, BIDV sẽ tập trung đẩy mạnh cơ cấu danh mục tín dụng theo hướng kiểm soát chặt chẽ quy mô cho vay bất động sản, các dự án BOT, kinh doanh chứng khoán và các lĩnh vực có hệ số rủi ro cao để tập trung tăng trưởng tín dụng trong các lĩnh vực có hệ số rủi ro thấp, được hưởng lợi từ chính sách hội nhập…
Nhìn chung, bên cạnh không ít DN báo lỗ hay tăng trưởng chậm thì vẫn còn nhiều DN báo lãi lớn với kết quả kinh doanh đầy khả quan. Vì thế, những con số lỗ trên không thể hiện rõ sức khỏe của DN Việt Nam đang khỏe hay yếu, mà chỉ cho thấy chuyển biến của nền kinh tế trong nước và thế giới đã tác động nhiều đến DN, buộc các DN phải ứng phó và có những thay đổi để tiến lên trong thời gian tới.
Theo Báo Hải quan
Vietnam Report
Bình Luận (0)