Fintech châu Á: Mặt trời ban trưa

14/05/2019

Người tạo 0

Chuyên mục:

Mặt trời đang tỏa những tia sáng chói lọi trên khắp châu Á, một điểm nóng mới của fintech.

Các ngân hàng trên thế giới đang dõi theo châu Á một cách đầy hứng thú. Dù nhìn đi đâu thì xu hướng fintech (công nghệ tài chính) giờ đang nghiêng về châu lục này. Năm 2018, các nhà đầu tư mạo hiểm đã rót con số kỷ lục 39,57 tỉ USD vào các fintech với 1.707 thương vụ trên toàn cầu. Số thương vụ tăng chỉ 15% so với năm trước nhưng giá trị thương vụ lại tăng tới 120%, theo một báo cáo gần đây của CB Insights.

Mặc dù Mỹ thu hút lượng vốn lớn nhất, nhưng bám sát gót lại là châu Á, vốn chứng kiến mức tăng khủng 38% so với năm trước đó. Cũng theo báo cáo của CB Insights, châu Á dự kiến sẽ qua mặt Mỹ trở thành trung tâm thu hút đầu tư fintech trong tương lai gần. Các quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc - quê hương của 4 trong số những startup kỳ lân lớn nhất trong ngành fintech, cùng với Nhật và Hàn Quốc, đang dẫn dắt thế giới trong công cuộc cải tiến fintech. 3 quốc gia này cùng với Ấn Độ và Đài Bắc đã chiếm tới 72,6% bằng sáng chế fintech trên toàn cầu trong năm ngoái.

Có nhiều yếu tố đằng sau sự trỗi dậy của ngành fintech châu Á. Trong đó, đáng chú ý là các điều kiện thị trường thuận lợi như tầng lớp dân số trẻ, say mê công nghệ số và nhu cầu cao của những người dân chưa tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng. Fintech đã tìm thấy chỗ đứng tuyệt vời trong các thị trường được hỗ trợ về công nghệ nhưng còn thiếu vắng các sản phẩm tài chính.

Lấy Indonesia làm ví dụ. Quốc gia này có 1/2 dân số dưới 30 tuổi và có tỉ lệ sử dụng smartphone dự kiến sẽ lên tới 50% trong năm nay. Với những đặc điểm này, Indonesia dễ dàng tiếp thu những sản phẩm tài chính cải tiến trên di động. Tại Trung Quốc và Ấn Độ, điều tương tự cũng đang diễn ra khi hơn phân nửa người trưởng thành sử dụng internet hoặc di động thường xuyên dùng các dịch vụ fintech. Tại Đông Nam Á, một lượng lớn người dân chưa được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cũng sẵn sàng sử dụng các sản phẩm fintech và vì thế tạo ra một trong những thị trường fintech tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Trong khi đó, ngành fintech Singapore thành công nhờ vào một môi trường cởi mở và những nhà điều hành đất nước vô cùng năng động. Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã được bình chọn là “Ngân hàng Trung ương của năm” (năm 2018) nhờ những sáng kiến fintech cũng như các nỗ lực giám sát và ổn định tài chính. Quốc đảo này cũng luôn đi tiên phong trong các hoạt động thanh toán kỹ thuật số với gần 500 doanh nghiệp fintech cung cấp các giải pháp từ thanh toán ngang hàng (P2P) cho đến dịch vụ cho vay tiền cho các hoạt động giao dịch tiền mã hóa và gọi vốn cộng đồng (crowdfunding).

Nhiều quốc gia châu Á có các quy định tài chính nới lỏng hơn, giúp cho ngành fintech nước họ được thoải mái phát triển. Tại một số nước, ngành fintech hưởng lợi từ sự hỗ trợ tích cực của chính quyền. Vào năm 2018, Ngân hàng Trung ương Philippines đã đưa ra một chính sách gia tăng tỉ lệ sử dụng thanh toán số gấp 20 lần từ 1% năm 2017 lên 20% vào năm 2020. Điều đó đã tạo ra một cơn lốc các nền tảng thanh toán, công ty tài chính thay thế và các công ty blockchain.

Tại Việt Nam, động lực phát triển fintech đến từ kế hoạch của Chính phủ trong việc đưa đất nước trở thành nền kinh tế phi tiền mặt vào năm 2020. Lực đẩy còn đến từ tầng lớp người tiêu dùng chưa được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, vì thế háo hức sử dụng các dịch vụ fintech để thực hiện các giao dịch tài chính.

Cơ sở hạ tầng tài chính cũng góp phần vào tốc độ bành trướng của fintech. Sự vắng mặt của một hạ tầng tài chính trưởng thành đang thúc đẩy nhu cầu về những giải pháp thay thế đơn giản và nhanh chóng để phục vụ việc thanh toán. Các công ty fintech năng động đã chớp lấy cơ hội này để đưa những công nghệ số mới nhất vào châu Á.

Khi ngành fintech phát triển thì thách thức cho các ngân hàng cũng gia tăng. Tại Trung Quốc, Alibaba thiết lập hệ thống thanh toán Alipay để kích thích mua sắm trực tuyến, nhưng cũng đã nhanh chóng đa dạng hóa trở thành một đế chế cho vay tiêu dùng cực kỳ thành công. Tencent cũng đang bành trướng dịch vụ thanh toán của mình vào các lĩnh vực như bảo hiểm và tài chính vi mô.

Các ngân hàng trên khắp châu Á đối phó với xu hướng fintech theo nhiều cách khác nhau. Hợp tác với fintech, đặc biệt các bigtech là một trong số đó. Nhiều ngân hàng cũng đang thiết lập các bộ phận ngân hàng số riêng biệt như ngân hàng số của DBS Bank tại Ấn Độ. Không ít ngân hàng cũng đầu tư vào các phòng lab để cho ra đời những cải tiến tương tự fintech của riêng mình. Tại một số quốc gia, một nhóm ngân hàng lớn đã bắt tay tạo ra các giải pháp sử dụng những công nghệ số mới nhất để cạnh tranh với các đối thủ fintech, như thương vụ bắt tay giữa Emirates NBD và ICICI Bank nhằm phát triển một mạng lưới chuyển tiền dựa trên blockchain, hay sự ra đời của India Trade Connect, một mạng lưới tài chính thương mại dựa trên blockchain giữa 7 ngân hàng lớn của Ấn Độ.

Phương Linh

Theo Nhịp cầu đầu tư

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *