GS. Đặng Hùng Võ: Không nên đánh thuế nhà ở theo giá trị như Bộ Tài chính

03/05/2018

Người tạo 0

Chuyên mục:

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, thực chất mức thuế đất được quy định quá thấp 0,03% như hiện nay là không hợp lý, bởi Nhà nước đang phải vay vốn để chi trả cho việc phát triển hạ tầng xã hội chứ không phải từ nguồn thuế của người dân.

Không nên đánh thuế theo giá trị nhà ở như đề xuất của Bộ Tài chính hiện nay bởi như vậy sẽ khiến cho các chủ đầu tư đồng loạt xây dựng nhà giá rẻ, dẫn đến kìm hãm sự phát triển của đô thị, khiến những thành phố xanh, hiện đại sẽ không bao giờ hiện diện, vị chuyên gia này cho hay.

"Thuế sử dụng đất 0,03% trước đó là sai"

Đối với đề xuất đánh thuể tài sản của Bộ Tài chính, nhiều ý kiến dư luận cho rằng, mức thuế nhà ở phải nộp của người dân sẽ tăng lên rất nhiều lần, từ đó gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ và sự phát triển của thị trường bất động sản. Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

GS.Đặng Hùng Võ:Việc người dân phản đối đề xuất đánh thuế tài sản mới của Bộ Tài chính vì lo ngại họ sẽ phải nộp thêm một phần thuế không nhỏ hàng năm là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là Việt Nam đang đánh thuế nhà đất rất thấp trong khi các nước khác trên thế giới họ để mức thuế này rất cao. 

Thông thường, các nước khác đánh thuế khoảng 1% thuế vào tổng giá trị của cả đất lẫn nhà tính theo giá thị trường, còn ở Việt Nam hiện chỉ đánh 0,03% thuế đất và không tính thuế nhà ở.

Mức thuế này theo tôi là quá thấp so với các nước trên thế giới, cũng chính vì vậy nên nó dẫn đến rất nhiều hệ luỵ mà trước hết là mức thuế quá thấp này không đủ cho Nhà nước chi trả các dịch vụ công cộng tại đô thị. Việc nâng cấp đô thị cũng như việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, xã hội gặp rất nhiều khó khăn. 

Do đó, tôi cho rằng việc phê duyệt mức thuế sử dụng đất 0,03% trước đó là sai. Bởi rõ ràng người dân đang sống trong một thành phố được lợi rất nhiều về cơ sở hạ tầng trong khi họ lại chỉ phải trả một mức thuế rất thấp. Nhà nước hiện vẫn phải dùng ngân sách và vốn đi vay ODA để trả cho các khoản chi này chứ không phải từ nguồn thuế của người dân. 

Vậy theo ông việc tăng mức thuế đối với nhà đất trong thời gian tới sẽ mang lại những lợi ích như thế nào?

GS.Đặng Hùng Võ:Việc áp dụng tính thuế nhà đất trước hết sẽ giúp làm giảm giá bất động sản trên thị trường hiện nay. Theo quy luật thông thường, thuế cao thì giá sẽ thấp. Giá bất động sản thấp là điều rất tốt trên thị trường, qua đó giúp ngăn ngừa đầu cơ, tích trữ nhà đất, giúp mọi người dân đều có cơ hội dễ dàng tiếp cận hơn với các sản phẩm nhà ở.

Bên cạnh đó, về mặt vĩ mô, khi nâng mức thuế nhà đất lên cao sẽ khiến chi phí đầu vào của đất đai trong quá trình sản xuất hàng hoá giảm đi, làm tăng thêm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Mặt khác, thuế tài sản sẽ có tác động tích cực trong việc điều chỉnh lại dân cư. Khi đó, người dân sẽ không ở trung tâm đô thị nữa mà sẽ dãn ra các khu vực ngoại ô bởi ở trung tâm đô thị thuế nhà đất sẽ rẩt cao, kể cả theo giá của Nhà nước, những khu vực trên thị trường có giá 1tỷ/m2 thì giá Nhà nước cũng khoảng 200 triệu.

Như vậy, Nhà nước sẽ dễ dàng hơn trong việc cải tạo các khu phố cổ, những khu phố mà hiện nay có giá trị đát rất cao mà hiện nay Chính phủ đang cố gắng điều chỉnh bằng cơ chế hành chính nhưng không thể làm được, và không bao giờ làm được bằng cơ chế hành chính.

Đồng thời, tăng thuế, Nhà nước sẽ có thêm nguồn thu ngân sách để phát triển xã hội. Việc nâng cao mức thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và đánh thuế vào nhà ở là giải pháp duy nhất để tăng nguồn thu hợp lý cho phát triển hạ tầng, dịch vụ công cộng và nâng cấp đô thị. 

Các chủ đầu tư sẽ đổ xô làm nhà giá rẻ?

Cách tính thuế tài sản của Bộ Tài chính hiện nay đang đề xuất tính thuế dựa trên giá trị nhà. Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định nhà ở có giá dưới 700 triệu đồng tính theo suất vốn đầu tư của UBND tỉnh công bố) không phải nộp thuế nhà ở sẽ khiến các chủ đầu tư đổ xô làm nhà giá rẻ, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị, theo ông điều này có phù hợp?

GS.Đặng Hùng Võ: Thuế tài sản do Bộ Tài chính đề xuất hiện nay đang phân định rõ thuế nhà và thuế đất. Đối với thuế đất được xác định theo giá trị đất đai, giá đất cao nộp thuế nhiều. Điều này là hoàn toàn đúng theo nguyên tắc và quy chuẩn chung của thế giới.

Tuy nhiên, đối với thuế nhà, nếu Bộ Tài chính đề xuất tính theo giá trị nhà thì lại sai lầm. Nếu tính thuế nhà theo giá trị sẽ làm thui chột ý định phát triển phát triển của toàn xã hội. 

Hàng loạt các chủ đầu tư vốn rất khôn ngoan sẽ ồ ạt xây dựng nhà giá rẻ, lụp xụp vì mục tiêu không phải đóng thuế nhà ở. Như vậy, những thành phố thông minh, hiện đại sẽ không bao giờ tồn tại. Đây chính là hệ quả xấu mà kinh nghiệm phát triển tại nhiều nước đã cảnh báo.

Do đó, tôi cho rằng, Nhà nước cần khuyến khích đầu tư trên đất chứ không phải phải đầu tư trên đất càng nhiều, thuế càng cao. Trên thế giới hiện đang có một phương pháp tính thuế rất tiến bộ là thuế nhà trên diện tích nhà ở với tỷ suất thuế phù hợp với từng khu vực, nhà ở tại trung tâm sẽ đắt hơn ngoại ô.

Cụ thể, theo chiến lược phát triển nhà ở, mức diện tích bình quân đầu người cần đạt được là 25m2. Như vậy, thuế nhà ở nên áp với hạn mức từ 25m2 trên đầu người trở lên, với thuế suất phù hợp với từng khu vực.

Một vấn đề nữa là hiện nay người dân không thích thú với việc đánh thuế tài sản, bởi họ đã chịu thuế thu nhập cá nhân rồi, điều này sẽ khiến người có tài sản không muốn đầu tư. 

Chính vì vậy, như đã phân tích ở trên, tôi cho rằng, thuế tài sản theo quan niệm mới hiện nay nên được quy định là đánh vào sự hiện diện của cư dân trong các khu đô thị. Người dân sử dụng hạ tầng, dịch vụ công cộng tại các khu đô thị đương nhiên họ phải nộp thuế cho việc đó để Nhà nước có kinh phí đầu tư nâng cấp. Như vậy sẽ hợp lý và khoa học hơn.

Hiện nay dư luận đang phản đối việc thu thêm thuế của Bộ Tài chính do họ cho rằng nhà nước chưa công khai, minh bạch chi ngân sách, chi tiêu lãng phí dẫn đến thiếu hụt. Ông có đồng tình với quan điểm này?

GS.Đặng Hùng Võ: Tôi không phản đối việc người dân nói chi tiêu ngân sách là sai. 

Về vấn đề này, người dân có thể chất vấn Nhà nước về việc thu ngân sách và sử dụng ngân sách. Tất nhiên có những nguồn thu bất hợp lý tôi đồng ý như thuế bảo vệ môi trường, thuế xăng dầu.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn còn để trống một khoảng thu rất lớn là người dân đang sử dụng dịch cụ công cộng bằng tiền Nhà nước đi vay để phát triển hạ tầng đô thị mà không mất đồng thuế nào. 

Một người dân bình thường hiện nay chỉ đóng thuế VAT. Thuế thu nhập cá nhân thì chỉ những người thu nhập cao mới phải đóng. Còn lại, thu ngân sách Nhà nước vẫn chủ yếu dựa vào thuế doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Do đó, trong tương lai, việc người dân đóng thêm thuế để phát triển hạ tầng đô thị là hoàn toàn hợp lý.

Xin cảm ơn ông!

Theo The Leader

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *