Năm 2018 đi qua với gần nửa quãng đường nhưng số vốn đầu tư từ ngân sách đưa vào nền kinh tế chỉ vào khoảng 1/5 tổng số vốn. Đầu tư là một trong những lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, do đó sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công sẽ có tác động nhất định tới tốc độ tăng trưởng.
Giải ngân rất chậm
Hồi đầu tháng 4/2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Bộ KH&ĐT nhằm đánh giá về giải ngân vốn đầu tư công và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu công đã nhấn mạnh, năm 2018, Chính phủ đặt mục tiêu Nghị quyết giải ngân 100% vốn đầu tư công, việc thực hiện mục tiêu này là một thách thức.
Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn 2,49 tỷ USD, khởi công tháng 8/2012, dự kiến hoàn thành năm 2020. Đến cuối tháng 2/2018, dự án chỉ mới đạt khoảng hơn 50% khối lượng và giải ngân đạt khoảng hơn 30% vốn. Ảnh: ST
Cũng tại buổi làm việc này, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, năm 2016 giải ngân được 91,3% vốn đầu tư công. Năm 2017, vốn đầu tư công đã giải ngân được 86%, thấp hơn so với năm 2016 với lý do chính là đưa nhiều công trình đầu tư mới sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ (TPCP) vào thực hiện khiến cho việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công chậm.
Thực tế hiện nay nguồn vốn đầu tư công 2018 đang trong tình trạng giải ngân rất chậm. Báo cáo mới đây từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018, Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018, Quốc hội đã thông qua tổng số kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2018 là 399.700 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 339.700 tỷ đồng (bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ là 50.000 tỷ đồng) và vốn nước ngoài 60.000 tỷ đồng. Đến nay, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai phân giao kế hoạch đầu tư vốn với tổng số vốn đầu tư nguồn NSNN được giao là 384.135,856 tỷ đồng và số vốn chưa giao là 15.564,144 tỷ đồng.
Về giải ngân nguồn vốn này, số liệu từ Bộ KH&ĐT cho biết, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN trong 4 tháng đầu năm đạt 70,9 nghìn tỷ đồng, bằng 21% kế hoạch năm. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Tài chính thì giải ngân nguồn vốn này bao gồm cả vốn TPCP là hơn 65.021 tỷ đồng, đạt 16,27% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 16,93% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Theo Bộ Tài chính, việc giải ngân vốn của các bộ, ngành Trung ương và địa phương 4 tháng đầu năm 2018 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017, đặc biệt là nguồn vốn ngoài nước. Cụ thể, vốn trong nước giải ngân được hơn 60.464 tỷ đồng, đạt 17,8% kế hoạch Quốc hội giao; vốn ngoài nước chỉ giải ngân được hơn 4.557 tỷ đồng, chỉ đạt 7,6% kế hoạch Quốc hội giao. Chỉ có 6 bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 30%, còn lại, các bộ, ngành, địa phương đều có số giải ngân thấp, trong đó, có 19 bộ, ngành và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 5%.
Liên quan đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ, mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với 3 Bộ (Giao thông vận tải, NN&PTNT, Tài nguyên và Môi trường) về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2018. Đây là 3 đơn vị chiếm phần lớn nguồn vốn đầu tư công (chiếm tới trên 25% tổng nguồn vốn đầu tư công của cả nước giai đoạn 2016-2020, riêng vốn kế hoạch của năm 2018 này thì chiếm khoảng trên 10%) song tỷ lệ giải ngân ngân của ba bộ này rất thấp, thấp hơn cả mức trung bình của cả nước.
Nhiều lo ngại
Tìm hiểu nguyên nhân được biết, việc giải ngân vốn của các bộ, ngành, địa phương thấp là do kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN mới được Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&ĐT giao trong tháng 1. Đến hết tháng 2, các bộ, ngành, địa phương mới cơ bản hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án. Bên cạnh đó, theo quy định tại Luật Đầu tư công, kế hoạch vốn năm 2017 được kéo dài sang năm 2018, mặt khác một số nguồn vốn kế hoạch năm 2017 giao bổ sung muộn (đơn cử như vốn TPCP giao đợt 3 vào cuối tháng 11/2017), do vậy, các chủ đầu tư tập trung giải ngân vốn kéo dài năm trước sang.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, về chủ quan, tâm lý chủ quan cho rằng thời gian làm các thủ tục thanh toán vốn năm 2018 còn nhiều cũng là nguyên nhân gây chậm trễ giải ngân. Đối với vốn nước ngoài, kế hoạch vốn được giao quá chậm nên việc triển khai các dự án giải ngân theo kế hoạch vốn chậm. Một số dự án vẫn còn đang chờ thủ tục gia hạn giải ngân từ nhà tài trợ, một số dự án đang trong quá trình thanh quyết toán nên tiến độ giải ngân không đều…
Theo các chuyên gia, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, giải ngân đầu tư công chậm dẫn tới nhu cầu về các dịch vụ công như đường cao tốc, bến cảng, trường học, bệnh viện… sẽ chậm được đưa vào sử dụng, điều đó làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, không phục vụ kịp thời cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chuyên gia này cho rằng, hiện thủ tục liên quan đến đầu tư công còn rất rườm rà, phiền phức vì thế cần phải nhanh chóng cắt giảm các thủ tục, nếu vấn đề này được làm sớm, sẽ thúc đẩy nhanh hiệu quả phát triển kinh tế và tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn.
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhấn mạnh, đầu tư công là nguồn lực quan trọng, chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2018, do đó nếu giải ngân vốn này chậm trễ kéo dài thì tăng trưởng kinh tế 2018 sẽ có nhiều hạn chế. Chuyên gia Lưu Bích Hồ lo ngại: “Năm 2017 giải ngân đầu tư công chỉ đạt hơn 80%, tuy nhiên bù lại ta có nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và FDI. Nhưng năm 2018 nếu tái diễn giải ngân đầu tư công chậm thì không rõ nguồn vốn đầu tư tư nhân có đủ lớn để “trám” vào không, chưa kể thu hút FDI 2018 đang rất chậm”. Từ lo ngại này, chuyên gia Lưu Bích Hồ nhấn mạnh, một mặt phải rà soát kỹ từng dự án đầu tư để tìm ra nguyên nhân và kịp thời xử lý, tháo gỡ, mặt khác, các chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân phải được thực hiện triệt để.
Theo GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân), giải ngân đầu tư công chậm ảnh hưởng trực tiếp tới GDP 2018, ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn vốn ngân sách có hiệu quả, gây ra nhiều hệ lụy quan trọng như kéo dài dự án khiến các công trình sẽ không được đưa vào khai thác đúng tiến độ để phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế, các công trình bị đội vốn, ảnh hưởng chất lượng công trình… GS.TS Đặng Đình Đào nhấn mạnh, cần có sự phối hợp nhịp nhàng để giải ngân hiệu quả nguồn vốn đầu tư công 2018 cũng như nguồn vốn 2017 chưa được giải ngân hết, đồng thời xử lý các dự án chậm tiến độ.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ KH&ĐT đề xuất cần hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, cần tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức hợp tác công tư (PPP), hoàn thiện thể chế và tăng cường các biện pháp khuyến khích đầu tư theo hình thức này nhằm huy động bổ sung thêm nguồn vốn NSNN thực hiện đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Hoài Anh
Theo Báo Hải quan
Vietnam Report
Bình Luận (0)