Giám đốc khu vực châu Á - TBD của WEF Justin Wood hy vọng qua hội nghị WEF ASEAN, Việt Nam có thể tìm được giải pháp thực tiễn nâng cao năng lực đổi mới, hỗ trợ khởi nghiệp.
Từ ngày 11-13/9, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN), một trong những hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng và lớn nhất của Việt Nam trong năm 2018.
Dự kiến khoảng 1.000 đại biểu quốc tế và trong nước sẽ tới thủ đô Hà Nội tham dự Hội nghị, trong đó có lãnh đạo cấp cao nhiều nước ASEAN và khu vực, cũng như lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu trên thế giới.
Justin Wood, giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WEF, khẳng định Việt Nam đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các lãnh đạo toàn cầu. WEF tổ chức Hội nghị tại Việt Nam bởi Việt Nam cam kết mạnh mẽ để thấu hiểu ý nghĩa của Cách mạng Công nghiệp 4.0, phát triển liên minh thương mại toàn cầu và là đối tác quan trọng của WEF.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của kinh tế Việt Nam và ASEAN?
- Tôi nghĩ Việt Nam có tiềm năng rất mạnh mẽ. Trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng hơn 7%/năm, dân số trẻ gần 100 triệu người, lạm phát thấp và ổn định trong khi mức nghèo đang giảm. Không những thế, giá trị thương mại và xuất khẩu tăng, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cũng được tăng cường. Do đó, tôi nghĩ rằng nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển vững mạnh.
Điều này cũng đúng với hầu hết nước thành viên ASEAN. Khu vực ASEAN là một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới. Vậy nên, nếu bạn là doanh nghiệp toàn cầu đi tìm sự phát triển kinh tế thì chắc chắn ASEAN sẽ là lựa chọn hàng đầu.
Tại đây có nguồn nhân lực trẻ, nhiều cơ hội thú vị để phát triển thị trường và cơ sở hạ tầng, đồng thời cũng có nhiều chuyển biến tích cực trong lĩnh vực đầu tư. Tất cả những điều này khiến các đối tác hứng thú và háo hức mong chờ. Bản thân tôi cũng rất lạc quan về viễn cảnh tương lai của Việt Nam và ASEAN.
Việt Nam và ASEAN được nhận định là có nhiều tiềm năng phát triển như vậy nhưng các nước cũng đang đối mặt với những thách thức gì, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0?
- Tôi cần nhấn mạnh rằng Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 là thách thức đối với mọi quốc gia. Dù là nước giàu, nghèo hay trung bình, tất cả đều sẽ phải đối mặt với thách thức vô cùng lớn để có thể nắm bắt và điều chỉnh hướng phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp cận kề.
Việt Nam, một nước có thu nhập tầm trung, có những thách thức riêng. Lực lượng lao động trẻ của Việt Nam cũng như toàn khu vực ASEAN đang ngày càng mở rộng. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, dân số thuộc độ tuổi lao động trong khu vực tăng 11.000 người mỗi ngày và tiếp tục phát triển với tốc độ này trong 15 năm tới. Đó sẽ là sự gia tăng khổng lồ trong nguồn nhân lực.
Việc này lại diễn ra cùng lúc với sự phát triển công nghệ, dẫn đến những khó khăn trong thị trường việc làm. Ví dụ, trí tuệ nhân tạo giờ có khả năng thay thế con người. Chúng ta có robot công nghiệp tốn ít chi phí vận hành nhưng lại cho năng suất vượt lao động giá rẻ, hay sự xuất hiện của phương tiện tự hành đồng nghĩa với việc bạn không cần có tài xế taxi hay xe buýt nữa. Các nhà lãnh đạo khu vực sẽ phải suy nghĩ kỹ về cách thức tạo việc làm trong tương lai.
Một số khó khăn liên quan đến tính cạnh tranh của nền kinh tế. Trước đây, Việt Nam cạnh tranh bằng lao động giá rẻ nhưng đó không phải là hình thức cạnh tranh bền vững bởi công nghệ tự động hóa sẽ còn rẻ hơn nhiều.
Ngoài ra, khi Cách mạng Công nghiệp 4.0 tới gần, chính phủ đứng trước nhu cầu đầu tư vào đào tạo và huấn luyện nhằm đảm bảo người lao động được chuẩn bị tốt trong kỷ nguyên số. Không những thế, họ cũng phải đầu tư vào công nghệ, cơ sở hạ tầng và các yếu tố bổ trợ. Những đòi hỏi này diễn ra song song với viễn cảnh thiếu việc làm, dẫn đến việc người dân không thể đóng góp thuế như chính phủ mong muốn để vận hành.
Đó là một vài khía cạnh chính phủ cần phải suy xét kỹ lưỡng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị WEF ASEAN 2017 tại Campuchia. Ảnh: VGP. |
Trước những thách thức như vậy, ông có đề xuất gì để Việt Nam và các nước ASEAN có thể vượt qua khó khăn và tận dụng cơ hội của Cách mạng Công nghiệp 4.0?
- Rất khó để đưa ra ngay một giải pháp rằng Việt Nam có thể làm gì và nên làm gì. Đó là những câu hỏi lớn. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định WEF có chương trình hợp tác với chính phủ Việt Nam và mối quan hệ này được xây dựng trên cơ sở thấu hiểu ý nghĩa của Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Chúng tôi đang phối hợp với nhiều bộ, ngành để cố gắng nhận thức rõ hơn về tương lai và những gì chúng ta có thể mong đợi trong thời đại công nghệ đột phá, siêu đổi mới. WEF đang làm việc với chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp để nghiên cứu lộ trình tận dụng công nghệ theo hướng có lợi thay vì phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ công nghệ.
Trong thời gian tới, chúng tôi có rất nhiều kế hoạch hợp tác với Việt Nam. Ví dụ, ngay tại thời điểm này, WEF đang nghiên cứu phương thức xây dựng kinh tế số và nâng cấp kết cấu hạ tầng cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chúng tôi cũng đang làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để nâng cao năng suất và thu nhập của người nông dân. WEF và Việt Nam đang hợp tác trong nhiều dự án và sẽ có nhiều kế hoạch hơn nữa trong tương lai.
Chủ đề Hội nghị WEF ASEAN 2018 là “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp 4.0”. Ông đánh giá thế nào về môi trường khởi nghiệp và các doanh nghiệp Việt Nam?
- Nhìn vào hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, bạn có thể thấy rất nhiều start-up năng động. Chính vì vậy, tại hội nghị lần này, chúng tôi đã mời một số doanh nghiệp khởi nghiệp chủ động, sáng tạo tham dự và cùng thảo luận. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng vẫn còn rất nhiều dư địa cho start-up có thể phát triển.
Hàng năm, WEF công bố chỉ số cạnh tranh toàn cầu, đo lường sự phát triển của các nước dựa trên nhiều yếu tố khác nhau. Những yếu tố này đóng vai trò động lực quan trọng thúc đẩy tính cạnh tranh và hiệu quả của các quốc gia, trong đó có chất lượng cơ sở hạ tầng, giáo dục và sức khỏe cộng đồng.
Đối với Việt Nam, một trong những chỉ số còn thấp là chỉ số về năng lực sáng tạo. WEF đo năng lực sáng tạo dựa trên khoản quỹ đầu tư cho phát triển nghiên cứu, số lượng bằng sáng chế của công ty Việt Nam, độ khó dễ và mức thành công của các công ty trong việc thương mại hóa ý tưởng, tức là đưa ý tưởng từ trên giấy thành thực tiễn. Việt Nam không đạt điểm cao trong những tiêu chí này nên tôi nghĩ đây là lĩnh vực chính phủ cần cân nhắc để tạo ra môi trường khuyến khích tinh thần doanh nghiệp và giúp các start-up thành công. Như đã nói, WEF cũng đang phối hợp để khám phá các ý tưởng và chính sách mới nhằm cải thiện năng lực doanh nghiệp.
Ngoài ra, còn tương đối nhiều khó khăn khác, nên tôi hy vọng Hội nghị WEF ASEAN sắp tới sẽ là cơ hội để các quốc gia và giới doanh nghiệp khám phá các thách thức và thảo luận giải pháp khả thi, từ đó có sự chuẩn bị và phát triển tốt nhất trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
- Xin cảm ơn ông.
Ngọc Hà
Theo Zing.vn
Vietnam Report
Bình Luận (0)