Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 4 tháng đầu năm 2022 giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19, đồng thời phản ánh sự tin tưởng của giới đầu tư nước ngoài.
FDI thúc đẩy kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch
Việt Nam đã cấp phép cho 454 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký 3,7 tỉ USD từ tháng 1 đến tháng 4, ghi nhận mức tăng 0,7% về số dự án, nhưng giảm 56,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Tuy nhiên, trong giai đoạn 4 tháng, 323 dự án FDI đang hoạt động đã tăng vốn lên khoảng 5,3 tỉ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, vốn thực hiện của các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 5,9 tỉ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ.
Trong quý đầu tiên của năm nay, vốn thực hiện của các dự án FDI đạt hơn 4,4 tỉ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong 5 năm qua. Vốn thực hiện của các dự án FDI tại Việt Nam cũng tăng đáng kể trong giai đoạn 2012-2019, bình quân gần 10,4%/năm. Ngày càng có nhiều vốn nước ngoài đổ vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến, khoa học và công nghệ.
“Vốn thực hiện FDI lớn hơn phản ánh hy vọng của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự phục hồi kinh tế của Việt Nam. Lượng tiền lớn hơn đồng nghĩa với việc mở rộng sản xuất của các thành phần kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch toàn cầu và tăng trưởng kinh tế trong những tháng tới" - bà Đỗ Thị Thu, giảng viên Học viện Ngân hàng Việt Nam, nói.
Sự hội tụ của vốn FDI, cả vốn đăng ký và vốn thực hiện trong lĩnh vực chế biến, chế tạo và một số lĩnh vực công nghiệp khác là yếu tố quan trọng để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững, góp phần nâng cao năng lực đưa ra nhiều dịch vụ và hàng hóa có giá trị gia tăng lớn hơn trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Giáo sư Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài - dự đoán vốn FDI thực hiện sẽ tăng khoảng 10% trong năm nay, trong khi vốn đăng ký sẽ tăng 10-15%.
Yếu tố thuận lợi
Việt Nam đã thu hút gần 31,2 tỉ USD tổng vốn đầu tư nước ngoài vào năm 2021, tăng 9,2% so với năm 2020, với các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu là Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Nhiều Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đã có hiệu lực, mang lại lợi thế thương mại cho Việt Nam và kích thích đầu tư, bao gồm cả FDI vào Việt Nam.
Các yếu tố góp phần thúc đẩy dòng vốn FDI liên tục vào Việt Nam nói chung và vốn thực hiện FDI lớn hơn nói riêng bao gồm môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, thuận lợi, các chiến dịch xúc tiến đầu tư hiệu quả trong và ngoài nước, chi phí lao động thấp, cơ bản ngăn chặn COVID-19, mở cửa kịp thời du lịch quốc tế trở lại từ ngày 15.3 và các thủ tục xuất nhập cảnh cho người nước ngoài được đơn giản hóa hơn.
Vào cuối tháng 4, Chính phủ Việt Nam đã quyết định cho phép người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam bằng thị thực điện tử qua sân bay quốc tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, mở rộng danh sách các sân bay này trong cả nước lên tổng số 9 sân bay, trong đó có Nội Bài ở thủ đô Hà Nội, Tân Sơn Nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh, Cam Ranh ở Khánh Hòa và Phú Quốc ở Kiên Giang.
Ông Lê Xuân Đông - Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường và dịch vụ tư vấn tại FiinGroup - nhà cung cấp dữ liệu tài chính và phân tích hàng đầu tại Việt Nam - cho biết, gần đây Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút FDI, trong đó có quyết định về thúc đẩy chuyển đổi số và khuyến khích đầu tư vào các dự án công nghệ cao và các công ty khởi nghiệp.
Ngân hàng Thế giới mới đây cho biết, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc chuyển đổi sang các công việc đòi hỏi kỹ năng cao hơn nếu không tiếp tục cải cách giáo dục, tay nghề, chuyển đổi thị trường lao động. Nâng cao chất lượng giáo dục đại học sẽ là một bước quan trọng.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia đưa ra đề xuất liên quan đến việc tạo hành lang pháp lý cụ thể để nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trở thành công ty đại chúng và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 34.815 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 422,8 tỉ USD. Nhưng hiện chỉ có 8 công ty nước ngoài niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chiếm 0,3% giá trị vốn hóa thị trường.
"Trong những năm tới, một số lĩnh vực của Việt Nam sẽ thu hút FDI mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như hậu cần, công nghệ, dịch vụ tài chính, dịch vụ tiện ích, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sản xuất và bất động sản công nghiệp. Đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực thân thiện với môi trường cũng được cả chính phủ Việt Nam và chính quyền cấp tỉnh khuyến khích" - ông Lê Xuân Đông nói.
Theo Báo Lao Động
Bình Luận (0)