Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, tiếp cận nguồn vốn và mặt bằng kinh doanh để phát triển.
Thủ tục hành chính: Doanh nghiệp không "chạy" không được!
Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2018, cả nước có 131,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam đạt kỷ lục về tăng trưởng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một thực tế cần nhìn nhận là các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ phải đối diện nhiều khó khăn, rủi ro. Hiện Việt Nam hiện có hơn 600.000 doanh nghiệp, trong đó khối kinh tế tư nhân có gần 500.000 doanh nghiệp.
Trong số này, hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, 2% doanh nghiệp quy mô vừa và 2% doanh nghiệp lớn. Trong đó, có đến 80% các doanh nghiệp mới thành lập không thể tồn tại quá hai năm.
Một khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, có đến 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Trong đó, gần 1/3 không thể tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng và 1/3 doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, tại Diễn đàn Doanh nghiệp lần thứ V do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội phối hợp với Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội tổ chức, ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn cho phát triển.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Quân cho rằng: "Trước hết cần đẩy mạnh các việc cải cách các thủ tục hành chính. Từ trước tới nay, các doanh nghiệp đều có suy nghĩ rằng tất cả các thủ tục không "chạy" không được".
Để khắc phục thực trạng này, hiện TP. Hà Nội đang rất quyết liệt trong việc cải cách thủ tục hành chính liên quan đến tất cả các ngành, lĩnh vực từ đăng ký kinh doanh, đăng ký ngành nghề phát triển
Mới đây, khi VCCI công bố Chỉ số PCI, Hà Nội đã tăng từ bậc thứ 13 năm 2017 lên vị trí thứ 9. Đây là điều rất đáng mừng đối với các doanh nghiệp của thành phố khi năm đầu tiên Hà Nội đứng trong top 10 - thứ bậc cao nhất từ trước tới nay trong bảng xếp hạng PCI.
Đáng chú ý, nhiều chỉ số liên quan đến thủ tục hành chính đã được cải thiện đáng kể như tính năng động của lãnh đạo chính quyền, chi phí logistic của doanh nghiệp giảm, chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp tăng đáng kể, ông Quân nhấn mạnh.
Thứ hai là việc tiếp cận nguồn vốn tài chính, tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Quân, các cấp chính quyền cần tổ chức các chương trình kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng và các doanh nghiệp để cùng tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các gói tín dụng phù hợp với lãi xuất hợp lý. Đặc biệt là cải cách thủ tục cho vay, tránh rườm rà về thủ tục cho vay đối với doanh nghiệp.
Thứ ba, liên quan đến hoạt động hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, đây là điều các doanh nghiệp hiện nay đang rất khó khăn. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp sản xuất, mặt bẳng kinh doanh là điều vô cùng quan trọng. Trong khi đó, tại các thành phố lớn như Hà Nội, hiện nay diện tích đất không còn nhiều, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng cơ chế hỗ trợ giá thuê, thành lập các cụm công nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê, tạo không gian cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, ông Quân kiến nghị.
Gặp khó trong tiếp cận vốn tín dụng
Lý giải nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn, bà Đỗ Thị Bích Mai, Giám đốc VietinBank chi nhánh Hoàng Mai cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới thành lập hầu hết đều thiếu thông tin về các gói vay tín dụng. Do đó, các doanh nghiệp này thường tiếp cần nguồn vốn tín dụng thông qua các tổ chức trung gian.
Mặt khác, sổ sách, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp này phần lớn đều chưa đầy đủ, cùng với tâm lý ngại tiếp cận với ngân hàng là những khó khăn mà doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp phải khi tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng.
“Nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp cận ngân hàng khó khăn, phải có tài sản thì mới được vay vốn. Tuy nhiên, tài sản chỉ là điều kiện đủ khi doanh nghiệp đến ngân hàng vay vốn, vấn đề là các giao dịch của doanh nghiệp và quản lý các dòng tiền của doanh nghiệp có công khai, minh bạch hay không”, bà Mai nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất khiến năng lực tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn hạn chế là khả năng, năng lực tiếp cận về hồ sơ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa cao, bộ máy về mặt kế toán, vay tín dụng chưa được đào tạo chuyên sâu. Đặc biệt, khi tiếp cận thông tin các doanh nghiệp nhỏ và vừa xử lý hồ sơ còn chậm.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, điều quan trọng nhất đối với các ngân hàng khi cho các doanh nghiệp vay vốn là phương án kinh doanh của doanh nghiệp đó phải khả thi. Bên cạnh đó là khả năng quản trị, uy tín, tín chấp của người chủ doanh nghiệp.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải có giải pháp để ngân hàng có đủ niềm tin vào hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó, ngân hàng mới có thể đặt viên gạch nền móng hợp tác, cung cấp vốn cho các doanh nghiệp phát triển, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa nhấn mạnh.
An Chi
Theo The Leader
Vietnam Report
Bình Luận (0)